Nếu bạn muốn tìm một ngôi chợ nổi ở miền Tây Nam bộ còn lưu giữ được những nét đặc trưng truyền thống, không nhiều du khách dập dìu qua lại, thì đây: chợ nổi Ngã Năm ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Chợ nổi Ngã Năm nằm ở phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Sở dĩ chợ có tên gọi là Ngã Năm vì chợ họp ở nơi giao điểm của năm con sông đi năm ngã: Cà Mau, xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm), huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng), huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), Phụng Hiệp (Hậu Giang).
Hiện tại, đã có một ngôi chợ đứng yên ở trên bờ ngay trung tâm thị xã, nhưng kề đó vẫn còn cảnh thương lái chở hàng ngược xuôi trên sông, nên chợ họp đông nhất vẫn là vào sáng sớm (4-5g sáng). Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể thuê thuyền (hay đò, loại chèo tay) để đến gần hơn với cảnh mua bán trao đổi tấp nập của ngôi chợ nổi thú vị này!
Đến với chợ nổi Ngã Năm, du khách sẽ được hòa mình vào một ngôi chợ nổi địa phương đầy thú vị: sông nước mênh mông, lênh đênh thuyền đò, hay ngắm những chiếc phà qua lại. Cảnh họp chợ sầm uất, rộn ràng. Cảnh mua bán tấp nập, vui vẻ. Đó là lý do mà, khi đến với một vùng đất lạ nào đó, chợ chính là nơi lý tưởng nhất để du khách có thể khám phá cuộc sống địa phương một cách chân thực và trọn vẹn nhất.
Để đến được chợ nổi Ngã Năm, bạn phải đến được thị xã Ngã Năm (bằng xe buýt hay xe máy, tùy bạn, cách Sài Gòn khoảng 230 km). Bạn nên thuê khách sạn ở ngay gần chợ (chỗ mà mình thuê là khách sạn Tám Tuấn, trên đường 3/2, nhỏ thôi, nhưng cũng đủ tiện nghi cho những ai du lịch bụi, nằm ngay chợ; điện thoại 0793 52 44 25), để sáng hôm sau bạn có thể tranh thủ dậy thật sớm, ngắm cảnh bình minh hay thuê thuyền tiếp cận cảnh họp chợ từ trên mặt sông.
Mình không thuê thuyền đi trực tiếp ngắm cảnh trên sông, nhưng theo lời một chị dân địa phương cho biết, người dân địa phương thuê thuyền đi chợ mỗi lần chỉ mất khoảng 50.000 đ cho một thuyền (đông người thì chia ra, chừng 10.000 đ/ người thôi). Nhưng có lẽ, với du khách có nhu cầu đi tham quan, ngắm cảnh, việc chèo thuyền sẽ tốn thời gian hơn, đôi khi, người chèo sẽ kiêm cả công việc của một hướng dẫn viên, nên giá sẽ cao hơn (chừng 200.000 đ/ thuyền chở được 4-5 khách). Mình nghĩ là, đã đi du lịch, nhất là đến với những vùng chưa phát triển du lịch, thì nên tạo cơ hội cho người dân địa phương có thêm kế sinh nhai, bằng cách sử dụng dịch vụ của họ với mức giá hợp lý mà bạn thấy đáng chi trả.
Một góc chợ Ngã Năm vào khoảng 5g30 sáng
Chợ ở đây bán đủ các mặt hàng: từ quần áo giày dép cho đến thực phẩm. Nhưng nhiều nhất có lẽ vẫn là những nông sản vật đặc trưng của vùng miền Tây sông nước.
Bến thuyền chợ nổi Ngã Năm
Khung cảnh họp chợ đông vui, tấp nập
Những người chèo thuyền địa phương này sẽ niềm nở mời khách đi thuyền. Mình thích chợ nổi Ngã Năm ở chỗ chưa bị du lịch hóa, nên người dân rất thân thiện và không có cảnh chèo kéo, nài nỉ làm phiền du khách. Nếu bạn không muốn sử dụng dịch vụ của họ thì cười nói cảm ơn là được à.
Do không phải là một ngôi chợ du lịch hóa, nên có lẽ trên thuyền cũng không được trang bị áo phao cho khách.
Khi mặt trời lên
Một ngày mới đã bắt đầu
“Lục bình trôi níu dòng đời trôi…” (Lời bài hát “Hồn quê” – Sáng tác: Thanh Sơn)
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.