Trong mắt du khách, Myanmar là một quốc gia đầy thu hút ở khu vực Đông Nam Á với những phong tục, thói quen lạ kỳ. Chẳng hạn như hình ảnh phổ biến trên đường phố Myanmar – đàn ông thường mặc những chiếc váy truyền thống Longyi, hay đa số người dân địa phương đều ưa thích việc thoa bột Thanakha lên mặt để chống nắng và làm đẹp. Trong bài viết này, mời bạn khám phá một phong tục thú vị của người Myanmar: thói quen ăn trầu.
Ăn trầu không phải là một tập tục lạ lẫm gì, nhất là với người châu Á nói chung. Tập quán lâu đời này đã hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển lịch sử – văn hóa của một dân tộc. Trên thế giới có nhiều quốc gia có thói quen ăn trầu, chẳng hạn như Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia… Tại Việt Nam, câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”, hay cụm từ “bàn chuyện trầu cau” chính là những ngụ ý cho tập tục văn hóa lâu đời này.
Nhưng theo sự phát triển của xã hội hiện đại, những thói quen, tập quán cũ đã dần mất đi và được thay thế bằng các phong trào thiết thực, phù hợp hơn. Tục ăn trầu cũng đã và đang dần biến mất theo thời gian. Tuy vậy, du khách vẫn có thể khám phá phong tục thú vị này khi đến với Myanmar – quốc gia còn tương đối bí ẩn và hoang sơ trong khu vực Đông Nam Á.
Ăn trầu, hay nhai trầu là một truyền thống có từ rất lâu ở Myanmar, được gọi là paan. Có tài liệu cho rằng người Myanmar cổ đã ăn trầu từ trước khi bắt đầu việc ghi chép về lịch sử. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, thói quen này chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ vốn rất gần gũi và quen thuộc trong truyền thống Myanmar.
Một quầy bán trầu ở thành phố Yangon, Myanmar
Nếu như ở Việt Nam, ta thường chỉ quen với hình ảnh những cụ bà tóc bạc phơ ngồi trước hiên nhà, tay chầm chậm têm trầu, giã trầu trong chiếc cối chuyên dụng nhỏ nhắn, và miệng thì bỏm bẻm nhai trầu, thì ở Myanmar, du khách có thể thấy việc ăn trầu diễn ra khá phổ biến với bất kỳ thành phần công dân nào: từ già cho đến trẻ, với cả nam lẫn nữ, nhưng nam nhiều hơn.
Đã từng có thời gian, việc nhai trầu được xem như một thói quen phổ biến và ưa thích của người Myanmar. Trong mỗi gia đình đều chuẩn bị những chiếc hộp đựng trầu, đặng khi có khách đến chơi, thì luôn sẵn sàng mời khách.
Người bán đang chuẩn bị gói trầu
Ngày nay, thói quen ăn trầu vẫn tồn tại trong những thị trấn, khu phố thị của quốc gia Myanmar xinh đẹp. Du khách không khó khăn gì để nhìn thấy những quầy bán trầu nhỏ được đặt trên các đường phố, vỉa hè, bên lề đường, chỗ cột đèn giao thông, ở các bến xe, nhà ga, công viên,… Chúng chủ yếu để bán cho những người Myanmar gốc Ấn, người nghiện thuốc lá muốn cai thuốc, hoặc bất cứ ai yêu thích việc được nhai nhóp nhép trong miệng những miếng trầu cau, sau đó phun phèo phèo bã trầu đỏ au xuống đường.
Lá trầu, nguyên liệu chính cho thói quen nhai trầu của người Myanmar
Nước vôi tôi dùng phết lên lá trầu
Miếng trầu ở Myanmar thường gồm có lá trầu, hạt cau, vôi tôi như ở Việt Nam. Ngoài ra, người bán còn thêm một số hương liệu như hạt hồi, đinh hương, bạch đậu khấu, sợi thuốc lá,… Có cả loại trầu mang hương vị ngọt được những người trẻ tuổi ưa thích.
Các lá trầu đã được phết nguyên liệu
Vì sự phổ biến của thói quen nhai và nhổ bã trầu làm ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố, đô thị, mà ở nhiều nơi, người ta đã dán các bảng hiệu đề “Không khạc nhổ paan”. Còn chính phủ Myanmar cũng có những biện pháp hạn chế dân chúng ăn trầu.
Bã trầu trên đường phố
Ghé thăm đất nước Myanmar hoang sơ và bình yên, du khách hẳn sẽ khó quên những nụ cười địa phương… đỏ choét vì màu của nước trầu.