Tổ đình Long Thiền: ngôi chùa cổ nép mình bên sông Đồng Nai

 

Tổ đình Long Thiền (hay Long Thiền Tự, chùa Long Thiền) nằm ven sông Đồng Nai là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Đồng Nai…

Cùng với chùa Đại Giác và chùa Bửu Phong, chùa Long Thiền hay tổ đình Long Thiền là ngôi chùa cổ có tuổi đời trên 300 năm của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa tọa lạc ở số K2/3B ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, nay là hẻm 906 đường Bùi Hữu Nghĩa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Hướng dẫn đường đi

Nếu từ thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Biên Hòa theo quốc lộ 1K, bạn đi đến vòng xoay ngay chân cầu Hóa An thì quẹo phải vào đường Bùi Hữu Nghĩa, đến ngã ba đường Bùi Hữu Nghĩa và Nguyễn Thị Tôn thì quẹo trái, chạy thẳng vào đến gần cuối đường sẽ gặp tổ đình Long Thiền ở phía bên tay phải.

Vị trí chùa Long Thiền theo Google Maps

Chùa Long Thiền theo hệ phái Phật giáo Bắc tông. Các nhà nghiên cứu sử sách cho rằng tên đúng của chùa phải là Long Thiềng, trong đó chữ Thiềng là do đọc trại chữ Thành mà ra (do kỵ húy). Theo tài liệu lưu tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, chùa Long Thiền được xây dựng vào năm 1664 do tổ sư Thành Nhạc, người miền Trung vào khai sáng.

Vào khoảng thế kỷ thứ XVII, vùng đất xứ Đồng Nai còn hoang vu, rừng núi bạt ngàn, đất đai phì nhiêu, sông rạch chằng chịt với muôn vàn thú dữ. Ven sông Đồng Nai, lác đác vài ngôi nhà của người dân thiểu số. Vùng đất trù phú với sông Đồng Nai ngọt ngào hiền hòa trở thành nơi lý tưởng cho việc định cư của lưu dân người Việt từ Đàng Ngoài vào do không cam chịu cuộc chiến tranh khốc liệt giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn. Trong cộng đồng di dân, có một số nhà sư và phật tử lánh nạn vào xứ Đồng Nai. Nhà sư Thành Nhạc là một trong số đó vào khai hoang lập ấp, mưu tìm cuộc sống ở vùng đất mới. Đến hữu ngạn sông Đồng Nai, nhà sư nhận thấy cảnh trí tịch mịch, địa cảnh phong quang có thể khai thác mở thiền lâm nên đã lập một ngôi chùa, đặt tên là Long Thiền tự.

Chùa Long Thiền ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ, cột gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất sét. Theo phong thủy, chùa Long Thiền tọa lạc trên một vùng đất có long mạch quý. Trước chùa là sông Đồng Nai, sau lưng chùa có núi Châu Thới, từ chùa tỏa ra quanh vùng, từ xã Hóa An đến Thạnh Hội là “long mạch của Thanh Long”, còn mũi Châu Thới dựng lên như cánh đuôi rồng, chùa Long Ẩn biểu trưng miệng rồng, núi Bửu Phong biểu thị “trái châu”, ví như “rồng ngậm trái châu”.

Trải qua nhiều lần dựng xây và trùng tu, Long Thiền Tự đã được khang trang như hiện tại. Kiến trúc chùa theo lối chữ tam (三). Chánh điện, nhà thờ Tổ, giảng đường, tăng đường, nhà trù tiếp nối nhau. Tùy theo chức năng của từng nơi trong chùa mà cách bài trí từng mảng hài hòa. Những hàng cột chính trong chánh điện chạm khắc tinh tế đề tài hoa điểu, bát tiên, lý ngư hóa long, nhựt nguyệt, tứ linh, được sử dụng trang trí một cách tinh tế.

Khuôn viên chùa còn lưu lại những bảo tháp cổ, trong đó có bảo tháp của tổ sư Thành Nhạc khai sáng với tấm bia bằng đá xanh chạm trổ tinh vi. Ngoài ra còn có hai ngôi mộ cổ tương truyền của một vị quan và phu nhân có công với việc khai hoang lập ấp, xây dựng Long Thiền tự. Khoảng sân rộng của chùa được trồng nhiều cây hoa điểm tô thêm nét thanh thoát hòa nhã. Chùa còn có nhiều pho tượng Phật cổ bằng đất nung và bằng đồng. Sân vườn đặt nhiều tượng Đức Phật Thích Ca, tượng Bồ tát Quan Thế Âm, Phật Di Lặc, vườn tượng Lâm Tỳ Ni, tượng đức Phật chuyển pháp luân…

Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chùa Long Thiền đã có sự đóng góp đáng kể. Thời chống Pháp, chùa là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa. Giai đoạn chống Mỹ, nhiều nhà sư và phật tử đã tham gia đấu tranh, đóng góp, tiếp tế cho phong trào cách mạng. Là một kiến trúc tôn giáo, là một cái nôi của trung tâm Phật giáo xứ Đàng Trong, cùng với sự đóng góp trong sự nghiệp cách mạng nước nhà, chùa Long Thiền xứng đáng có một vị trí trong lịch sử của vùng đất Đồng Nai.

Chùa Long Thiền đã được Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể Thao và Du Lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991.

Cổng chính vào Tổ đình Long Thiền

Cổng chính Tổ đình Long Thiền từ trong sân nhìn ra

Chánh điện Long Thiền Tự

Một góc sông Đồng Nai

Xa xa là cầu Ghềnh Đồng Nai

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *