Tham quan núi Minh Đạm: Bạch Vân Động và Bạch Vân Điện

 

Núi Minh Đạm nằm cách thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 6 km. Ngoài là khu di tích lịch sử lưu giữ các chứng tích hoạt động cách mạng của quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây còn có các địa danh tâm linh và là nơi có cảnh quan núi rừng hoang sơ.

Núi Minh Đạm án ngữ ở phía Đông Bắc của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách thành phố Bà Rịa 30 km và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 110 km. Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi theo quốc lộ 1A hướng về Đồng Nai, sau đó rẽ phải sang quốc lộ 51 hướng về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi tới ngã ba Phước Trung, bạn đi vào quốc lộ 55. Gặp ngã ba đầu tiên thì rẽ phải vào đường 44A (DT44A) là đường dọc biển, đi qua thị trấn Long Hải, đèo Nước Ngọt, thì sẽ thấy bên tay trái có các bảng chỉ dẫn rẽ vào khu di tích núi Minh Đạm.

Vị trí khu di tích lịch sử núi Minh Đạm. Ảnh chụp màn hình Google Maps

Minh Đạm là dãy núi có chiều dài 9 km, chỗ rộng nhất là 4 km, thuộc địa phận các xã Tam Phước, Phước Hưng, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), và thuộc xã Phước Hải, Long Mỹ (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Dãy núi này có các điểm thú vị như: Hòn Đá Dựng cao 173 m, Hòn Thung 217 m, Chóp Mao 323 m.

Cụm núi Minh Đạm gồm núi Đá Dựng, Hòn Thung, núi Ngang, núi Điện Bà, núi Châu Viên và núi Trương Phi – còn gọi là núi Thùy Vân hay núi Kỳ Vân vì từ xa nhìn lại có những đám mây rũ. Những ngọn núi này hợp thành dãy Châu Long – Châu Viên, tức núi Minh Đạm. Cái tên Châu Long – Châu Viên hình thành là do trên núi có xây dựng hai ngôi chùa là Châu Viên và Châu Long. Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1948), hai đồng chí Bùi Công Minh – chức Bí thư và Mạc Thanh Đạm – Phó Bí thư huyện ủy Long Điền trên đường đi công tác đã bị địch phục kích bắn chết tại chùa Phước Trình trong khu vực núi, để tưởng nhớ hai ông, nhân dân đã lấy tên ghép của hai ông đặt tên cho dãy núi. Từ đó đến nay, dãy núi này được gọi là Minh Đạm.

Từ đèo Nước Ngọt, theo bảng chỉ dẫn quẹo trái vào Minh Đạm, bạn sẽ chạy theo con đường trải nhựa ngoằn ngoèo mát rượi và đẹp mắt bởi những hàng cây cao hai bên. Càng lên cao, quay mặt lại, bạn càng nhìn rõ biển Long Hải xanh xanh êm ả phía dưới. Con đường sẽ dẫn bạn lên gần đỉnh núi nơi bạn sẽ gửi xe để lần theo các bậc thang tham quan từng khu trong di tích núi Minh Đạm.

Đường lên khu di tích núi Minh Đạm

Cây khô và bầu trời

Một bông hoa dại ven đường

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Nơi gửi xe trong di tích

Tụi mình đi lúc vắng khách nên không biết khu này có thu phí tham quan gì không, vì mình chỉ phải trả tiền giữ xe máy thôi.

Căn cứ Minh Đạm gồm 4 khu tham quan chính: khu Chùa Viên, khu Đá Chẻ, khu chùa Giếng Gạch, khu Đá Chồng. Núi Minh Đạm hiện có đến hơn 300 hang lớn nhỏ. Các hang trọng yếu mà du khách nên tham quan đó là: hang Huyện ủy, hang Huyện đội, hang Quân y, hang Thị xã Cấp, hang Quân giới (Giếng Gạch), hang Binh vận, hang B2, hang xã Phước Hải.

Chuyến đi ngày hôm đó tụi mình đã không tham quan căn cứ Minh Đạm mà đã khám phá hai điểm lý thú kề bên: Bạch Vân Động và Bạch Vân Điện.

Hướng tham quan Bạch Vân Điện và Bạch Vân Động ở gần bãi giữ xe

Có lẽ di tích núi này ít người đi, nên rừng ở đây còn khá hoang sơ. Tụi mình có thể nghe và nhìn thấy một vài chú chim lạ có màu sắc sặc sỡ.

Men theo con đường này đi lên, quẹo trái là gặp Bạch Vân Điện (khoảng 1 km từ chỗ giữ xe), còn đi thẳng là Bạch Vân Động (cũng khoảng 1 km).

Tụi mình đi thẳng để tham quan Bạch Vân Động trước.

