Nếu ngắm từ trên cao, ta sẽ thấy được vẻ diễm lệ của khu Non Nước với sự pha trộn của thiên nhiên: cây cối, biển cả, núi đá vôi giữa làng mạc, nhà cửa…
Khu du lịch Non Nước nằm ở địa phận xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8 km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng – Hội An. Tại đây cũng có làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước có tuổi đời trên 400 năm, tổ nghề là Huỳnh Bá Quát (người Thanh Hóa), tiên tổ của Đô ngự sử Huỳnh Bá Chánh, nay đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.
Theo sử sách, ông Huỳnh Bá Quát đã vào an cư lập nghiệp tại chân núi Ngũ Hành Sơn. Tại đây, ông khám phá ra núi đá cẩm thạch có thể chế tác ra nhiều sản phẩm trang trí, nên ông bèn khai thác đem về chế tác những lúc rảnh rỗi, bên cạnh nghề làm nông. Các sản phẩm của ông (bia mộ, chày, cối giã tiêu, cối giã thuốc, cối xay) được nhiều người ưa thích và mua về, lượng khách ngày một đông, mang tới cho ông một nguồn thu nhập kha khá. Từ đây, ông bắt đầu nghĩ nó sẽ trở thành một nghề nghiệp mang lại nguồn thu nhập khi nhàn rỗi, nên đã truyền lại cho con cháu và những người quen quanh làng.
Sở dĩ gọi là Ngũ Hành Sơn vì nhìn từ trên cao ta có thể thấy được năm ngọn núi đá vôi (thật ra là sáu ngọn) nằm gần nhau: Mộc Sơn, Kim Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn và Hỏa Sơn (có hai ngọn). Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, hang động, hay chùa chiền bên trong.
Theo các nhà địa chất học, cụm núi này trước đây là các hòn đảo ở gần bờ biển do tác dụng của thủy triều phù sa bồi đắp, nối liền với lục địa. Dần dà, vì bị nước mưa và khí hậu tác động xói mòn tạo ra những hang động và hình thù kỳ thú. Đặc biệt, đá cẩm thạch tại đây có màu ngũ sắc, phân chia theo từng núi: đá ở Thủy Sơn thường có màu hồng, ở Mộc Sơn thường có màu trắng, ở Hỏa Sơn thường có màu đỏ, ở Kim Sơn thường có màu thủy mặc và ở Thổ Sơn thường có màu nâu.
Đến với khu du lịch Non Nước bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn bao la đầy chất thơ, viếng các ngôi chùa nằm ở lưng chừng núi, hay thám hiểm các hang động tự nhiên với những hình thù kỳ thú, như chùa Tam Thai (chùa Non Nước), động Huyền Không, động Vân Thông… nằm trên Thủy Sơn.
Ngoài ra, còn có các dấu ấn văn hoá lịch sử còn in đậm trong các hang động, hay trên mỗi công trình chùa, tháp đầu ở các thế kỷ trước, như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn,… Bên cạnh đó, còn có các di tích lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam như địa đạo núi đá Chồng, động Bà Tho, động Âm Phủ,…
Kết hợp điểm tham quan gần khu du lịch Non Nước là con đường ven biển thoáng rộng nối với phố cổ Hội An về phía Nam, và nối trung tâm thành phố Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà về phía Bắc. Các bãi biển An Bàng, Mỹ Khê nổi tiếng cũng nằm trên con đường này.
Nhanh chóng và tiện lợi nhất để đến Đà Nẵng là bằng máy bay. Bạn có thể tra cứu thông tin vé máy bay trên các ứng dụng đặt vé an toàn và uy tín, chẳng hạn từ Traveloka. Cứ vô trang và lựa chọn ngày đi, điểm đi, điểm đến để có thể tìm được chuyến bay phù hợp nhất với bạn. Cực kỳ nhanh chóng và tiện lợi.
Ảnh cắt màn hình từ Google Maps
Nếu đi bằng xe hơi, khi tới cổng chính của khu du lịch Non Nước (81 đường Huyền Trân Công Chúa, quận Ngũ Hành Sơn), bạn theo chỉ dẫn vô trong sẽ có bãi đậu xe. Còn nếu đi bằng xe máy, bạn có thể gởi xe ở những ngôi nhà dân đối diện cổng chính.
Từ đây thì có 2 đường để vào trong (lên trên) khu du lịch: một là đường bộ bằng các bậc thang. Chỗ phòng này có bán vé vào cổng luôn nè (40.000đ/ người lớn). Vé cổng thì chỉ tham quan được vài chỗ thôi, chứ nếu bạn tham quan những chỗ khác thì tính thêm, ví dụ: động Âm Phủ (20.000đ/ người lớn).
Hai là quẹo phải để đi đường thang máy
Sẽ đi ngang qua bãi đậu xe lớn nè
Thang máy nè, dành cho người già không đi bộ được nhiều, hoặc gia đình có bé nhỏ, đỡ cực. Chứ theo mình, nếu bạn còn trẻ khỏe thì cứ leo bộ, không cao lắm đâu.
Phòng bán vé cổng và thang máy. Riêng thang máy thì cứ mỗi lần lên núi hoặc xuống núi sẽ có giá 15.000 đ/ người/ lượt. Nghĩa là cứ một lượt đi thì mất tới 15.000 đ. Nếu chỉ lên và xuống thì mất 30.000 đ/ người. Còn nếu đi thang thêm lên ngắm đồi vọng cảnh thì thêm 10.000 đ/ lượt lên và 10.000 đ/ lượt xuống nữa. Đúng là khu du lịch, biết “làm tiền” quá mà!
Sơ đồ tham quan Thủy Sơn. Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất và cũng kiều diễm nhất. Thủy Sơn cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền nhất.
Một góc biển Non Nước nhìn từ trên cao
Mộc Sơn nhìn từ trên cao
Từ trái sang: Mộc Sơn, Hỏa Sơn, Kim Sơn
Theo truyền thuyết của người Chăm, thuở xa xưa có một lão ngư (có sách ghi là một ẩn sĩ) từ phương Bắc bị đắm thuyền trôi dạt đến, sống giữa bãi cát mênh mông bên bờ biển. Một hôm, lão ngư thấy một con giao long rất lớn (có sách chép là nữ thần Naga) đến đây đẻ trứng. Bỗng từ đâu một con rùa vàng hiện lên, tự xưng là thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống, rồi giao cho ông lão một cái móng chân của mình, và dạy cách trông coi trứng giao long. Nhờ có móng rùa thần, mà ngư ông đã ngăn chặn được diều hâu và các loài thú dữ đến xâm phạm nơi ấp trứng. Sau đó, quả trứng ngày một lớn dần. Cho đến một hôm, trứng nở ra một thiếu nữ xinh đẹp (có sách ghi là nàng tiên), còn vỏ trứng tách thành năm mảnh, trở thành năm ngọn núi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Vua Chăm nghe được câu chuyện ấy liền cưới thiếu nữ làm vợ, còn thần Kim Quy thì chở ông lão lên trời.
Từ cửa thang máy đi ra là gặp tháp Xá Lợi
Chùa Linh Ứng
Động Tàng Chơn
Khu du lịch Non Nước rất rộng, rất nhiều điểm tham quan đẹp mắt, nên nếu có thời gian thì bạn nên dành từ nửa ngày cho tới một ngày ở đây để đi cho hết nha.
Quà lưu niệm ở khu du lịch Non Nước là các sản phẩm từ làng nghề đá truyền thống: như tượng Phật Tổ, tượng Bồ Tát, trâm cài tóc, chày, cối, vòng tay… Tất cả đều được chế tác từ đá, có giá trị nghệ thuật cao.
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.