Sau chuyến du lịch bụi ngắn ngủi sang đất nước Malaysia tươi đẹp, mình có một vài nhận xét cũng như kinh nghiệm muốn chia sẻ với những ai chưa bao giờ đặt chân sang Malaysia và đang có ý định du lịch quốc gia này.
Góc phố Jonker Walk đẹp như một bức tranh
1. Tất cả các ổ cắm điện mà mình gặp ở bất cứ đâu tại Malaysia, từ sân bay, bến xe cho đến ở nhà hàng, nhà nghỉ,… đều là loại 3 lỗ vuông, khác với bên mình là 2 lỗ tròn. Do đó, bạn phải mang theo thiết bị chuyển đổi, thứ có 3 chấu vuông và trên đó có 2 hoặc 3 lỗ tròn. Mình mua loại thiết bị chuyển đổi Travel Universal Adapter của Điện Quang trong siêu thị với giá 85.000đ. Sau đó tình cờ thấy trang Lazada bán có 63.000đ (thêm tiền vận chuyển chừng 10.000 – 15.000đ), bạn có thể liên hệ mua.
Đây, ổ cắm điện bên Malaysia sẽ như thế này: 3 lỗ vuông nha. Nhìn cho kỹ để mua thiết bị chuyển đổi cho đúng. Ảnh: Internet
Thiết bị chuyến đổi mà mình mua vừa có thể sử dụng cho ổ cắm ba lỗ vuông, lại vừa có hai lỗ tròn, rất đa năng.
Theo mình biết thì thiết bị chuyển đổi này có thể sử dụng ở các nước khác như Singapore, Indonesia, hay cả châu Âu, nên cứ mua để dành có dịp mà dùng.
2. Mình đi du lịch Malaysia trong gần cuối tháng 9. Thời gian này tiết trời rất thích. Nắng không quá gay gắt, đa phần mát trời, nhiều mây, gió nhẹ hiu hiu, khá mát mẻ, rất thích hợp cho kẻ lữ khách tiết kiệm vác ba lô 7kg đi bộ lang thang dọc ngang ngắm cảnh.
Hèn gì Malaysia lại được gọi là thiên đường nhiệt đới, bởi thời tiết thì luôn ấm áp và khí hậu thì mang tính nhiệt đới ẩm, nhờ vậy mà hệ sinh thái của quốc gia này rất đặc sắc, đa dạng và cực kỳ phong phú. Từ tháng 4 đến tháng 9 thường là mùa khô ở Malaysia, nhiệt độ trung bình thường dao động từ khoảng 29 – 35 độ C. Đây là thời điểm nhiều du khách sang Malaysia nhất. Còn từ tháng 10 cho đến tháng 3 năm sau sẽ là mùa mưa. Nếu đến Malaysia dịp này thì bạn nhớ mang theo áo khoác mỏng, cùng áo mưa hoặc dù.
Nói về những chiếc dù (ô), nếu bạn chỉ có hành lý xách tay 7kg miễn phí trong giá vé, thì hên xui sẽ được mang dù theo. Theo mình biết thì đa số các hãng hàng không sẽ không cho mang dù nếu như đầu dù có bịt phần kim loại. Nhưng theo quan sát của mình tại sân bay, khi làm thủ tục lấy số ghế và cân hành lý, có vài du khách thản nhiên mang dù (cả loại nguyên cây dài với đầu bịt kim loại, lẫn loại dù gấp gọn) trong hành lý xách tay, nhưng không hề bị nhắc nhở hay xảy ra chuyện gì.
Nếu bạn chấp nhận “hi sinh” cây dù thân yêu của mình nếu xui xẻo không được cùng bạn lên máy bay, thì bạn hãy mang theo. Còn không, bạn có thể sang Malaysia rồi mua ở các cửa hàng tiện lợi tại sân bay, bến xe, hay ở các khu chợ, trung tâm mua sắm cũng được. Nhưng mình có tìm hiểu thì thấy giá không hề rẻ đâu nghen, loại bèo bèo tính ra tiền Việt cũng đã hơn 120.000đ một cây đó.
Nói gọn lại là tùy mùa mà hành trang du lịch Malaysia của bạn sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung là nên có ít nhất vài bộ đồ dài, chỉn chu (lý do thì đọc tiếp bên dưới sẽ hiểu), và trang phục gọn nhẹ, nên mang theo một đôi dép lê nhẹ nhàng để đi dạo biển, vì quốc gia này được hình thành từ các bán đảo mà! À, nên mang theo một, hai chiếc khăn choàng, có nhiều công dụng lắm: như quấn che nắng, quấn… che thân nếu lỡ mặc quần ngắn mà muốn đi vào đền chùa, hay trải, đắp trên máy bay, khi ngủ ở sân bay, bến xe…
3. Trong các quốc gia Đông Nam Á, có hai đất nước mà nhân viên làm thủ tục xuất nhập cảnh ở cửa khẩu thường sẽ có cái nhìn khắt khe dành cho nữ giới Việt Nam, nhất là nữ giới Việt Nam mà còn đi du lịch một mình, đó là Singapore và Malaysia. Lý do thì, bạn biết sao rồi đấy! Quả là “con sâu làm rầu nồi canh” khi có nhiều cô gái Việt Nam sang đó để hành nghề mại dâm.
Vậy nên, để tạo ấn tượng tốt và đập tan nghi ngờ của hải quan cửa khẩu, khi xuất – nhập cảnh, bạn nên ăn mặc gọn gàng, tươm tất, nhìn sao tạo ra được vẻ ngoài của người trí thức – dân văn phòng (như mặc áo sơ mi, màu trắng càng tốt, quần dài gọn gàng), hoặc là dân du lịch thứ thiệt (quần Jean, thể thao, áo thun khỏe khoắn, cổ đeo máy ảnh); phong thái thì phải tự tin, phải chuẩn bị sẵn những câu trả lời bằng tiếng Anh mà hải quan có thể hỏi: như sang đó làm gì, đi mấy ngày, hành trình đâu (chuẩn bị trước hành trình, giả cũng được, nhưng phải hợp logic, rồi in ra), sẽ ở đâu (chuẩn bị trước đặt phòng khách sạn, nên đặt ở các trang Agoda, Booking.com – nhớ chọn những phòng khách sạn được hủy miễn phí vài ngày trước khi đi ấy, rồi hủy, chỉ in cái email mà họ đã xác nhận đặt phòng cho mình), có vé về chưa (nhớ in hoặc chụp ảnh vé máy bay khứ hồi ra),…; khi bị hỏi gì thì phải ngẩng cao đầu ung dung trả lời…
Singapore thì mình chưa đi nên không biết, nhưng với Malaysia thì mình không gặp vấn đề gì cả. Khi đứng trước mỗi anh hải quan (bất cứ quốc gia nào, chuyến đi nào), mình đều mỉm cười và chủ động chào hỏi trước. Với lại, mình nghĩ rằng nếu chuẩn bị tốt những điều vừa nhắc trên thì sẽ không sao cả.
4. Clip “10 Must Not Do in Malaysia” (“10 điều không nên làm ở Malaysia”) của tài khoản Felicia Zoe trên Youtube có nhắc tới một chuyện là không được thể hiện tình cảm ở nơi công cộng. Nhưng sau chuyến đi vừa rồi thì mình thấy thực tế không hoàn toàn như vậy. Mình đã nhìn thấy vài cặp nam nữ trong đó có thể là hai người Hồi giáo, hoặc một nữ Hồi giáo (do người nữ đạo Hồi thì dễ nhận biết rồi ha, nhìn quần áo trùm kín từ đầu đến chân chỉ có chừa hai bàn tay và khuôn mặt là nhìn thấy da thịt à) và một nam phương Tây tay trong tay dung dăng dung dẻ ở nơi công cộng, đông người qua lại, và thậm chí, giữa thanh thiên bạch nhật mình còn nhìn thấy họ ôm hôn nhau nữa kìa.
Nhưng có lẽ đó chỉ là ngoại lệ, hoặc với sự phát triển của xã hội, sự mở rộng giao thương, Internet… thì tư tưởng sống, những đạo đức xã hội, phong tục tập quán xưa cũ đã không còn phù hợp, hoặc nhận được cái nhìn khoan dung hơn.
Một bài viết khác mà mình đọc được, nói rằng sẽ không có giấy vệ sinh ở các nhà vệ sinh công cộng, hay thậm chí là trong khách sạn, và khuyên bạn nên mang theo giấy vệ sinh khi đi du lịch Malaysia. Nhưng trong các nhà vệ sinh mà mình từng sử dụng ở sân bay, bến xe, hay nhà nghỉ… thì đều có giấy vệ sinh tinh tươm và đủ đầy. Ngoài ra, các nhà vệ sinh công cộng cũng rất khang trang và sạch sẽ, có người lau dọn thường xuyên.
5. Dân số Malaysia gồm nhiều nhóm sắc tộc, trong đó, nhóm người Malay chiếm gần 52% dân số, giữ nhiều vị trí quan trọng về chính trị. Khoảng 30% dân số còn lại là người Malaysia gốc Hoa, nhóm người này từ lâu luôn đóng vai trò quan trọng trong thương mại. Còn người Malaysia gốc Ấn chiếm khoảng 8% dân số.
Ở Malaysia, khoảng 60% dân số là người Hồi giáo, đa số là nhóm người Malay. Do đó, sẽ không lạ gì khi bạn bắt gặp những cô gái ăn vận phục trang kín cổng cao tường khắp đất nước này. Theo mình quan sát thấy, phục trang chính thức của phụ nữ Hồi Giáo chính là chiếc khăn choàng kín tóc và cổ (được gọi là Hijab). Ngoài vật liệu là chiếc khăn, họ còn phải dùng thêm các đồ trang trí nhỏ có tác dụng kẹp chắc chiếc khăn không để bị xê dịch hay rơi rớt.
Bên cạnh khăn choàng, phụ nữ Hồi giáo ở Malaysia sẽ phải mặc trang phục che kín cơ thể, chỉ chừa hai bàn tay. Đó có thể là bộ quần áo truyền thống với chiếc váy rộng và dài che kín gót chân, cùng với chiếc áo dài tay dáng dài phủ kín gần tới đầu gối. Với những cô gái hiện đại hơn, họ có thể mặc quần jean, áo thun bình thường, miễn là loại quần dài và áo dài tay, không thời trang rách rưới te tua. Nếu họ mặc áo thun tay ngắn, thì bắt buộc bên trong vẫn là cái ống tay dài, hoặc một áo dài tay kèm theo, tuyệt đối không để lộ cánh tay.
Ngoài việc ăn vận khác người thường, phải ăn kiêng thịt heo và thực hiện cầu nguyện vào những khung giờ nhất định trong ngày, thì mình thấy phần lớn người Hồi giáo ở Malaysia cũng như những người bình thường khác. Họ cũng đi du lịch, cũng chụp ảnh với gậy tự sướng, cũng ăn nhà hàng, cũng ăn vặt, cũng nghe nhạc bằng tai nghe khi đi trên đường, cũng trò chuyện cười đùa với bạn bè, cũng tận tình chỉ dẫn du khách khi được hỏi thông tin…
Mình cũng có gặp vài người phụ nữ Hồi giáo vận nguyên bộ đồ đen như của ma-sơ, chỉ khác là che kín mặt chỉ chừa đôi mắt, nhưng không dám chắc họ có phải là người Hồi giáo bản địa hay không. Vì mình có dừng hỏi đường một cô, nhưng cô ấy quầy quậy lắc đầu, có vẻ xa lánh tránh tiếp xúc với người lạ.
Nói về việc tại sao phụ nữ Hồi giáo phải choàng khăn che kín tóc, thì kinh Koran đã răn dạy rằng cả phụ nữ lẫn đàn ông cần phải “che mình và sống giản dị”. Nhưng sao không thấy đàn ông theo đạo Hồi trùm đầu ha? Với lại, một người quen ở Indonesia theo đạo Hồi có cho mình biết là, không phải ai theo đạo Hồi cũng trùm đầu, kể cả phụ nữ. Mà điều này phụ thuộc vào ý thức và suy nghĩ của người đó thôi. Chắc kiểu như theo đạo Thiên chúa nhưng không phải ai cũng đi lễ nhà thờ, hay theo đạo Phật nhưng không phải ai cũng ăn chay vào ngày rằm, mồng một.
