Chùa Mười Liễu là một danh thắng chỉ lưu truyền nội bộ với dân địa phương xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, và một số vùng lân cận. Chùa nằm dưới chân núi, gần hồ Tuy An, thuộc địa phận thôn Tuy An, xã Hoài Châu Bắc.
Kiến trúc chùa Mười Liễu thì không có gì đáng nói với các tháp thờ, tượng phật, chính điện được xây theo kiểu chùa hệ phái Bắc tông. Hiện nay, chùa đang được trùng tu và xây dựng thêm. Đoán rằng khi được hoàn thành, chùa sẽ ngày càng được nhiều người đến chiêm bái và vãn cảnh.
Sở dĩ nói chùa Mười Liễu là một danh thắng bởi vì chùa được xây dựng ở vị trí rất đắc địa, đó là lưng tựa vào núi, hướng ra mặt hồ (“tiền thủy hậu sơn” – một địa thế tốt trong phong thủy). Vì địa thế tốt, có núi, có nước đó, cùng với nhiều cây rừng lẫn cây trồng xung quanh mà khung cảnh chùa rất xanh, rất đẹp.
Còn nói chùa Mười Liễu chỉ lưu truyền nội bộ có lẽ cũng vì địa thế xa xôi cách trở, tận trong hóc núi, ở nơi tận cùng của con đường, xung quanh không có nhà dân. Bạn muốn vào chùa thì phải men theo con đường mòn đầy bụi đất nhỏ xíu, vòng qua phía sau hồ Tuy An. Dạo gần đây có vài công ty lữ hành đã khai thác tuyến điểm tham quan chùa Mười Liễu, tuy nhiên, với những thông tin du lịch hiếm hoi của Bình Định thì rất khó để tìm ra một bài viết nào đó giới thiệu đầy đủ về chùa.
Để đến được chùa Mười Liễu, bạn đi tỉnh lộ 639B theo con đường ra Chương Hòa, qua xã Hoài Phú, có thể xem hướng dẫn đường đi tại đây. Đến địa phận xã Hoài Châu Bắc, bạn để ý vừa qua cầu Ngã Ba thì quẹo trái vô con đường dẫn vào thôn Tuy An, từ đây bạn tìm đến hồ Tuy An theo hướng dẫn tại đây.
Khi gặp được hồ Tuy An, chỗ ngã ba, bạn quẹo trái theo con đường nhỏ men theo hồ, đi thẳng đến cuối đường, thì sẽ là chùa Mười Liễu.
Quẹo trái men theo con đường nhỏ kề bên hồ Tuy An
Ngã ba nhìn từ trên cao
Con đường nhỏ quanh co
Cảnh đồng ruộng hoa màu xanh ngắt
Đi hết con đường nhỏ, hết đường đi thì bạn chạy lên con dốc này, rẽ trái đi thẳng tiếp
Lên con dốc là nhìn rõ hồ Tuy An
Đường đến chùa lại không hề có bảng chỉ dẫn, thậm chí cổng chùa cũng được ghi bằng Hán tự nên ít ai biết được đây là chùa gì. Tuy vậy, cảnh thôn quê làng mạc, đồng lúa hoa màu xanh tươi, cùng hồ Tuy An thanh bình sẽ như bù đắp lại bao khó khăn vất vả của việc tìm đường.
Con đường rợp bóng cây đi vô núi
Âm vang tiếng rừng xanh
Khu này có nhiều cây tràm và dứa dại, người ta lấy trái dứa dại về cắt nhỏ phơi khô làm thuốc
Một cây dứa dại rất cao
Ngoài cảnh quan đồng ruộng, rừng cây, hồ nước, thì một món quà đặc biệt dành cho những lữ khách cất công không quản ngại đường xá xa xôi tìm đến đây, và dành cho những người một lòng hướng Phật nữa, chính là một dòng suối mỹ miều uốn khúc đằng sau chùa, chảy ra hồ Tuy An. Dòng suối với rất nhiều đá to đá nhỏ cùng cỏ cây mọc hai bên bờ như một điểm nhấn đầy duyên dáng, tăng thêm vẻ thu hút cho cảnh quan chùa.
Suối đá mùa hè đằng sau chùa
Dòng suối đổ ra hồ Tuy An
Có những chiếc cầu bắc qua dòng nước
Trước khi vào chùa, bạn sẽ gửi xe ở lán trại bên ngoài, nơi người dân dựng lên bán nước, nhang đèn…
Cổng chùa Mười Liễu
Qua cổng là chính điện
Kiến trúc đơn giản theo Phật giáo Bắc tông
Các tháp thờ
Cổng chùa cổ kính nhìn từ trong ra
Hoa cỏ được trồng làm đẹp thêm cảnh quan chùa
Đến đây vào mùa hè, qua vài cơn mưa nhỏ đầu hè nên lượng nước trong suối chỉ mới xâm xấp, nhưng cũng đủ để cảm nhận một không gian thiên nhiên mát lành và xa lánh chốn trần thế.
Đi qua chiếc cầu bắc ngang dòng suối, bước lên những bậc thang là nơi thờ tự Quan Âm
Tượng Quan Âm đứng bên cạnh một cây xoài xum xuê trái
Khu chính điện nhìn từ tượng Quan Âm
Núi rừng xanh um bên cạnh
Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, hay chỉ đơn giản là một người mộ đạo, muốn tìm về một chốn yên tĩnh để chiêm niệm với chính mình, thì đây, chùa Mười Liễu là một nơi như vậy. Có điều, giữa chốn thanh tịnh, xin bạn đừng có những hành động đi ngược với các giá trị làm người, chẳng hạn như đừng nói chuyện to tiếng, không xả rác,… Cũng dễ thôi mà, đúng không?