Nhà thờ Cái Mơn tại Bến Tre, thuộc giáo phận Vĩnh Long được xem là nhà thờ cổ nhất xứ Nam kỳ. Ngoài kiến trúc độc đáo và đặc biệt, nhà thờ Cái Mơn còn là nơi ghi nhận lịch sử về ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898), một nhà chính trị, học giả, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam.
Nhà thờ giáo xứ Cái Mơn, hay nhà thờ Cái Mơn, nằm trên quốc lộ 57, thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Theo bia đá còn lưu lại, nhà thờ Cái Mơn tiên khởi vào năm 1702, được xem là nhà thờ cổ nhất xứ Nam kỳ.
Về cái tên Cái Mơn, có một truyền thuyết gọi đây là “Kà-meung” (Kha Mân), có nghĩa là “tổ ong”, vì đây là nơi được thiên nhiên ưu đãi, hoa trái sum suê bốn mùa, thu hút ong bướm tụ về. Từ Kha Mân đọc lâu thành Cái Mơn. Cũng có cách lý giải khác cho rằng xưa kia đây là vùng rạch Cả Mân, lâu dần đọc trại ra Cái Mơn.
Nhưng theo tư liệu cũ đáng tin hơn cả thì Cái Mơn do tiếng Pháp “Caïman” đọc trại mà ra, có nghĩa là cá sấu mõm dài. Điều này có lý vì xưa kia nơi này có rất nhiều cá, nhất là cá sấu. Ngày nay vẫn còn cây cầu Giàn Sấy, nơi xưa kia người Miên (Khmer) phơi sấy cá.
Sử sách ghi lại, từ năm 1700, Cái Mơn là trung tâm truyền giáo của các cha dòng Phanxicô. Cũng vào thời gian này, chúa Nguyễn cấm đạo gắt gao nên giáo dân từ Phú Yên tìm đường vào Nam để lánh nạn. Những gia đình giáo dân từ miền Trung đầu tiên đã tìm đến Cái Mơn lập nghiệp từ năm 1702, lập nên các họ đạo.
Cái Mơn thời đó được chú ý vì cha xứ Cái Mơn là người Pháp, lại thêm Cái Mơn là nơi sinh của ông Trương Vĩnh Ký, một nhà chính trị, học giả, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam trong thế kỷ XIX, người đã có công truyền bá chữ Quốc ngữ, nên đa số các thừa sai trẻ người Pháp sang Việt Nam giảng đạo đều đến Cái Mơn để học tiếng Việt.
Trương Vĩnh Ký (1837-1898) sinh ra tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Ông là người am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa cổ kim Đông Tây, nên được kết nạp làm thành viên thứ 18 của hội “Savants du Monde”, một hội gồm nhiều nhà khoa học, văn học Pháp (một số nguồn tin ở Việt Nam đã hiểu nhầm, cho rằng ông “đứng thứ 18 trong các đại văn hào thế giới”, nhưng thực ra “Savants du Monde” chỉ là tên gọi khoa trương, về bản chất đây là một hội tự lập mang tính giao lưu cá nhân và thành viên chỉ toàn người Pháp mà thôi). Ông đã để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật,… Riêng đối với báo chí viết chữ Quốc ngữ tại Việt Nam, ông được coi là người tiên phong vì đã sáng lập, là tổng biên tập tờ báo viết chữ quốc ngữ đầu tiên mang tên là Gia Định Báo.
Năm 1803, một nhà thờ nhỏ thô sơ được dựng lên nhưng địa điểm chính xác thì đến giờ không ai còn biết rõ, đây chính là nhà thờ Cái Mơn đầu tiên. Năm 1854 nhà thờ Cái Mơn thứ hai được xây dựng.
Nhà thờ Cái Mơn nhìn từ cầu Cái Mơn Lớn
Một cổng (có lẽ là cổng phụ) của nhà thờ Cái Mơn
Khuôn viên nhà thờ được trồng nhiều cây hoa sứ đẹp mắt và thanh tĩnh.
Khu vực chính của nhà thờ Cái Mơn
Các công trình khác của nhà thờ
Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn bên cạnh nhà thờ Cái Mơn
Tường thành nhà thờ
Nhà thờ Cái Mơn mang nét cổ kính và trầm mặc.
Kiến trúc tháp chuông độc đáo và đặc biệt của nhà thờ Cái Mơn
Tượng Thánh Phan Văn Minh (1815 – 1858), người con của đất Cái Mơn – thụ phong linh mục 1846.
Tượng Đức Mẹ
Một cổng (có lẽ là cổng chính) của nhà thờ Cái Mơn
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, chỉ mang tính chất tham khảo.