Một hành trình về Bình Dương ngắn ngủi tốc hành đầy ngẫu hứng trong mùa dịch, khi mà số ca nhiễm vẫn xuất hiện liên tục và đều đặn chưa có dấu hiệu ngừng lại, nên mình độc hành hầu như không tiếp xúc với ai, cũng không ghé đâu ăn uống dọc đường.
Khởi hành từ lúc 4g45′ ở khu vực phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, mình theo Google Maps đi quốc lộ 13 chạy thẳng về hướng thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), sau đó quẹo trái vô đường Nguyễn Chí Thanh, cũng tức là tỉnh lộ (đường tỉnh) DT744 qua thị xã Bến Cát. Đến thị trấn Dầu Tiếng của huyện Dầu Tiếng thì mình quẹo phải vô đường Cách Mạng Tháng Tám, đi thẳng hoài là Đường Khu Phố 5 – đường Trần Văn Lắc. Lại quẹo phải vô ĐH702, thẳng hoài thì sẽ gặp cổng chào khu du lịch sinh thái Núi Cậu. Và chùa Thái Sơn Núi Cậu nằm trong khu vực ấy.
Tờ mờ sáng trên quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương), thành phố Thủ Dầu Một. Người lữ khách không sợ cô đơn, bởi đã có trời trăng làm bạn!
Chụp qua gương xe máy khung cảnh đường phố đằng sau, nơi bầu trời đang ửng vàng cam, báo hiệu mặt trời sắp mọc.
Sau lưng, nơi hừng đông vẫy gọi ngày mới!
Những trụ điện cao áp nổi giữa bầu trời xanh trước bình minh.
Tấp vào một con kênh dọc đường để đợi ngắm và chụp ảnh bình minh lên. Đi một mình mà, vội gì! Đích đến chỉ là cái cớ ta đặt ra để có “kim chỉ nam” của hành trình thôi. Còn những gì diễn ra dọc đường, ấy mới chính là những khoảnh khắc, kỷ niệm quý giá, nhiều khi còn thu hoạch được kết quả bất ngờ không mong đợi so với đích đến.
Ánh sáng và bóng tối đang chiến đấu giành lấy tự do…
Khoảnh khắc bình minh đầu ngày luôn mang lại cảm giác hứng khởi, tươi mới và tràn đầy sức sống.
Chỉ loanh quanh mỗi một chỗ bờ kênh đợi bình minh mà mình chụp biết bao nhiêu là ảnh về thiên nhiên cỏ cây hoa lá.
Bạn đọc có thể nhìn phát chán chứ mình mải mê chụp không biết chán!
Mặc kệ những ánh mắt tò mò, dò hỏi của người đi đường sớm qua qua lại lại, rằng không biết cái người kia đang làm gì mà ở đó cặm cụi bên các bụi cỏ nãy giờ…
Khung cảnh xung quanh bờ kênh nhìn thấy ven đường
Miền Đông Nam bộ vẫn đang trong những ngày mưa gió, mà mưa thường xuất hiện từ trưa trở đi, nên muốn chụp ảnh phong cảnh du lịch đẹp thì chỉ có thể chịu khó dậy sớm và đi trong buổi sáng.
Nắng mai tươi tắn cũng đã xuất hiện!
Có mỗi một chỗ với hoa lá cỏ dại mà cứ đứng đó chụp hoài! Kệ chứ, ta thích thì ta cứ chụp thôi!
Một cô đạp xe đạp đi ngang qua ở phía đối diện bờ kênh, nhanh tay chụp vội chụp vàng!
“Giờ vàng” trong nhiếp ảnh là đây. Cái màu nắng vàng cam nâu như mật ngọt sóng sánh này không dễ gì mà các phần mềm chỉnh sửa ảnh tạo ra được.
Không quên cho những “người bạn đường” thân thiết “check-in” cùng!
Lúc đi qua cầu Ông Cộ (nối thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát) thì mình thấy cảnh sông nước chan hòa thích quá, vậy là vòng xuống con đường dưới chân cầu, kế bờ sông để dừng chụp ảnh. Đúng là đi một mình dễ la cà mà. Đó cũng là một trong những cái “sướng”, cái tự do của việc độc hành ấy!
Một góc con đường quê nhỏ xinh và dòng sông Thị Tính dưới chân cầu Ông Cộ.
Cầu Ông Cộ nối liền phường Hiệp An, xã Tân An (TP. Thủ Dầu Một) và xã Phú An (thị xã Bến Cát) của tỉnh Bình Dương.
Xà lan khai thác cát trên sông
Nắng bình minh tươi đẹp!
Chào ngày mới!
Hoa nhãn lồng (lạc tiên, mắc mát, lồng đèn). Lá cây này nấu canh ăn mát và cũng hỗ trợ một số bệnh trong Đông y như mất ngủ, suy nhược thần kinh, thiếu máu, hen suyễn, giúp thanh nhiệt,…
Người lữ khách đã lâu không được độc hành do tình hình dịch bệnh, ai cũng biết rồi đó! Ảnh tự chụp.
Tranh thủ nơi vắng vẻ và khung cảnh cũng hơi hơi thơ mộng mà tháo khẩu trang làm một loạt ảnh tự chụp.
Độc hành đem theo chân máy với ý đồ là đây!
Cổng chào thị xã Bến Cát ngay khi vừa qua cầu Ông Cộ trên DT744
Đi thẳng là đến huyện Dầu Tiếng, một trong những thủ phủ cây cao su của tỉnh Bình Dương.
Đã đến khu vực huyện Dầu Tiếng rồi đây!
“Cao su đi dễ khó về…” (Ca dao)
Cây cao su ban đầu chỉ mọc tại khu vực rừng mưa Amazon, Nam Mỹ. Cách đây gần 10 thế kỷ, thổ dân Mainas sống ở đây đã biết lấy nhựa của cây này dùng để tẩm vào quần áo chống ẩm ướt, và tạo ra những quả bóng vui chơi trong dịp hội hè. Họ gọi chất nhựa này là caouchouk, theo thổ ngữ Mainas có nghĩa là “nước mắt của cây”.
Cây cao su đầu tiên tại Việt Nam được người Pháp đưa về trồng vào năm 1878 nhưng không sống được. Cho đến năm 1892, 2.000 hạt cao su từ Indonesia được nhập vào Việt Nam và đến năm 1907 thì chính thức đánh dấu sự hiện diện của cây cao su ở Việt Nam. Thời đó, các công nhân cao su Việt Nam ở những đồn điền cao su do người Pháp lập ra bị bóc lột sức lao động, cuộc sống hết sức khổ cực. Nên mới có câu: “Cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng, khi về bủng beo.”.
Hiện nay, có di tích Vườn cao su bảo tồn nằm ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) là vườn cao su đầu tiên do người Pháp trồng còn sót lại ở Việt Nam. Vườn đang được Nông trường cao su Dầu Giây trực tiếp quản lý, bảo tồn. Vào năm 1906, người Pháp nhận thấy vùng đất ở Dầu Giây màu mỡ nên đã lập khu vườn này để trồng thử nghiệm 1.000 cây cao su giống. Về sau, cây phát triển mạnh, cho năng suất mủ cao nên họ phát triển đồn điền khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Tại Bình Dương, cao su là cây công nghiệp được trồng nhiều ở các huyện: Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, và Bắc Tân Uyên.
Một vài tán lá cao su đang dần chuyển sang màu vàng, có lẽ ít nhất phải 3-4 tuần nữa thì mới chính thức vào mùa cao su thay lá ở khu vực này!
Trên đường Trần Văn Lắc, huyện Dầu Tiếng, gặp bảng chỉ dẫn này thì quẹo phải vô ĐH702 để đến với khu du lịch sinh thái Núi Cậu, nơi có chùa Thái Sơn Núi Cậu án ngữ.
Đường nhỏ xanh mát, tranh thủ hít thở không khí trong lành mà lâu lắm rồi niềm vui du lịch mới mang lại cho người lữ khách!
Tranh thủ tấp vô một rừng cao su vắng vẻ ven đường để chụp ảnh!
Thường thì nữ du lịch một mình không nên đi vào những nơi hoang vắng cô quạnh như thế này, nhất là ở rừng cao su (vì thỉnh thoảng vẫn đọc báo thấy có những vụ cưỡng hiếp, giết người, chôn xác ở rừng cao su vắng vẻ)…
Nhưng cũng còn tùy lúc, tùy tình hình nữa các bạn à. Quan trọng là tin vào trực giác, sự bình tĩnh ứng phó, quan sát môi trường xung quanh. Với thêm yếu tố “liều” nữa!
Ngoài ra, lúc này đang là buổi sáng, cánh rừng cao su nằm kế con đường lớn vẫn có xe qua lại thường xuyên, nên cũng không đến nỗi đáng sợ và quan ngại mấy!
(Còn tiếp)
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
>> Độc hành Bình Dương: la cà đến chùa Thái Sơn Núi Cậu (2) – Hết