Tuy không được hưởng đầy đủ thiên nhiên bốn mùa như các tỉnh phía Bắc, cũng không phải vương quốc hoa như xứ Đà Lạt, Bảo Lộc,…, Sài Gòn thân thương của chúng ta cũng có những mùa hoa gây thương nhớ…
Mỗi khoảng thời gian trong một năm cũng là mùa của một loài hoa nào đó. Cùng An điểm qua xem thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) dấu yêu của vùng đất phương Nam đầy nắng, trong năm chỉ có hai mùa mưa nắng này có những mùa hoa đủ làm lòng người ngẩn ngơ, nhớ nhớ thương thương nào…
1. Mùa hoa kèn hồng (chuông hồng)
Tabebuia rosea, có nguồn gốc từ châu Mỹ. Hoa có màu sắc tựa như hoa anh đào, thường nở vào khoảng đầu tháng 3 kéo dài cho đến hết tháng 4, tháng 5.
Tại Sài Gòn, bạn có thể tìm thấy khu vực trồng nhiều cây hoa kèn hồng trên các con đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), đường Hàm Nghi (quận 1), đường Võ Văn Kiệt (quận 1), đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, sát công viên Gia Định), đường Tố Hữu (thành phố Thủ Đức – khu vực quận 2 cũ),…
2. Mùa hoa bằng lăng
Hoa bằng lăng còn được gọi là bằng lăng tím, bằng lăng nước, có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa. Bằng lăng thường nở hoa vào khoảng tháng 4, tháng 5.
Cây hoa bằng lăng tím được trồng nhiều trên các con đường của Sài Gòn như: đường Cộng Hòa, đường Lê Trung Nghĩa (quận Tân Bình), dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè của đường Hoàng Sa – Trường Sa (quận 1, quận Bình Thạnh),…
3. Mùa hoa huỳnh liên (chuông vàng)
Hoa huỳnh liên còn được gọi là hoa hoàng yến, chuông vàng,… Mùa ra hoa của cây trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 11.
Tại Sài Gòn, bạn có thể tìm thấy khu vực trồng nhiều cây hoa huỳnh liên ở ven đường ray đoạn đường Lê Văn Sỹ, đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, Bình Thạnh),…
4. Mùa hoa bò cạp vàng (Osaka vàng)
Hoa bò cạp vàng còn được gọi là hoa Osaka vàng, muồng hoàng hậu, muồng hoa yến, bò cạp nước, mai dây, mai nở muộn, xuân muộn,… Với các nước nằm ở phía Bắc bán cầu như Việt Nam, hoa bò cạp vàng thường nở vào khoảng tháng 5 đến tháng 7.
Tại Sài Gòn, cây hoa bò cạp vàng được trồng nhiều ở các con đường Đàm Thuận Huy, Tân Hương, Lê Lư (quận Tân Phú), đường Cao Lỗ (quận 8), những con đường nhỏ quanh trường đại học Công Nghệ Sài Gòn (quận 8), cuối đường 18 khu vực ven sông Sài Gòn (phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức),…
5. Mùa hoa điệp vàng
Hoa điệp vàng còn được gọi là muồng hoa vàng, kim phượng, có tên khoa học là Caesalpinia ferrea. Hoa điệp thường nở vào tầm tháng 4 cho đến đến tận tháng 8.
Sài Gòn có rất nhiều góc đường trồng cây điệp vàng như đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Lê Duẩn, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Lê Lợi, đường Hàm Nghi (quận 1), đường Trần Quốc Thảo (quận 3),…
6. Mùa hoa dầu bay (hoa chò)
Hoa dầu bay còn được gọi là hoa dầu, hoa chò, sao đen, dầu rái, hoa chong chóng. Hoa dầu bay thường nở vào khoảng tháng 4, tháng 5. Khi nở, hoa có hai cánh xòe ra, lúc khô và rơi rụng xoay như một chiếc chong chóng. Mỗi khi có cơn gió nhẹ thoảng qua, từng đợt hoa dầu rơi rụng bay bay trong gió, tạo nên khung cảnh lãng mạn và nên thơ cho chốn thị thành.
Ở Sài Gòn, các cây hoa dầu bay được trồng nhiều trên những con đường Điện Biên Phủ, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khu vực công viên 30/4 (quận 1), đường Lê Quý Đôn (quận 3),…
7. Mùa hoa giấy (bông giấy)
Hoa giấy có tên gọi khác là bông giấy, hoa móc diều. Cây hoa giấy thường nở bông vào khoảng tháng 5 đến tháng 8.
Tại Sài Gòn, bạn có thể tìm thấy khu vực trồng nhiều hoa giấy ở cổng trường đại học Tôn Đức Thắng (quận 7); đường Nguyễn Văn Lượng, trong công viên Văn Hóa Gò Vấp; đối diện số 5 đường Đặng Tất, đoạn kênh dọc đường Hoàng Sa – Trường Sa (quận 1); đường Trần Thiện Chánh (quận 10); hay trong một số con hẻm ở phường Thảo Điền, đường Hồ Bá Phấn (thành phố Thủ Đức);…
8. Mùa hoa phượng (phượng vĩ/ phượng vỹ)
Hoa phượng còn được gọi là phượng vĩ (phượng vỹ), xoan tây, điệp tây, có tên khoa học là Delonix regia. Hoa phượng thường nở vào tầm tháng 4 cho đến tháng 7. Với lứa tuổi học sinh, sinh viên, cứ thấy hoa phượng nở là vui, vì biết sắp được nghỉ hè. Vui đó nhưng cũng buồn đó, vì phải xa trường, xa lớp, xa các bạn…
Nơi trồng nhiều cây hoa phượng ở Sài Gòn là khu vực Đảo Kim Cương, một khu đô thị ở thành phố Thủ Đức, đoạn gần chân cầu Giồng Ông Tố 2, hoặc trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), một góc công viên Gia Định (quận Gò Vấp), đường Trần Nhân Tôn (quận 10), đường Nguyễn Trường Tộ (quận 4),…
9. Mùa hoa sen (liên hoa)
Hoa sen còn được gọi là liên hoa, hay thủy chi. Đây là một loài hoa được nhiều người yêu quý bởi “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tại các tỉnh miền Nam Việt Nam, hoa sen thường nở vào khoảng tháng 3 lai rai cho đến tháng 9, tháng 10.
Ở Sài Gòn, bạn có thể tìm thấy khu vực trồng nhiều hoa sen ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh), phường Trường Thạnh (thành phố Thủ Đức), bên trong công viên Văn Hóa Gò Vấp,…
10. Mùa hoa sữa (mò cua)
Hoa sữa còn được gọi là mò cua, có tên khoa học là Alstonia scholaris. Hoa sữa thường nở vào mùa thu, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, và chỉ rộ khoảng hai, ba tuần là tàn.
Bạn có thể tìm thấy một đoạn đường ngắn của đường Nguyễn Lương Bằng, ngay ngã tư đường Trần Văn Trà, thuộc phường Tân Phú, quận 7, phía trước trường tiểu học – THCS – THPT Nam Sài Gòn trồng hai hàng cây hoa sữa lâu năm.
11. Mùa hoa cỏ lau (cỏ tranh)
Cỏ lau còn gọi là cỏ tranh, cây lau, là một loại cây dại. Mùa cỏ lau nở hoa thường bắt đầu vào khoảng tháng 4 cho đến tháng 6, hoặc cuối tháng 10 cho đến cuối tháng 12.
Tại Sài Gòn, khu vực mọc nhiều cỏ lau có thể nhắc đến như: Metro An Phú, khu đô thị mới Đông Tăng Long, đường Phạm Văn Đồng (thành phố Thủ Đức), khu Phước Kiển (quận 7), phường Thới An (quận 12), kênh Xã Tỉnh – xã Bình Lợi, xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh),…
12. Mùa hoa hướng dương (hoa mặt trời)
Hoa hướng dương còn được gọi là hoa mặt trời, hướng dương quỳ tử, thiên quỳ tử, quỳ tử, quỳ hoa tử. Tại Sài Gòn, có khu đô thị Vạn Phúc (thành phố Thủ Đức) là trồng vườn hoa hướng dương và thường mở cửa cho khách tham quan vào dịp cận tết. Ngoài ra, khu vực đầm sen Tam Đa (quận 9 cũ) cũng có trồng hoa hướng dương nhưng tùy tháng.
Hoặc bạn cũng có thể tìm đến các khu vực trồng hoa tết ở quận 12, quận Gò Vấp, những nơi tổ chức hội hoa xuân, buôn bán hoa vào những ngày gần tết để được ngắm những chậu hoa hướng dương vàng rực rỡ.
13. Mùa hoa móng bò tím
Theo tìm hiểu của tác giả, cây hoa móng bò, nếu phân chia theo dạng cây bụi thì có cây hoa móng bò trắng, theo loài dây leo thì là móng bò hoa phượng, còn ở dạng thân gỗ sẽ có cây hoa móng bò tím và móng bò sọc (chính là hoa ban). Như vậy, hoa móng bò tím và hoa ban là hai loại hoa khác nhau. Mà ở Sài Gòn, loại hoa móng bò tím được trồng chủ yếu.
Cây hoa móng bò tím hầu như nở hoa quanh năm. Tại Sài Gòn, bạn có thể tìm thấy con đường hoa móng bò tím ở khu vực gần hồ Đá, làng Đại Học của thành phố Thủ Đức.
*** Tạm kết
Và còn rất nhiều những loài hoa khác được trồng trong thành phố này, trong các công viên, ở những dải phân cách giữa đường, trong chùa, trước nhà dân, như hoa hồng, lộc vừng, hoa cánh bướm (hoa sao nhái, hoa chuồn chuồn), hoa mười giờ, hoa sam, hoa ngũ sắc,… nở tươi tốt quanh năm, làm đẹp cho chốn thị thành.
Bên cạnh đó, nếu đi ra xa vùng ngoại ô Sài Gòn, biết đâu bạn sẽ bắt gặp những khóm hoa, cánh đồng hoa dại của xuyến chi (hoa cúc vệ đường, hoa đường tàu), hoa trinh nữ (hoa mắc cỡ),… làm xuyến xao những con tim lãng mạn!
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.