Tóm lại, khác xa với những thông tin mình đọc được trước chuyến đi về một Malaysia bất ổn, có khả năng gặp cướp, và cướp rất ngang tàn, sẵn sàng giết người,…, thì mình cảm nhận Malaysia vừa xinh đẹp vừa an toàn, người dân thì chân thành và thân thiện. Mình hỏi gì, với ai cũng được trả lời và chỉ dẫn nhiệt tình, từ người dân gặp trên đường, cho tới các chú lái xe xích lô, tài xế xe buýt… Có lẽ một trong những nguyên nhân đó chính là dân số Malaysia phần lớn theo đạo Hồi, họ bị ràng buộc bởi những luật lệ của đạo Hồi, ngoài luật pháp của quốc gia, như những điều răn: tôn trọng quyền của người khác; bố thí rộng rãi cho người nghèo; cấm ngoại tình… Vì vậy, bạn đừng nên lo lắng về tình hình trị an nếu chuẩn bị du lịch sang Malaysia.
Tháp đôi Petronas – Kuala Lumpur dưới ánh cầu vồng
Sớm mai ở góc phố Lebuh Chulia, George Town, Penang
Hơn nữa, vì ý thức là sẽ du lịch ở một quốc gia phát triển hiện đại hơn so với Việt Nam mình nhiều, nên mình cũng đem theo những bộ đồ tươm tất, đàng hoàng, đa số là quần dài, tránh bị thất lễ hay quá lạc loài nếu như lạc giữa biển người ăn vận gọn gàng đẹp đẽ. Nhưng hình như mình đã lầm, mình quan sát thấy người dân địa phương ở Malaysia ăn mặc rất giản dị và không quan trọng chuyện hợp thời trang gì đâu. Họ có thể mặc cái quần hay váy màu xanh lá cây và phối với áo màu đỏ, trên khăn choàng màu đen… Mà mình cũng thấy nhiều du khách sang đây thoải mái mặc áo dây, quần sọt cực ngắn, váy đầm các kiểu đi ra đường. Bạn có thể làm vậy, nhưng nếu là đi một mình, và đi vào trong các đền chùa, thì không nên.
6. Nói về việc qua đêm ở sân bay và bến xe, trong chuyến đi 4 ngày 4 đêm (Kuala Lumpur – Melaka – Penang), mình có một đêm ngủ ở sân bay KLIA2 (Kuala Lumpur International Airport Terminal 2), và một đêm ở bến xe TBS (Terminal Bersepadu Selatan) của Kuala Lumpur. Bạn có thể tìm những góc yên tĩnh, vắng vẻ nhưng sáng sủa (cho an tâm) để ngủ. Yên tâm là sàn nhà ở những nơi này đều có người dọn dẹp thường xuyên nên nhìn chung là sạch sẽ, bóng loáng. Có rất nhiều người ngủ lại ở sân bay, từ du khách cho tới dân bản địa, nên bạn không cần phải sợ hãi hay ngại ngùng gì cả. Không ai cấm đoán bạn hết.
Ở sân bay KLIA2, bạn có thể lên tầng 2 nơi đi của các chuyến bay nội địa để tìm chỗ ngủ, nơi có thể nằm dài trên sàn được, hoặc là đi xuống tầng 1 ở dưới cùng, nơi tầng trệt nhìn thấy xe buýt đỗ ấy (phải nói rõ do ở sân bay KLIA2 chính thức chia ra làm hai tầng, nhưng thực tế là bốn, năm tầng gì đó), để ngủ ngồi trên những băng ghế trống. Có thể bảo vệ sẽ không cho bạn nằm trên băng ghế, nhưng ngồi ngủ thì bình thường.
Còn ở bến xe TBS, mặc dù chính thức là bảo vệ không cho ngủ ở hành lang bên ngoài, nhưng bạn có thể ngủ lén (vì bên trong sảnh rất lạnh, nên nhiều người chọn ra ngoài ngủ), hoặc nếu có mang đồ ấm thì vô tư vào chọn một góc vắng rồi lăn ra sàn mà ngủ. Đêm khuya lại có người mặc phục trang quân đội rằn ri cầm súng trường đảo qua đảo lại, an toàn thế còn gì!
Nhớ là ở cả sân bay hay bến xe thì đều được mở máy lạnh rất rất lạnh, nên bạn phải mặc đồ dài, thêm áo khoác, quấn khăn choàng cho cẩn thận, không là bị cảm lạnh không đi chơi tiếp được. Ngoài ra, nếu bạn nào không chịu được tiếng ồn thì không nên ngủ ở những nơi công cộng này, bạn sẽ không ngủ được đâu, vì liên tục có tiếng bước chân người ra vào, tiếng phát loa, tiếng nói chuyện, tiếng máy bay, tiếng còi xe…
7. Malaysia là quốc gia đa chủng tộc bao gồm người Malay, người gốc Hoa và người gốc Ấn cho nên nền ẩm thực cũng sẽ đa dạng và chịu ảnh hưởng bởi các quốc gia này. Đồ ăn Trung Hoa thì nhiều dầu mỡ, còn đồ Ấn thì phải có các loại gia vị đặc trưng. Nếu bạn là người dễ ăn, hoặc yêu thích những món ăn mang đậm văn hóa bản địa này, thì sẽ thấy chúng rất ngon. Vả lại, cũng không khó để tìm thức ăn chay cho người ăn chay ở Malaysia.
Ngoài ra, mình không (hay chưa) tìm thấy các cây nước uống miễn phí trên đường phố hay ở bến xe Malaysia (ngoại trừ ở sân bay Kuala Lumpur và sân bay Penang), nên bạn có thể mua nước uống và đồ ăn nhanh ở các cửa hàng tiện ích: Family Mart, 7-Eleven, KK… được tìm thấy rất nhiều ở sân bay, bến xe, hay trên đường phố…
8. Ringgit (MYR, đọc: rín gịt) là tiền tệ của Malaysia, 1 MYR = 5.300 đ. Nếu một người du lịch bụi tiết kiệm sang Malaysia mà mua gì, ăn gì cũng đối chiếu coi bằng bao nhiêu tiền Việt mình, thì chắc là khỏi dám tiêu gì. Cá nhân mình thấy vật giá ở Malaysia đắt hơn ở Việt Nam, nhưng cũng không cho là đắt lắm.
Được cái, hệ thống giao thông công cộng và đường xá rất phát triển. Các chuyến xe buýt có giá khá rẻ (chỉ từ 1 – 2,7 MYR), thậm chí còn có các chuyến xe buýt miễn phí khắp Kuala Lumpur và Penang, cho nên cũng đỡ được kha khá tiền vận chuyển. Phương tiện tàu điện ngầm (LRT) và tàu điện trên cao (monorail) thì mình chưa có dịp thử, nhưng giá rất là đắt. Tuy vậy, Grabtaxi ở đây lại rất phổ biến nên bạn có thể sử dụng dịch vụ này.
Trên đường, phổ biến nhất là xe buýt công cộng và xe ô tô, xe máy khá ít và họ dùng các loại xe máy rất bình thường kiểu như Wave, Dream, và đa số ai mà chạy xe máy thì chạy rất nhanh, rất ghê á!
9. Về ngôn ngữ, người Malaysia sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Malay, hoặc tiếng Hoa (giữa những người gốc Hoa với nhau). Nhưng đa số ai cũng có thể nói tiếng Anh rất tốt, bất kể là người già hay người trẻ tuổi, chỉ có điều là hơi khó nghe một chút thôi. Nên nếu bạn nghe nói được sơ sơ tiếng Anh thì không lo về vấn đề giao tiếp khi đi du lịch Malaysia, miễn sao hai bên làm cho nhau hiểu ý mình là được. Vả lại, hầu hết các biển hiệu mà bạn gặp trên đường đều là song ngữ Malay – Anh, cho nên không có gì phải e ngại ở đây hết.
10. Nói về múi giờ, Malaysia đi sớm hơn mình 1 tiếng đồng hồ (Greenwich Mean Time – GMT+8), ví dụ ở Việt Nam là 6g sáng thì bên đó đã 7g sáng. Vậy nên, bạn sẽ thấy mặt trời mọc trễ hơn, và lặn trễ hơn. Giờ hoạt động chính thức của hàng quán dịch vụ các thứ cũng trễ hơn.
11. Điều cuối cùng mà mình muốn chia sẻ, không chỉ dành riêng cho việc du lịch Malaysia, mà cho bất cứ quốc gia nào, đó chính là câu “nhập gia tùy tục”. Mỗi quốc gia sẽ có những phong tục tập quán, luật pháp, văn hóa riêng. Chúng ta nên tìm hiểu trước thông tin cho kỹ càng, và khi sang đó, nhìn xem người bản địa hành xử như thế nào, thì ta làm theo thế ấy. Khiêm tốn, tươi cười, thân thiện, luôn nói “xin lỗi” và “cảm ơn” thì sẽ được đối tốt thôi.
Tin mình đi!