Du lịch bụi Đắk Lắk: hoang sơ buôn Jun và hồ Lắk

 

Hồ Lắk là một địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Tây Nguyên Đắk Lắk. Nằm yên bình bên hồ Lắk là buôn Jun, một buôn làng tiêu biểu của người M’Nông…

Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và là hồ tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể. Về mặt địa lý, hồ Lăk thuộc địa phận thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện), huyện Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Nếu nói rộng hơn, không gian của khu rừng lịch sử, văn hóa, môi trường hồ Lắk còn bao trùm thêm các xã Bông Krang, Yang Tao, Đắk Liêng.

Hồ Lắk có độ sâu lớn nhất, hơn cả Biển Hồ của tỉnh Gia Lai. Người dân tộc bản địa ở đây còn có cả một huyền thoại nói hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ. Hồ Lắk rộng trên 5 km² và thông với con sông Krông Ana. Nước trong hồ Lắk luôn xanh thẳm, xung quanh hồ lại được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt hồ luôn phẳng lặng. Thêm vào đó là những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú.

Kề bên hồ Lắk có buôn Jun, buôn M’Liêng (là buôn cổ nhất và còn khá hoang sơ), buôn Lê. Đây là những buôn làng tiêu biểu của dân tộc M’Nông, được tổ chức thành một điểm du lịch quan trọng ở Đắk Lắk như những buôn bảo tồn, giới thiệu về văn hóa dân tộc bản địa Tây nguyên. Trong các buôn còn lưu giữ được rất nhiều ngôi nhà dài truyền thống với mái lợp cỏ tranh vách thưng liếp nứa và một đàn voi.

Cạnh hồ Lắk còn có ngôi nhà nghỉ mát của cựu hoàng đế Bảo Đại ngày xưa nằm trên đỉnh đồi sau lưng thị trấn Liên Sơn. Đây là nơi vua Bảo Đại thường đến ngắm cảnh, săn bắn, nghỉ ngơi mỗi khi có dịp lên Đắk Lắk. Ngôi nhà có tầm nhìn rất đẹp bao quát gần như trọn mặt nước của hồ Lắk, được xây cùng năm với chùa Sắc Tứ Khải Đoan (năm 1951) và được đích thân Nam Phương Hoàng hậu chịu trách nhiệm quản lý việc đầu tư xây dựng.

Du khách đến đây không chỉ ngắm cảnh, đi thuyền tham quan cảnh hồ Lắk mà còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên như điệu múa lửa, múa ngày mùa, diễn xướng cồng chiêng,… Du khách cũng dịp tìm hiểu các món đặc sản như chả cá thát lát hồ Lắk, gỏi cà đắng cá cơm, cơm lam, canh tro, canh rêu đá,…

Trong một bài viết đăng trên trang Vnexpress có đề cập rằng Đắk Lắk sẽ bỏ hẳn dịch vụ cưỡi voi:

Tại buổi tọa đàm “Kết nối giao thương giữa Hà Nội và Buôn Ma Thuột phát triển du lịch an toàn, hấp dẫn giữa các doanh nghiệp du lịch ở hai địa phương” vừa tổ chức tại Đăk Lăk, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đăk Lăk nói rằng, sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi.

Thay vào đó, các điểm du lịch sẽ tiến hành nghiên cứu, lựa chọn những dịch vụ du lịch thân thiện, gắn liền với loài động vật này như tắm voi; cho voi ăn; hay thậm chí sản phẩm cà phê voi… mang lại cảm giác trải nghiệm mới lạ, an toàn cho du khách.

Động thái này được đưa ra sau khi ngành du lịch Đăk Lăk chịu nhiều biến động do ảnh hưởng của Covid -19 và liên tục xảy ra những tai nạn liên quan đến voi. Hồi tháng 5, một người đàn ông bất ngờ bị voi nhà quật chết khi đưa voi đi tắm. Hai tháng tháng sau, nữ du khách đang cưỡi voi thì bất ngờ bị ngã, chấn thương.

Tuy nhiên, lúc tụi mình đến đây tham quan thì thấy dịch vụ voi dành cho du khách vẫn còn. Mong là trong tương lai gần, dịch vụ cưỡi voi sẽ bị bỏ hẳn, không chỉ là vì vấn đề an toàn cho du khách, mà là động thái nhân văn đối với động vật.

Bây giờ thì mời bạn xem những tấm ảnh không được đẹp cho lắm, do chụp trong một ngày cuối năm trời âm u vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Ảnh chụp buôn Jun và hồ Lắk nha. Hồ rất lớn nên bạn cứ đi theo Google Maps là được, sẽ có nhiều đường, nhiều hướng để tiếp cận hồ. Nếu đến buôn Jun thì tới cổng, đi thẳng vào, không có phí tham quan gì đâu, cuối đường Y Jut (Y Jut Hwing, một nhân sỹ người Êđê, là tác giả chính của bộ chữ viết Ê Đê ngày nay; tên ông được đặt cho nhiều con đường ở các tỉnh thành Tây Nguyên) bạn sẽ thấy hồ Lắk hiện ra.

À, tìm hiểu thêm về tên của người Ê Đê nha.

Người Ê Đê là tộc người duy nhất ở Việt Nam đặt tên theo cấu trúc Tên trước Họ sau, có thể là kết quả ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Thông thường họ dùng từ Dam (nghĩa là Chàng) để đệm cho nam giới, như: Dam Bhu, Dam Yi, Dam Rông, Dam Jŭ,…, hoặc đệm chữ cái “Y” từ chữ “YHWH” theo cấu trúc “(Y) + (tên gọi) + (họ) như là một điều bắt buộc cho nam giới người Ê Đê mang ý nghĩa như là đứa con của Yàng (Anak Yang Adiê), ví dụ như: Y Jut, Y Ngông, Y Moan,…; và Hơbia, hay H’ (nghĩa là Nàng) để đệm cho Nữ giới như HơBia Blao, HơBia Jŭn,…

Mình nghĩ rằng phần đệm (hay tên lót) “Dam” hay “Y” dành cho người nam Ê Đê cũng tương tự như “Văn” của người Kinh, còn “HơBia” dành cho người nữ Ê Đê cũng tương tự như “Thị” của người Kinh.

Buôn Jun

Cuối năm là mùa thu hoạch và phơi phóng cà phê

Người dân đi đâu hết cả, chẳng thấy ai hết

Có lẽ những ngôi nhà đóng cửa do đang mùa dịch, không có nhiều du khách, vì được biết có nhiều ngôi nhà như thế này làm dịch vụ “homestay”.

Có những ngôi nhà trông khá xưa cũ

Một em chó nhưng hiền khô à

Hồ Lắk hiện ra kia rồi

Ở cuối góc đường Y Jut

Thời tiết xấu quá, ảnh chụp ra màu thấy ghê!

Gần hồ là những nhà hàng, quán ăn, quầy đồ lưu niệm phục vụ du khách

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, lại về chiều nên màu nước cũng không xanh thẳm như mô tả

Bài trí kề hồ khá lộn xộn

Một chú voi đi ngang

Hồ Lắk ở một con đường khác

Tin rằng trời nắng thì cảnh đẹp lắm à!

Một bông hoa mọc dại đẹp rực rỡ.

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *