Về đây Quan Âm Tu Viện ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai

 

Quan Âm Tu Viện ở thành phố Biên Hòa là một ngôi chùa Phật giáo đẹp, là Tổ đình của phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Quan Âm Tu Viện nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc (quốc lộ 1K), thuộc khu phố 3, ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, gần với cầu Hóa An. Ngôi chùa nằm ẩn mình sau con đường rợp bóng mát cây xanh, vị trí thanh tĩnh. Quan Âm Tu Viện cũng là Tổ đình của phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý sáng lập tại chùa Linh Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vào năm 1957. Ngày nay, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã phát triển thành một môn phái lớn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có mặt trên khắp cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh ở miền Đông, miền Tây Nam bộ như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, An Giang… Tôn chỉ và giáo lý của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đều dựa trên kinh điển pháp tu Tịnh Độ, chủ trương niệm Phật nhằm mục đích giác ngộ, giải thoát. Song, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do chính người Việt khai sáng nên cũng mang bản sắc riêng.

Một vài Tổ đình tiêu biểu của hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng như: Quan Âm Tu Viện (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Tổ đình Linh Sơn trên núi Dinh (xã Tân Thành, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Tổ đình Long Sơn (xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương),…

Quan Âm Tu Viện nguyên gốc trước đây là chùa Linh Sơn tọa lạc ở núi Dinh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vào năm 1965, chùa bị bom đạn tàn phá thiêu rụi nên Hòa thượng Thích Thiện Phước và Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác đã cùng các sư về thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xây dựng lại chùa trong khuôn viên 16.000 m2. Đến nay, Quan Âm Tu Viện có tất cả 20 công trình lớn nhỏ chia theo từng khu vực như: nhà thờ tự, nhà sinh hoạt, khu chữa bệnh, nhà từ thiện xã hội, Đông viện, Tây viện, hậu viện, khu chư tăng, chư ni, khu trường học, khu học viện Phật giáo, khu vực tu tịnh, khu an dưỡng, nhà dưỡng lão, trại cô nhi, đặc biệt là Thánh tháp huyền diệu Quán Thế Âm bồ tát, tháp Địa Tạng Vương bồ tát (còn gọi là tượng Phật đen, trước đây vốn được đặt bên trong nghĩa trang Đô Thành, sau còn gọi là nghĩa trang Chí Hòa ở TP.HCM, nay là phần đất thuộc công viên Lê Thị Riêng), tháp A Di Đà,…

Vào tháng 3/2016, Quan Âm Tu Viện đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo công nhận là “Di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Đồng Nai”, và được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam công nhận là “cơ sở tâm linh linh thiêng cổ tự”.

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *