Vượt đèo Đại Ninh và đèo Đran, một mình lên Đà Lạt (2)

 

Sáng sớm hôm sau mình từ giã anh chủ nhà nghỉ quê Bình Định và chạy theo hướng quốc lộ 1A ngược hướng ra huyện Bắc Bình (Bình Thuận) để rẽ vô quốc lộ 28B, đi đèo Đại Ninh lên Đà Lạt.

>> Vượt đèo Đại Ninh và đèo Đran, một mình lên Đà Lạt (1)

Trong những chuyến độc hành, mình luôn thích tận hưởng không khí trong lành của buổi sớm mai. Khoảnh khắc này thường hiếm khi mưa. Không khí vì ít xe cộ và người qua lại, nên thường ít bụi, lại được sương hay mưa đêm tẩy rửa, cho cảm giác trong lành và tĩnh lặng rất thích.

Nếu là ở nhà, mình cũng thích nhất là hai khoảnh khắc: một là lúc sáng sớm, trước khi mọi người lục tục đi làm, hai là lúc chiều tà, khi mọi người lục tục trở về nhà. Cảm giác khi ấy, thật khó mà diễn tả, chỉ biết là nó gợi lên điều gì đó vừa thân thương, vừa bình yên, vừa nhẹ nhàng, lại êm ả…

Nắng mai sắp soi rọi từ sau rặng núi xanh sẫm xa mờ…

Cánh đồng hãy còn say ngủ. Xa xa, một đám khói của người nông dân dậy sớm đốt đồng bay lên.

Quốc lộ 1A chiều Sài Gòn – Bình Thuận sao mà cảm giác rộng rãi dễ sợ, còn chiều ngược lại thì lại có cảm giác hẹp quá trời. Nhưng hẳn đó chỉ là cảm giác, bởi con đường được ngăn làm 2 chiều, 2 làn xe mỗi chiều, đều bằng nhau cho mỗi bên kia mà.

Chưa tới quốc lộ 28B nhưng chạy nhầm vô một tỉnh lộ nào đó, chạy một hồi mới nghĩ là nhầm, do đường này nhỏ và dồng quá chừng. Trong ảnh là một cây hoa phượng nhỏ dễ thương. Sao mà mình thích quá chừng những loài cây mà trổ bông nguyên cây không thấy lá đâu hết (như hoa phượng, hoa bò cạp vàng, hoa kèn hồng…).

Chạy ra lại quốc lộ 1A

Nắng lên rực rỡ rồi kìa…

Nắng của “giờ vàng“, một trong hai khoảnh khắc quý giá trong ngày dành cho những nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Trạm “thu giá” (chớ hổng phải thu phí), từng một thời gian làm “dậy sóng” giới lái xe.

Từ quốc lộ 1A, qua ngã rẽ vào tỉnh lộ 716 một tí, thấy một ngã ba lớn lớn, thì quẹo phải, là bắt đầu vào quốc lộ 28B. Đây cũng được gọi là cung đường Lương Sơn – Đại Ninh.

Đường vắng và dễ đi

Nhưng sẽ có nhiều đoạn gồ ghề, không được mượt mà như quốc lộ 1A

Cảnh nhìn từ trên một cây cầu

Tuyến đường sắt Bắc – Nam đây mà!

Còn 42 km nữa là “chạm ngõ” Lâm Đồng

Theo đó, quốc lộ 28B có tổng chiều dài sẽ là 52 km.

Một đoạn đường xanh mát, tuy là quốc lộ nhưng đoạn này trông như đường quê vậy.

Quốc lộ 28B nối huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) ở quốc lộ 1A, với huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) ở quốc lộ 20. Trước đây, người ta thường đi đường này từ Bình Thuận (chẳng hạn từ thành phố Phan Thiết) lên Lâm Đồng (chẳng hạn lên Đà Lạt), hoặc ngược lại, đi qua đèo Đại Ninh (hay còn gọi là đèo Bắc Bình). Nhưng sau này, quốc lộ 28 đã được mở rộng, người ta ùa nhau đi Lâm Đồng từ Bình Thuận theo quốc lộ 28, cho gần. Đi quốc lộ 28 thì sẽ qua đèo Gia Bắc (hoặc còn gọi là đèo Di Linh), nối thành phố Phan Thiết (đoạn giao nhau quốc lộ 1A) với thị trấn Di Linh (thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), gặp nhau ở quốc lộ 20.

Như vậy, từ Phan Thiết lên Đà Lạt (cung đường nối biển và hoa), hoặc ngược lại, sẽ có hai đường chính:

1. Đi quốc lộ 28 qua đèo Gia Bắc. Khoảng cách tầm 200 km. Sẽ là Phan Thiết – Di Linh – Đà Lạt.
2. Đi quốc lộ 28B qua đèo Đại Ninh. Khoảng cách tầm 160 km. Sẽ là Phan Thiết – Đức Trọng – Đà Lạt.

Tóm lại là nếu bạn thích êm, thì chọn quốc lộ 28. Đường sẽ đẹp, nhưng sẽ đông người, và từ Di Linh lên Đà Lạt thì sẽ khá xa (80 km). Còn nếu bạn thích hoang sơ, và có nhiều thời gian, thì nên chọn quốc lộ 28B cho có “cảm giác”. Bù lại, từ Đức Trọng đi lên Đà Lạt sẽ chỉ còn độ 50 km.

Trăng và vệt mây do máy bay bay qua

Đường cong cong và những ngọn núi nhấp nhô

Cây khô và bầu trời

Đi lên một con dốc

Rừng khô nắng cháy

Biển báo đường gấp khúc ở phía trước

Đường vắng quá à, và mình thích dễ sợ!

Lần này đem theo chân máy nên tha hồ canh tự chụp

Chuẩn bị vô đèo Đại Ninh. Tấm bảng cảnh báo trong ảnh chắc có sau đợt mưa lũ hồi cuối năm ngoái (2017). Đợt đó nghe nói cung đường này bị cấm xe qua lại một thời gian do sạt lở trầm trọng.

Đèo Đại Ninh là cách gọi của người Bình Thuận, gọi theo tên của hồ thủy điện Đại Ninh nằm trên sông Đa Nhim (thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Còn người Lâm Đồng thì lại gọi là đèo Bắc Bình, dựa theo tên của huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), nơi mà con đèo đi qua.

Dốc và cong

Một đoạn sạt lở đã và đang được sửa chữa

Ảnh chụp một góc núi. Mùa nắng thì nhìn bình thường vậy chứ nếu mưa lũ thì không biết bao nhiêu đất đá từ trên núi cao lăn xuống, nguy hiểm biết bao nhiêu!

Bắt đầu từ đoạn này là càng đi càng lên dốc nè, sắp đi lên cao nguyên rồi mà.

Và càng đi thì cảnh càng đẹp, không khí càng mát lạnh.

Cảnh xanh bao la đẹp quá trời!

“Bạn đồng hành” thân thiết.

(Còn tiếp)

>> Vượt đèo Đại Ninh và đèo Đran, một mình lên Đà Lạt (3)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *