Mình hiếm khi đến chùa để cầu xin điều gì đó, kể cả hai chữ “bình an”. Mà mình đi chùa chỉ vì kiến trúc – phong cảnh – hoặc điểm độc đáo đặc biệt thu hút nào đó. Vậy nên, mình gần như chưa bao giờ đi chùa mà mua nhang đèn hoa quả các thứ để cúng bái.
Đi chùa, mình chỉ đứng lặng yên một lúc cúi chào Phật, rồi sẽ đi loanh quanh các ngõ ngách mà chụp ảnh. Mình cũng ít khi nào chịu tìm hiểu kỹ thông tin về chùa trước khi đến. Mà mình muốn để các giác quan của mình được tự do, để chúng thong thả đón nhận, nhìn thấy, cảm giác được những gì mà chúng thật sự mang lại.
Với người khác, đi chùa có thể là để cầu xin nguyện ước, hoặc chỉ đơn giản là muốn cho tâm hồn được tĩnh lặng, an yên. Còn với mình, nói thật là, đi chùa như là đi chơi, khám phá, thăm thú thôi.
Bởi vì với mình, “tu” chính là làm những điều mà thật lòng mình muốn làm. Bản chất con người ta ai cũng lương thiện cả. Cho nên, cứ làm những gì mình muốn làm, thì sẽ không cảm thấy xấu hổ, ngại ngần, trái với lương tâm mình.
Mà sống như vậy, thì là “tu” chứ còn gì!
Những hình ảnh dưới đây được chụp tại chùa Ông (còn gọi là chùa Minh Hương, hội quán Phước An, hay miếu An Hòa), tại số 184 đường Hồng Bàng, P.12, Q.5. Đây là ngôi chùa Trung Hoa nằm ở khu phố người Hoa, Chợ Lớn, Sài Gòn với những chi tiết trang trí khá đẹp. Ngoài ra, khi đọc tư liệu trên mạng để viết bài này, mình mới biết thêm thông tin rằng ngôi chùa này vô cùng linh thiêng. Nhưng khác với sự nổi danh đó, thực tế là không gian chùa khá bình yên, không hề xô bồ, náo nhiệt như những ngôi chùa linh thiêng nức tiếng khác. Đây là điều mà mình rất thích ở chùa Ông.
Ở quận 5 còn có một chùa Ông khác (còn gọi là Nghĩa An Hội Quán, nằm ở số 676 Nguyễn Trãi, thuộc phường 11).
Sở dĩ chùa có tên gọi là chùa Ông vì nơi đây thờ Quan Vân Trường (nên còn được gọi là chùa Quan Đế Thánh quân). Ngoài thờ Quan Vân Trường, chùa còn thờ Quan Âm, năm bà Ngũ Hành, ông Bổn (ông Địa), ông Mã (ngựa Xích Thố)… với lối kiến trúc và bài trí cổ kính, đẹp mắt.
Bạn có thể đọc thêm các câu chuyện tâm linh kỳ lạ liên quan đến chùa cũng như chi tiết bài trí của chùa Ông tại đây.
Tượng Quan Âm bên trái sân trước
Hồ cá bên phải sân trước
Người đàn ông đang lau lư đồng
Hai bên hành lang phía trước được trang trí bằng hai chiếc đèn lồng lớn
Tượng ông Mã
Một em bé như “Hồng Hài Nhi” theo mẹ đi lễ chùa
Bức bình phong gỗ cổ trầm mặc
Điêu khắc gỗ đẹp mắt
Tượng ông Bổn
Tượng năm bà Ngũ Hành
Phù điêu rồng trang trí trên tường
Bên hông là khu làm việc với ảnh Bác được treo trang trọng
Đỏ, vàng, xanh…
Sáng sớm nên người ta đang dọn dẹp, lau chùi
Nghe nói cây nến này đốt được cả tuần lễ
Chùa Hoa nên không thiếu hình ảnh các vòng nhang treo trên đầu
Nhang này thường do khách mua lễ chùa với tờ giấy ghi lời khấn nguyện gắn kèm trong vòng nhang
Giếng trời và quạt thông gió cũng là nét kiến trúc tiêu biểu của chùa Hoa
Chỗ này dùng để đốt vàng mã, nhưng có lẽ hiện tại người ta cũng hạn chế bớt việc này, cũng như việc đi chùa thắp nhang, bởi hai lý do chính: ảnh hưởng môi trường sống và tốn kém.