Cùng An đi bộ một vòng khu phố Nhật ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh sau khi thành phố giãn cách xã hội kéo dài vì làn sóng dịch COVID-19 thứ tư.
Khu phố Nhật ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) còn được gọi là Little Japan Saigon, Japantown Saigon, Little Tokyo, Tiểu Tokyo, phố Nhật Bản,…, bao gồm khu vực đường Lê Thánh Tôn (các con hẻm 15A, 15B,…), đường Thái Văn Lung (hẻm 8A), Thi Sách, Ngô Văn Năm thuộc quận 1. Trước khi có dịch, khu vực này là một “tụ điểm” ăn chơi, giải trí của rất nhiều du khách, nhất là khách Nhật – Hàn, bởi nơi đây tập trung số lượng lớn các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, bar – pub, dịch vụ massage – spa. Nhưng kể từ sau đợt giãn cách xã hội kéo dài 4 tháng vì làn sóng dịch COVID-19 thứ tư, khu vực này trở nên vắng lặng, đìu hiu.
Thời dịch giã khó khăn, mọi thứ đều thay đổi. Nói đi cũng phải nói lại, nhờ vậy mà thành phố này có cơ hội khoác lên chiếc áo mới. Nhẹ nhàng, mộc mạc và dung dị.
Trong bài viết này, mời bạn cùng An đi bộ một vòng tham quan khu phố Nhật ở trung tâm Sài Gòn mùa dịch, sau khi thành phố mở cửa trở lại hồi đầu tháng 10/2021 nghen!
Ngã tư Lê Thánh Tôn – Hai Bà Trưng, quận 1
Một đoạn đường Lê Thánh Tôn vắng lặng buổi sớm mai ngày chủ nhật
Góc cổ kính và rêu phong
Tranh tường hay là bị vẽ bậy?!
Có rất nhiều nơi cửa đóng im ỉm, treo bảng thuê nhà, bán nhà, sang quán,… như thế này!
Thành phố còn khá ít khách sạn còn hoạt động cầm chừng
Một đoạn đường đẹp khi có sương giăng giữa hai hàng cây buổi sáng
Có vẻ như những quầy bánh mì, nước uống vỉa hè là còn hoạt động tương đối được được
Nắng đẹp!
Không khí Nhật Bản nhưng hoang vắng bên trong một con hẻm
Dây điện chằng chịt làm liên tưởng tới những ngõ ngách của Hà Nội
Một cầu thang nhỏ xinh
Bức tranh tường của cầu thang chụp ở góc này dễ gây lú!
Một chiếc quán với phần tường trang trí độc đáo
Cửa đóng then cài
Những con hẻm cho cảm giác tối tăm và sâu hun hút vì các nhà cao tầng chen kín ở hai bên
Đầu hẻm 15B Lê Thánh Tôn
Đầu hẻm 15A Lê Thánh Tôn
Ảnh: Trần Minh Hiếu
Ảnh: Trần Minh Hiếu
Đi sơ sơ một vòng mà cũng được hơn 4 km.
Một số lưu ý khi đi bộ tham quan khu phố Nhật Sài Gòn
1. Đây là khu vực kinh doanh và dân cư cùng chung sống, khu vực nhỏ, nhiều hẻm, đông người ở, nên cần sự riêng tư và yên tĩnh. Nên đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, không hành động bất lịch sự, không cư xử khiếm nhã, không xả rác bừa bãi,… Nếu chụp ảnh thì nên nép nép vào bên trong, chú ý xe cộ qua lại và chú ý an toàn cho bản thân.
Một số khu vực có thể sẽ bị hạn chế chụp ảnh bởi các anh/ chú bảo vệ khu phố. Nên tôn trọng và làm theo yêu cầu!
2. Vì là đi bộ nên cần chuẩn bị sức khỏe tốt, một đôi giày tốt và êm chân, mũ nón (nếu đi vào lúc trời nắng). Quan trọng là vẫn đang còn dịch nên luôn chú ý nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế), nhất là khẩu trang và khoảng cách.
3. Có thể mang theo nước uống tự túc, hoặc cũng có thể mua đồ ăn nhẹ, nước uống ở các cửa hàng tiện lợi xung quanh khu vực này.
4. Thời điểm lý tưởng để chụp ảnh khu phố Nhật là vào sáng sớm (khi nắng vừa mới lên – giờ vàng trong nhiếp ảnh, khoảng từ 6 – 8g30), lúc hoàng hôn (khi nắng chiều sắp tắt, khoảng từ 4 – 5g30), hoặc buổi đêm (nếu không có dịch thì sẽ có nhiều hộ kinh doanh mở cửa – đèn lên rất lung linh).
5. Nếu chụp ảnh chân dung thì nên chọn trang phục thô mộc, màu sắc nhẹ nhàng, trung tính, hoài cổ, sẽ hợp với bối cảnh hơn.
6. Nếu có nhiều thời gian, hoặc muốn đi bộ nhiều hơn, thì từ khu phố Nhật có thể kết hợp đi bộ qua các điểm tham quan phổ biến ở gần đó, như bến buýt sông quận 1 – phố đi bộ Nguyễn Huệ – ủy ban Nhân dân thành phố – nhà hát thành phố – nhà thờ Đức Bà – bưu điện trung tâm thành phố – đường sách Nguyễn Văn Bình – hồ Con Rùa – khu phố Tây.
7. Một số khu vực gửi xe máy 24/24: trên đường Ngô Văn Năm (đoạn gần ngã ba Lê Thánh Tôn), đường Lê Duẩn (kề Diamond Plaza – đối diện ủy ban nhân dân quận 1).