Một đoạn là đường nhựa, rồi bậc tam cốc, rồi chỉ toàn đá như thế này. So với sức lực của mình, một dân văn phòng không bao giờ tập thể dục, thì đi bộ leo núi vài bước cũng mệt thở không ra hơi đó nha.

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Bạn nhớ “thủ” theo đồ ăn nước uống (nhưng gọn nhẹ thôi)!

Sắp tới Bạch Vân Động rồi.

Bạch Vân Động, tức động Bạch Vân. Trong động người ta xây đền thờ Quan Âm và Ngũ Hành Nương Nương (hay Ngũ Hành Thánh Mẫu, tức năm Bà Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).

Nói chung, kiến trúc của đền thờ này không có gì thu hút, nhưng đường lên đây đi qua cảnh rừng núi hoang sơ, vui vầy với thiên nhiên, lên tới nơi lại thấy cảnh biển bao la, thì cũng thú vị lắm! Quả là, đích đến thường không quan trọng hoặc không đẹp bằng hành trình đến đích.

Biển Long Hải nhìn từ Bạch Vân Động

Khu vực thờ Ngũ Hành Nương Nương

Từ khu vực thờ Năm Bà mà ngồi nghỉ chân ngắm mây trời và đón gió mát là trên cả tuyệt vời luôn đó nha!

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Sau khi nằm dài tựa vào đá nhìn ngắm mây trời đã đời chán chê, tụi mình đi xuống để ghé qua Bạch Vân Điện.

Phải cúi mình đi qua một tảng đá to

Sắp tới Bạch Vân Điện

Bạch Vân Điện là một di tích tâm linh của đạo Cao Đài, là nơi mà Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương buổi sinh thời đã chọn làm chốn hành thiền khai cơ Chỉnh Đạo (khoảng những năm đầu của thập niên ba mươi). Xưa nơi này có tên là Bạch Vân Am, nay được tu sửa và đổi tên thành Bạch Vân Điện.

Nơi này hiện có 2 chú trong đạo đang ở, chịu trách nhiệm coi sóc, trông nom điện.

Để đến đây, ngoài con đường từ di tích lịch sử núi Minh Đạm như tụi mình (từ bãi giữ xe lên Bạch Vân Điện khoảng 20 phút đi bộ), thì bạn còn có thể chọn con đường leo bộ khó nhằn từ chùa Khỉ (Thiền Viện Trúc Lâm Chân Nguyên).

Nói một chút về ngài Nguyễn Ngọc Tương: sinh năm 1881, mất năm 1951, quê quán Bến Tre. Ông là một trong những chức sắc quan trọng của tôn giáo Cao Đài trong thời kỳ hình thành và là Giáo tông thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo. Lúc trẻ, ông tham gia nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, từng đậu ngạch Tri huyện, làm chủ quận tại Cần Thơ, An Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong suốt thời gian làm công chức, ông được đánh giá là một quan cai trị thanh liêm và có nhiều công đức với địa phương. Ông thường tổ chức khai hoang, mở trường, lập chợ… được dân chúng yêu thương và ca tụng “Ông Phủ Ba hiền như Phật, Ông Phủ Ba thật từ bi”. Trong thời gian ông làm chủ quận Cần Giuộc (tỉnh Long An ngày nay), ông xin nhập môn vào đạo Cao Đài và dần dần tập trung tu tập.

Bia lưu niệm Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ở Bạch Vân Điện

Tại đây vẫn còn lại cây vú sữa, cây me và cây xoài do chính tay ngài Nguyễn Ngọc Tương trồng năm xưa, trong lúc một mình sống cuộc sống ẩn dật và hành đạo trên núi.

Điều hấp dẫn nhất ở Bạch Vân Điện, theo mình, là tảng đá lớn và phẳng nhô ra ngoài. Đó cũng chính là nơi ngài Nguyễn Ngọc Tương ngồi ngắm trăng sao khi xưa.

Con đường nhỏ dẫn ra tảng đá phẳng, chỗ này bạn phải bỏ giày dép ra nha!

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Một nơi lý tưởng để ngắm cảnh, nhất là bình minh. Tiếc là ở đây không cho qua đêm.

Biển Long Hải

Nghe một chú đang trông coi chỗ này nói, ở đây có nhiều khỉ lắm, chúng cũng quấy phá dữ, nên đâu thể trồng rau trồng hoa gì đâu.

Núi Minh Đạm rất gần thị trấn Long Hải, cũng không quá xa với thành phố Vũng Tàu (chừng 20 km) nên hoàn toàn có thể đi trong ngày. Nếu muốn qua đêm, bạn hãy nghỉ lại ở thị trấn Long Hải, thành phố Vũng Tàu, hoặc thành phố Bà Rịa, rồi sáng sớm chạy xe đến đây ngắm bình minh trên biển ở đèo Nước Ngọt, ăn sáng ở thị trấn Phước Hải, rồi hãy lên núi tham quan cho mát.

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *