Ở nhà thời giãn cách thực sự rảnh rỗi quá nên phải nghĩ ra thứ gì đó làm để giết thời gian, để bản thân không bị quá ù lì. Lên mạng sưu tầm một số câu ca dao tục ngữ liên quan tới mảnh đất quê hương Bình Định – miền đất võ thương yêu cũng là một việc làm ý nghĩa.
Dưới đây là những câu ca dao, tục ngữ liên quan tới xứ Nẫu, hoặc các địa danh, đặc sản, của ngon vật lạ trong tỉnh Bình Định mà mình sưu tầm từ nhiều nguồn trên mạng:
1. Ai về Bình định mà coi
Con gái Bình Ðịnh bỏ (cầm) roi đi (múa) quyền
(Bình Định nổi tiếng với môn võ Bình Định được lưu truyền trong gia tộc họ Trần ở huyện Tây Sơn từ thế kỷ XVIII)
2. Bình Định có hòn Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh
Em về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
(Hòn Vọng Phu là tên một địa danh thuộc huyện Phù Cát.
Cù Lao Xanh hay còn gọi là đảo Vân Phi, thuộc thành phố Quy Nhơn. Đầm Thị Nại cũng thuộc thành phố này.)
3. Quy Nhơn có tháp Chòi Mòi
Có đầm Thị Nại chạy dài biển Đông
(Tháp Chòi Mòi, hay còn gọi là tháp Thầy Bói, là một gành đá nổi giữa đầm Thị Nại. Sở dĩ còn có tên tháp Thầy Bói, có lời giải thích rằng xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay trên gành đá vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, do dân chài lập ra để thờ thuỷ thần.)
4. Tiếng đồn Bình Định tốt nhà
Phú Yên tốt lúa, Khánh Hoà tốt trâu
5. Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con đánh trống hát tuồng mẹ nghe
(Bình Định nổi tiếng với nghệ thuật tuồng, với hậu tổ Đào Tấn. Hiện nay có di tích ngôi mộ của ông nằm ở huyện Tuy Phước.)
6. Hầm Hô cữ nước còn đầy
Còn gương phấn dũng, còn ngày vinh quang
(Hầm Hô là tên một thắng cảnh thuộc huyện Tây Sơn)
7. Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ (cho) dài đường đi
8. Anh về Bình Định ba ngày
Gởi mua chiếc nón, lá dày không mua
Cưới nàng đôi nón Gò Găng
Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn
(Gò Găng là tên một địa danh thuộc thị xã An Nhơn. Địa danh này nổi tiếng với làng nghề làm nón lá, nón ngựa. Sở dĩ gọi tên nón ngựa là vì chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ, thích hợp cho người đội khi cưỡi ngựa vào thời xưa. Giờ những chiếc nón ngựa được làm để bán trang trí, đồ lưu niệm cho du khách gần xa.
An Thái là tên một địa danh của thị xã An Nhơn.)
9. Chàng đi đường dẫu gặp khó khăn
Cũng sao ghé lại Gò Găng quê mình
Vào đây em tặng nón chung tình
Hình chàng bóng thiếp in hình đôi ta
10. Nón ngựa Gò Găng, bún song thằn An Thái
(Bún song thằn hay còn gọi là bún song thần, là một loại bún khô đặc sản nổi tiếng của Bình Định. Tên gọi song thằn là do khi làm bún, người ta kéo một lúc hai sợi bún song song, về sau bị đọc chệch thành ra song thằn.)
11. Hải sản tươi ngon lườn mực cá
Song thằn hảo hạng đậu cà xanh
12. Dai dai sợi bún Song Thằn
Nhộng tằm ba món càng ăn càng ghiền
13. Em về Đập Đá quê cha
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng
(Đập Đá, Gò Găng, Phú Đa đều là tên địa danh trong thị xã An Nhơn.)
14. Bên kia sông, quê anh An Thái
Bên này sông, em gái An Vinh
Thương nhau chung dạ chung tình
Cầu cha mẹ ưng thuận cho hai đứa mình lấy nhau
15. Muốn ăn bánh đúc chợ Ân
Lấy chồng An Thái cho gần đường đi
16. Dòng sông Côn thấm tình non nước
Dân làng nghề cất được rượu ngon
Giữ nghề từng lớp cháu con
Trải qua dâu bể vẫn còn nghề tinh
Rượu đầy ly bọt trắng tinh
Chung vui đối tửu đất trời lung linh
(Câu ca dao nói về nghề làm rượu Bàu Đá, còn gọi là rượu Bầu Đá, một trong những đặc sản của tỉnh. Tên gọi là Bầu Đá vì rượu được đựng trong những chiếc bình bằng đá hay gốm sứ dạng như bầu hồ lô.)
17. Cua huỳnh đế đỏ chẳng hề tanh
Bầu Đá tri âm nhấm chút lành
18. Ai về Vinh Thạnh quê em
Ăn nem Chợ Huyện, đêm xem hát tuồng
(Vinh Thạnh và Chợ Huyện là những địa danh của huyện Tuy Phước. Ở đây có món nem chua và tré, món ăn từ thịt đầu heo và thịt ba chỉ heo được tẩm ướp gia vị cùng thính rồi gói trong lớp rơm khô cho lên men.)
19. Ai về Tuy Phước ăn nem
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp Chàm
(Hưng Thạnh, tức tháp Hưng Thạnh, còn gọi dân dã là tháp Đôi, là tháp Chăm Pa, hay tháp Chàm cổ xưa nằm ở thành phố Quy Nhơn. Hưng Thạnh cũng được gọi cho cả vùng đất quanh tháp.)
20. Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan
Công đâu công uổng công hoang
Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa
(Tam Quan là tên một địa danh của thị xã Hoài Nhơn. Nơi đây trồng rất nhiều dừa, cũng nổi tiếng với món bánh tráng nước dừa, hay bánh tráng nước cốt dừa.)
21. Đường lên An Lão cheo leo
Thương em anh mới băng đèo tới đây
(An Lão là tên một huyện)
22. Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa
Gái Cây Dừa cấy lúa quanh năm
(Phú Phong là tên một địa danh của huyện Tây Sơn.)
23. Côn Giang cá chép mép son
Lại Giang cá bống trắng non vóc ngà
(Côn Giang: tức sông Côn, Lại Giang: tức sông Lại, là tên hai con sông lớn chảy qua tỉnh.)
24. Bao giờ rừng An Lão hết cây
Sông Lại Giang hết nước em đây mới hết tình
25. Chiều chiều ra đứng núi Bà
Núi Bà thì đó, còn nhà em đâu?
Em về Phù Mỹ chi lâu
Để anh ra đứng bờ dâu ngó chừng
(Phù Mỹ là tên một huyện trong tỉnh.)
Gửi thêm vài ảnh cũ về cảnh sắc thôn quê Bình Định thân thương:
Còn đây là ảnh hoa lá cỏ cây chụp trong vườn quê nhà mình: