Nói bánh dây là món ăn đơn giản, mộc mạc, nhưng để làm ra mẻ bánh ngon thì cần rất nhiều thời gian lẫn công sức, lúc đó mới thấy hết sự tảo tần, chịu khó của người dân quê.
Bài viết đã được đăng trên trang thanhnien.vn/ihay. Đây là bài gốc.
Mộc mạc bánh dây
Bánh dây, còn được người Bình Định gọi là bún dây, là món ăn có nguồn gốc từ huyện Hoài Nhơn. Hiện nay, với sự giao thương rộng mở, di cư học tập, làm ăn, sinh sống của nhiều người, kèm theo đó nhiều món ăn đặc sản từ nhiều vùng miền được quảng bá và biết đến, nên bánh dây đã có mặt ở nhiều nơi trong tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, muốn được thưởng thức dĩa bánh dây ngon chính gốc thì phải về thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn.
Trong quá trình sinh sống và phát triển, bằng sự sáng tạo và cần mẫn mà ông cha ta đã nghĩ ra bao nhiêu món ăn phong phú, ngon miệng và hấp dẫn cả về hình thức lẫn chất lượng chỉ từ hạt gạo. Nào là cơm, cháo. Nào là bún, bánh canh, phở, mì. Nào là bánh bèo, bánh đúc… Món bánh dây – đặc sản Bồng Sơn cũng là một món ăn làm từ gạo, nhưng lại mang hương vị khác hẳn.
Nói bánh dây là món ăn đơn giản, mộc mạc, nhưng để làm ra mẻ bánh ngon thì cần rất nhiều thời gian lẫn công sức, lúc đó mới thấy hết sự tảo tần, chịu khó của người dân quê.
Muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ, tức là gạo xay từ lúa được thu hoạch từ nhiều tháng trước. Với loại gạo này, sợi bánh sẽ có vị dai đặc trưng nhưng không cần dùng đến hàn the gây hại cho sức khỏe. Gạo lúa cũ được đem vo nhẹ vài lần, sau đó ngâm với nước cốt tro. Loại tro ngâm gạo phải là tro củi thì bánh mới được ngon. Tro củi được sàn cho mịn, rồi cho vào thau nước, khuấy lên vài lần để tro lắng xuống và gạn bỏ tạp chất. Chắt lấy phần nước trong rồi đem ngâm gạo trong khoảng 6 tiếng đồng hồ.
Tiếp theo, gạo sau khi ngâm nước tro sẽ được đem xay thành bột và hấp chín. Trong quá trình hấp, người làm phải liên tục khuấy để bột chín đều, không bị cháy khét. Khi bột đặc lại và ráo nước thì được ngắt thành từng miếng nhỏ, cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi bún nhỏ.
Những vỉ bánh này lại được đem đi hấp cách thủy cho chín đều. Lúc này, sợi bún có màu vàng nhạt tự nhiên và đẹp mắt. Những sợi bún vàng này dính với nhau, nhưng có thể tách ra được dễ dàng nên người ta gọi là bánh dây.
Bánh dây thường được bán vào buổi sáng và tối. Tuy nhiên, loại bánh này nếu ăn nhiều sẽ dễ bị bội thực nên người ta thường ăn sáng nhiều hơn. Khi có thực khách gọi, người bán sẽ nhanh tay xé rời từng vỉ bánh, ngắt từng đoạn ngắn, vừa ăn cho vào dĩa. Một ít dầu hẹ được thoa đều, đậu phộng rang giã nhỏ được rải lên. Muỗng nước mắm tỏi chanh ớt được rưới lên. Và trên cùng là một ít rau sống gồm giá, xà lách, dắp cá, rau thơm xanh rì.
Vị dai của sợi bánh dây hòa lẫn với mùi thơm của nước mắm ngon ngay tại địa phương, quyện với các loại rau tươi ngay tại vùng, cùng với vị thơm thơm, béo ngậy, giòn giòn của đậu phộng, sẽ là một bữa “đại tiệc” mộc mạc mà lý thú dành cho thực khách.
Bữa “đại tiệc” mộc mạc mà lý thú dành cho thực khách.
Bánh dây Bồng Sơn thường theo chân những người bán hàng rong gánh quang gánh đi khắp thị trấn, và cũng được bán kèm với bánh hỏi. Bánh dây rất rẻ, nên có nhiều người bụng tốt (không sợ bị bội thực) thì ăn một lần hai, ba dĩa mà chưa muốn dừng.
Tôi có người mợ sống ở thành phố Quy Nhơn, cách Hoài Nhơn khoảng 80 cây số, thích ăn bánh dây vô cùng. Mỗi lần về Hoài Nhơn, mợ phải ăn mấy dĩa bánh cho đỡ cơn thèm. Đã vậy, khi quay trở lại thành phố, tay nải mang theo không khi nào thiếu mấy ký bánh dây. Kể vậy để thấy sức hút của món ăn mộc mạc, thuần túy này như thế nào.
Bình An
*** Ở đoạn cuối, chính xác phải là “thím” chứ không phải “mợ”, vì là vợ của chú. Mà hổng hiểu sao lúc viết và gởi bài, trong đầu mình cứ đinh ninh là “mợ”. Thôi kệ, cứ để vậy đi, dù là “mợ” hay “thím” thì cũng là vợ của anh hoặc em của ba má mình, và quan trọng, người này ghiền món bánh dây. Hơ hơ…