Thanh bình và ấn tượng phong cảnh quê hương Bình Định

 

Quê Hương chốn thanh bình có bầu trời xanh thắm xanh. Đồng lúa thẳng cánh cò bay lấp lánh cánh diều mơ ước tuổi thơ” – Bài hát “Cô Tấm ngày nay” – Sáng tác: Ngọc Châu.

Bình Định quê mình chủ yếu phát triển các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp, vì lợi dụng địa thế của vùng: gồm các dãy núi cao, đồi thấp xen lẫn thung lũng hẹp, các đồng bằng lòng chảo, các đồng bằng duyên hải bị chia nhỏ do các nhánh núi đâm ra biển, các cồn cát ven biển và biển. Với vị trí địa lý như vậy, Bình Định vẫn là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đầy tiềm năng để phát triển du lịch đa dạng các thể loại: du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch MICE (hội họp, triển lãm),…

Nói chi xa, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà mình (phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn), đi loanh quanh trong vòng bán kính 20 km trở lại, cũng đã qua đủ các loại địa hình và phong cảnh: nào núi, nào đồng bằng, nào biển cả. Hãy cùng An xem lại những bức ảnh dưới đây để thấy một Bình Định vừa thanh bình êm ả, vừa ấn tượng thu hút như thế nào nghen!

Đường quê vắng vẻ và xanh mướt bởi những hàng tràm keo (keo lai)

Núi và ruộng lúa, ruộng lúa và núi. Cứ ra khỏi nhà là thấy hai thứ này. Mà ngắm mãi không chán!

Cục… phân trâu bò là mình cố tình chụp đó nha, cho ảnh được chân phương (!!!)

Ruộng đồng và hàng dừa trên DT639B

Hàng cau nên thơ dẫn vào nhà thờ Đại Bình (giáo xứ Đại Bình) trên quốc lộ 1A, thuộc thôn Văn Cang, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn

Một quán cà phê đơn sơ

Phơi bột mì trên quốc lộ 1A, phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn

Phơi bánh tráng.

Bánh tráng Bình Định thường là loại dày để nướng, hoặc nếu là loại mỏng để cuốn thì cũng không quá mỏng, phải nhúng nước cả hai mặt (không giống như bánh tráng mỏng te của Tây Ninh). Và ở đây, bánh tráng nướng (chín) hay sống gì thì cũng gọi là bánh tráng cả. Không phải như trong Sài Gòn, bánh tráng sống thì gọi là bánh tráng, còn bánh tráng nướng thì gọi là bánh đa. Sẵn tiện nói luôn, ở quê mình thường ra quán ăn bất cứ thứ gì cũng sẽ được phục vụ kèm với bánh tráng nướng (bún, phở, cháo, bánh canh, bánh hỏi, bánh ướt,…). Bánh tráng giống như hơi thở, như cơm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân.

Ngoài ra, người quê mình khi ăn món cuốn (bánh tráng cuốn), đơn giản thì sẽ lấy bánh tráng sống nhúng nước cho mềm, rồi bẻ bánh tráng nướng cuốn vô, với ít rau sống, vậy là chấm nước mắm ăn thôi (nước mắm ớt chua ngọt, hoặc mắm nêm, mắm đục, mắm mực, mắm ruốc,… – tóm lại là các thể loại mắm đều chấm được). Còn cầu kỳ hơn thì sẽ cuốn với cá hấp, cá luộc, cá chiên (như cá ngừ, cá nục). Cầu kỳ nữa thì không cuốn với bánh tráng nướng mà là cuốn với bánh tráng chiên (bánh tráng sống nhúng nước sơ qua rồi đem chiên với dầu), ăn vậy vị sẽ béo đậm đà hơn.

Biển Lộ Diêu, thuộc xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn

Di tích lịch sử tàu không số

Khối bê tông trong ảnh là thùng rác chứa vỏ chai thuốc trừ sâu

Vẫn là cảnh ruộng đồng, núi non, hàng dừa…

Xuyến chi mọc dại

Trái thù lù (tầm bóp)

Hoa dủ dẻ, thơm lắm, như mùi hoa sữa á!

Trái dủ dẻ, khi chín vàng ăn vào ngòn ngọt thanh thanh, cả thơm nữa!

Xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Vân

Trên đèo Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Vân

Xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Vân

*** Ảnh chụp bằng điện thoại iPhone 7, chỉnh sửa qua ứng dụng (app) PS Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *