Hãy cùng An tham quan một vòng nhà thờ Huyện Sỹ hơn 100 năm tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh…
Nhà thờ Huyện Sỹ (tên chính thức là: nhà thờ Thánh Philipphê Tông Đồ) là một nhà thờ Công giáo cổ hơn 100 tuổi, tọa lạc tại số 1 đường Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Đây là nhà thờ của giáo xứ Chợ Đũi thuộc Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà thờ Huyện Sỹ do ông bà Lê Phát Ðạt, tức Huyện Sỹ, là ông ngoại của Nguyễn Hữu Thị Lan – tức Nam Phương hoàng hậu, hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng, thời giá lúc bấy giờ là khoảng trên 30 muôn (mười ngàn) đồng bạc Đông Dương. Nhà thờ Huyện Sỹ được khởi công xây dựng vào năm 1902 theo thiết kế của linh mục Bouttier, đến năm 1905 thì khánh thành, tọa lạc trên một khu đất rộng ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng).
Ban đầu nhà thờ có tên là nhà thờ Chợ Đũi do thuộc họ đạo Chợ Đũi. Mặt khác, do Thánh Philípphê tông đồ là bổn mạng của Huyện Sỹ nên còn được gọi là nhà thờ Thánh Philípphê. Tuy vậy, dân gian vẫn gọi là nhà thờ Huyện Sỹ, và sau đó dần trở thành tên thông dụng.
Huyện Sỹ được xem là người đứng đầu trong “tứ đại phú hộ” – cụm từ dân gian ở miền Nam Việt Nam đặt ra vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX để chỉ bốn người giàu nhất Sài Gòn, cũng như nhất miền Nam Kỳ lục tỉnh và cả Đông Dương thời bấy giờ. Để dễ nhớ, dân gian có câu: nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định. Tuy nhiên, về vị trí thứ tư, cũng được dành cho một số đại phú hộ khác như: Tứ Trạch, Tứ Hỏa, hoặc Tứ Bưởi.
Nhất Sỹ: ông Lê Phát Đạt (1841-1900), còn có tên gọi là Sỹ, về sau được Pháp phong Huyện hàm, nên còn được gọi là Huyện Sỹ.
Nhì Phương: ông Đỗ Hữu Phương (1844-1914), do được Pháp phong Tổng đốc hàm nên còn gọi là Tổng đốc Phương.
Tam Xường: ông Lý Tường Quan, tự Phước Trai, người Minh Hương, chưa rõ năm sinh năm mất. Ông còn có tên gọi là Xường, do tài sản cự phú nên dân gian còn gọi là Bá hộ Xường, hay Hộ Xường.
Tứ Định: ông Trần Hữu Định, làm giàu bằng nghề mở tiệm cầm đồ, kinh doanh đất đai, xuất nhập vải sợi. Ông giàu lên nhanh chóng vì biết nắm lấy thời cơ những lúc hàng hóa khan hiếm.
Tứ Trạch: ông Trần Trinh Trạch (1872-1942), do từng tham gia thành viên Hội đồng Tư mật Nam Kỳ (Conseil privé), nên dân gian còn gọi là Hội đồng Trạch.
Tứ Hỏa: ông Hui Bon Hoa (1845-1901), hay Huỳnh Văn Hoa, Jean Baptiste Hui Bon Hoa, dân gian thường gọi là chú Hỏa. Ông là người Việt gốc Hoa, thành lập công ty Hui Bon Hoa, có thời là công ty bất động sản lớn sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn, đồng thời xây dựng rất nhiều công trình có giá trị lớn ở vùng Sài Gòn – Gia Định vẫn còn tồn tại đến ngày nay như: bảo tàng Mỹ Thuật thành phố, khách sạn Majestic, bệnh viện Từ Dũ, trung tâm cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách chính phủ, cùng nhiều ngân hàng, trụ sở mua bán ở quận 5 và các công trình nhà riêng, chùa chiền, bệnh viện khác. Các công trình này đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn.
Tứ Bưởi: ông Đỗ Thái Bưởi (1874–1932), do làm con nuôi trong một người nhà giàu họ Bạch nên ông còn có tên là Bạch Thái Bưởi. Dân gian còn gọi ông là Ký Năm do có thời gian ông làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Ông nổi danh khi cạnh tranh với người Pháp và người Hoa trong các lĩnh vực vận tải thủy, khai thác mỏ và xuất bản với các công ty Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi công ty, Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi (sau là Đông Kinh ấn quán).
Nhà thờ Huyện Sỹ có chiều dài 40 m, chia làm 4 gian, rộng 18 m, được dùng đá hoa cương Biên Hòa để ốp mặt tiền và các cột chính điện, theo phong cách kiến trúc Gothic. Chính điện nhà thờ có vòm chịu lực dạng cung nhọn. Tường có nhiều cửa sổ dạng vòm đỉnh nhọn và được trang trí bằng lớp kính màu ghép hình mua từ Ý. Tháp chuông nhà thờ Huyện Sỹ với chong chóng chỉ hướng gió hình con gà trống, một mô típ phổ biến trong kiến trúc châu Âu.
Huyện Sỹ qua đời khi nhà thờ chưa hoàn thành. Năm 1920, sau khi vợ ông mất, người ta an táng hai ông bà ở sau cung thánh của nhà thờ này.
Mặt tiền nhà thờ Huyện Sỹ
Đàn bồ câu trong nhà thờ, du khách được khuyến khích không cho chim ăn để giữ gìn vệ sinh và trật tự
Mấy góc này chụp ảnh chân dung đẹp lắm nè, nhìn cứ như khung cảnh ở thành phố Đà Lạt mộng mơ vậy!
Bên trong nhà thờ
Cổng chính nhà thờ Huyện Sỹ
Tượng đài thánh tử đạo Mátthêu Lê Văn Gẫm
Núi Đức Mẹ Lộ Đức, được xây dựng năm 1960 để kính Đức Mẹ Lộ Đức. Hằng năm cứ vào ngày 11 tháng 2 dương lịch, các linh mục chính xứ Chợ Đũi có thói quen cử hành thánh lễ tại núi này để cầu nguyện đặc biệt cho các bệnh nhân.
Ảnh: Phan Anh Vũ
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
*** Ảnh chụp bằng máy ảnh Fujifilm X-A10, và điện thoại iPhone 7 chỉnh sửa bằng ứng dụng (app) Meitu (chế độ Film).