Cùng An tham quan một vòng pháo đài Fort Santiago ở thủ đô Manila – chứng nhân lịch sử trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Philippines dưới ách xâm lược của đế quốc Tây Ban Nha và phát xít Nhật.
Vào năm 1571, khi đến cai trị Philippines, để chống lại sự phản kháng của người dân, quân Tây Ban Nha đã xây dựng một công trình phòng thủ nằm ngay tại cửa sông Pasig chảy ra vịnh Manila, với hào sâu và tường thành bao quanh một khu vực rộng tới 64 ha tại thị trấn cổ Intramuros thuộc Manila. Ban đầu, khu tường thành này được làm bằng gỗ. Đến năm 1590, Tổng đốc đầu tiên của Manila là ông Santiago đã cho phá bỏ khu tường gỗ để xây lại tường thành bằng đá dày 10 m, đồng thời xây thêm tháp canh và một pháo đài mang tên Fort Santiago.
Chính nơi đây, anh hùng dân tộc José Rizal người Philippines mang dòng máu Tây Ban Nha (1861–1896) đã bị giam cầm. Và trong những ngày cuối đời ở xà lim, ông đã viết bài thơ “Mi ultimo adiós” (“My last Farewell”, “Lời tạm biệt cuối cùng của tôi”) – một tác phẩm vô cùng nổi tiếng cùng với hai tác phẩm khác của ông: tiểu thuyết “Noli me Tangere” (“Đừng động vào tôi”) và tiểu thuyết “El Filibusterismo” (Kẻ phản bội) đã đánh thức nhiều tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh đòi độc lập dân tộc.
Thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của pháo đài Fort Santiago là trong thế chiến thứ II, khi phát xít Nhật chiếm đóng được Manila. Họ tra tấn và hành quyết nhiều tù nhân người Philippines và Mỹ. Vì thế, pháo đài Santiago nói riêng và cả khu Intramuros nói chung là chứng nhân cho biết bao cuộc chiến tranh, là nơi ngã xuống của rất nhiều người, thuộc đủ sắc tộc, quốc gia.
Fort Santiago hiện nay đã bị hư hại phần lớn do bom đạn Mỹ dội xuống. Tuy nhiên, với ý nghĩa lịch sử to lớn, pháo đài Fort Santiago vẫn là một địa điểm du lịch hấp dẫn ở thủ đô Manila, thu hút nhiều du khách trên thế giới.
Giá vé vào cổng: 75 Peso cho người lớn, 50 Peso cho trẻ em (và sinh viên)
Vé tham quan pháo đài Fort Santiago
Khuôn viên di tích pháo đài Fort Santiago
Một đường hầm
Pháo đài từng bị phá hủy sau trận động đất năm 1645, và trải qua nhiều đợt tấn công và chiếm đóng của Anh, Mỹ, Nhật.
Rêu phong trên những tường thành đá
Hào nước phía trước cổng thành
Cổng chính được xây dựng lại do bị phá huỷ gần như hoàn toàn trong giai đoạn cuối của Thế chiến thứ II. Phía trên cổng chính được chạm khắc hình Thánh James đang cưỡi ngựa, một vị thần hộ mệnh của người Tây Ban Nha.
Vết tích hư hại qua các cuộc chiến tranh và sự tàn khốc của thời gian
Một quán cà phê, bán quà lưu niệm bên trong khuôn viên di tích
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.