Độc hành Bình Dương: la cà đến chùa Thái Sơn Núi Cậu (2) – Hết

 

Rời vạt rừng cao su cùng không khí mát mẻ trong lành, mình tiến dần về hướng chùa Thái Sơn Núi Cậu theo sự chỉ dẫn của bác Google Maps.

>> Độc hành Bình Dương: la cà đến chùa Thái Sơn Núi Cậu (1)

Miền Đông Nam bộ những ngày cuối tháng 11 này đã có thời tiết mát mẻ, ra dáng cuối thu đầu đông. Vào buổi tối, khuya và sáng sớm, nhiệt độ giảm xuống chỉ còn từ 23-25 độ C. Khí hậu thích vô cùng!

Đi ngang qua lối rẽ vào hồ Than Thở – suối Trúc, một địa danh du lịch thiên nhiên xanh mát lý tưởng của tỉnh Bình Dương, nằm dưới chân núi Cậu

This image has an empty alt attribute; its file name is AM-JKLWbwBK0NPYaq1-e5pVwkHYa2SQs10RT_tGseDkQiNQC4M02-UGIneyLskUKDoLb4RSm1lij3PcJYbszrWqZcjIiJon25sgRcWS58uKMEo9N2W7knfSBsTredZq5BprrRQcH_v8H1htV-6yuppedj48Q=w932-h623-no

Ngang qua tấm bảng đề:Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Đoàn U70 an ninh vũ trang miền Nam

Tiếp tục đi thẳn thì đến cổng chào khu du lịch sinh thái Núi Cậu

Không biết trước kia nơi này có thu phí cổng hay không, chớ giờ dịch giã, mình thấy cổng bảo vệ đóng cửa im ỉm, không một ai trông coi.

Bảng báo nguyên tắc bảo vệ rừng phòng hộ

Chạy qua cổng khu du lịch là con đường rừng xanh mát, vắng vẻ.

Nắng mai soi chiếu, chim hót líu lo…

Quần thể núi Cậu có diện tích lên tới hơn 1.600 ha với 21 ngọn núi. Các ngọn núi cao nhất ở đây là núi Cửa Ông cao 295 m, núi Ông cao 285 m, núi Tha La cao 198 m, và núi Chúa cao 63 m.

Tiếp tục chạy thẳng thì thỉnh thoảng sẽ gặp các lối rẽ vào những nhà hàng, quán ăn, quán cà phê dọc theo hồ Dầu Tiếng (bên tay trái, sau những cánh rừng là bờ hồ).

Chạy thêm một đoạn thì mình thấy cổng tam quan cổ kính của chùa Thái Sơn Núi Cậu, mà sau đó mình mới biết, thì ra có tới hai chùa cùng tên nằm trên núi Cậu này. Tạm gọi đây là chùa 1.

Chùa 1 nằm khá gần cổng khu du lịch, vắng hoe. Nhưng vẻ vắng lặng thanh tĩnh cùng nét trầm mặc cổ kính của nó khiến mình cảm thấy thích hơn.

Chùa 1 này cũng nằm ở lưng chừng núi như chùa 2, nhưng là đoạn gần chân núi nên rất thấp. Có đường cho xe máy chạy thẳng lên khoảnh sân trước chánh điện.

Cổng tam quan chùa Thái Sơn Núi Cậu 1 nhìn từ bên trong

Phần cổng cổ kính, uy nghiêm

Khách đi bộ muốn lên chánh điện có thể đi qua các bậc tam cấp rêu phong trầm mặc này.

Chùa 1 đúng là vắng lặng, đến nỗi mình không thấy ai kể cả du khách hay các sư trong chùa.

Chánh điện và tháp Quan Âm ở phía trước

Cỏ cây trong chùa 1

Mình chỉ loanh quanh chụp ảnh bên ngoài chùa 1 một xíu rồi lại đi. Dù sao cũng còn đang dịch mà, không muốn tiếp xúc với ai hết.

Thử rẽ vô một con đường nhỏ bên trái xem có gì không.

Tưởng được nhìn thấy hồ Dầu Tiếng bao la, nhưng không, ở đoạn này chỉ thấy xíu mé nước vì bị cây cối che khuất hết rồi. Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi được dùng để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho miền Đông Nam bộ. Hồ nằm tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, nhưng phần lớn lưu vực nằm trên huyện Dương Minh Châu và một phần huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh.

Lại tiếp tục chạy thẳng theo lối đường lớn lúc nãy, thì gặp chùa Thái Sơn Núi Cậu 2. Đây mới chính là ngôi chùa mà có thể bạn sẽ tìm ra rất nhiều thông tin cùng hình ảnh trên Internet. Lúc trước dịch, ngôi chùa núi này nổi tiếng linh thiêng và được nhiều người chiêm bái gần như quanh năm. Nhưng nhìn cảnh buôn bán xô bồ trước cổng chùa thì mình tụt cảm hứng, không muốn vô tham quan.

Bãi giữ xe dành cho du khách vãn cảnh chùa ở bên tay trái. Có anh chạy xe ôm tới hỏi mình rằng có muốn lên núi Cậu tham quan không, anh chở đi, giá khứ hồi là 50.000 đ, nhưng mình từ chối. Nghe nói là đằng sau chánh điện chùa 2 có đường (bậc tam cấp) cho du khách lên núi ngắm cảnh, phải leo khoảng 1.000 bậc mới đến được đỉnh (cao chưa tới 300 m).

Theo thông tin từ Internet góp nhặt được, chùa Thái Sơn Núi Cậu nằm trên núi Cậu, ở độ cao 63 m, thuộc ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Từ đây cách địa phận thành phố Hồ Chí Minh cỡ 80 km.

Rồi, mình tới đây, nhìn thấy cái cổng chùa Thái Sơn Núi Cậu chính, rồi thì quay đầu xe đi về thôi đó. Đúng là đích đến thường không như ta mong đợi mà. Quan trọng là trải nghiệm dọc đường.

Trên đường đi về thấy biển chỉ dẫn lối vào đình thần Thanh An, nên cũng tò mò ghé vô xem, thì chỉ thấy có cái cổng đình rêu phong.

Hai bên cổng có hai chú lân (hay sư tử?!) bằng sứ nho nhỏ khá thú vị.

Một cây có rễ dây leo bám chặt vô cổng đình.

Đất lạ và vắng, thấy người lạ là chó xung quanh sủa và dí inh ỏi. Thôi, đi về. Hẹn đất Bình Dương một ngày gần nhất với những điểm đến dân dã và cổ kính thú vị khác.

(Hết)

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *