Tôi ngồi ở quán cà phê Bà Năm cho tới hơn 7g thì trả tiền, rồi lại khoác ba lô lững thững đi bộ về khách sạn. Lần này là về khách sạn thiệt, không la cà đâu nữa.
>> Lữ khách độc hành ở Đà Lạt: chuyến đi trong mơ (2)
>> Lữ khách độc hành ở Đà Lạt: chuyến đi trong mơ (1)
Chùa Bồ Đề trong một sớm tinh khôi
Khách sạn chỗ tôi đặt nằm ngay trung tâm Đà Lạt thôi. Những khi đi du lịch một mình, không có xe máy, tôi thường chọn khu trung tâm để tiện cho việc đi bộ ngắm nghía xung quanh, ngắm cảnh đường phố và sinh hoạt lối sống của người dân địa phương, nhất là vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối.
Khách sạn tôi ở có cái tên thật “Đà Lạt”: Mây Mùa Hè. Gọi là khách sạn chớ nơi đây được gắn cho cái danh “homestay” – Mây Mùa Hè Homestay. Trong khi, để được là “homestay” thì chuẩn dịch vụ cung cấp có sự khác biệt so với “hotel” hay “hostel” thông thường. Nơi lưu trú đó phải có các hoạt động cùng ăn cùng làm với dân. Du khách được học hỏi và trải nghiệm các hoạt động địa phương cùng với chủ nhà, hay trong phạm vi nơi ở.
Có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở khắp Việt Nam ta, nhất là ở những thành phố du lịch đang lạm dụng từ “homestay” áp lên cơ sở kinh doanh lưu trú của họ. Chỉ cần có thiết kế và trang trí đẹp một chút, phục vụ cho hoạt động chụp ảnh “sống ảo”, là các khách sạn tha hồ gắn mác “homestay” lên.
Giữa một rừng cái tên khách sạn có chữ “Mây” ở Đà Lạt, như khách sạn Vịnh Mây, Đồi Mây Tuyết, Nhà Của Mây, 3 Tầng Mây,…, thì tôi chọn “Mây Mùa Hè”. Chỉ đơn giản, nơi này rất gần chợ Đà Lạt – khu vực trung tâm và có lựa chọn phòng tập thể (dormitory) với giá rất rẻ. Nói chung là một khách sạn thích hợp cho dân du lịch bụi đi một mình, không quá mong mỏi được trải nghiệm dịch vụ thêm gì nhiều, ngoài có chiếc giường chăn ấm nệm êm để đặt lưng, và có nước nóng để tắm gội (ở Đà Lạt mà phòng tắm không có nước nóng thì chắc không chịu được đâu!).
Khi đến khách sạn, tôi mới hiểu vì sao nơi này lấy “Mây” làm tên gọi. Khách sạn thuê lại tầng 5 của một toà nhà nhỏ và cũ, rồi cơi nới sửa chữa lại thành một dãy xuyên suốt gồm đâu chừng 8 phòng tập thể. Tôi may mắn được bạn tiếp tân cho nhận giường sớm, lúc đi lên phòng, lại may mắn thấy căn phòng của mình nằm ở một phần của mặt tiền, có chiếc cửa sổ bằng kính rất to. Tôi thử hé mở rèm cửa ra, thì thấy từ đây nhìn xuống bao quát cả một khu vực trung tâm của thành phố. Còn có thể nhìn thấy hồ Xuân Hương ở xa xa.
Tôi thầm nghĩ, nếu như hên gặp bữa có mây, đúng là mở rèm ra cảm tưởng như có thể chạm được mây cũng nên. Quả là một vị trí đẹp với giá tiền vô cùng phải chăng!
Mây là một đặc trưng (nhưng phải có duyên lắm mới “săn”được) vào mùa hè – mùa mưa ở Đà Lạt. Mây thường xuất hiện sau những đêm mưa lớn, và đến sáng thì tạnh. Trời phải quang đãng, và lạnh. Tôi từng có may mắn “săn” được mây trên đồi Thiên Phúc Đức, có được cảm giác suýt xoa vỡ oà vì sung sướng khi đứng trên đồi nhìn xuống cả một biển mây trắng bồng bềnh lững lờ ở bên dưới. Cảm giác tuyệt lắm!
Tôi không chắc là vào sáng sớm mai, khi tỉnh giấc dậy, tôi có diễm phúc lại được ngắm biển mây từ cửa phòng Mây Mùa Hè hay không. Nhưng thôi, cũng không quan trọng. Đó là chuyện của ngày mai.
Với chuyến đi này, tôi không đặt ra mục đích cho mình sẽ đến thăm nơi nào, ghé tới chỗ này. Cứ đi và rồi sẽ tới. Nhưng tất nhiên, tôi có tìm trước một số địa danh và hoạt động mà mình chưa trải nghiệm, hoặc muốn ghé thăm lại. Tuy nhiên, mọi điểm đến và hoạt động sẽ ngẫu hứng và tuỳ và thời gian, tình hình thực tế. Hãy để cho chữ “tuỳ duyên” được tóm gọn cho hành trình lần này.
Sau khi sắp xếp hành lý, vệ sinh cá nhân, và thay bộ quần áo khác (đặng đi chơi chụp ảnh “sống ảo” đó mà), tôi ra gặp bạn tiếp tân và đề nghị nhận xe. Tôi thuê xe máy ở khách sạn luôn cho tiện, giá “chuẩn” là xe số 120.000 đ/ ngày, xe tay ga 150.000 đ/ ngày (24 tiếng, không bao xăng). Thật ra có nhiều chỗ chuyên cho thuê xe sẽ có giá rẻ hơn, xe tốt hơn, đội ngũ làm việc chuyên nghiệp đưa và nhận xe tận nơi. Các khách sạn cũng thường thuê lại những nơi này rồi “ăn” hoa hồng từ khách, hoặc cả hai đầu. Nhưng thôi, tôi thấy hơi mất thời gian chờ đợi, nên cứ thuê ở khách sạn cho nhanh.
Không để tôi đợi lâu, một chiếc xe trông còn mới đã sẵn sàng chờ tôi ở dưới mặt đất. Chiếc xe tôi thuê là xe máy số, vì tôi quen đi loại này, vả lại xe số đi đường địa hình đèo đồi dốc phù hợp hơn là xe tay ga. Tôi lên xe, hướng về phía hồ Xuân Hương mà chạy, vì tôi nhớ gần đó có một cây xăng. Đổ xăng trước đã, phải cho xe ăn uống no nê, rồi mới làm gì làm được. Thật ra thì tìm cây xăng gần nhất trên bản đồ cũng được, tôi có đang xài 4G mà, nhưng tôi không muốn vừa chạy vừa dừng lại xem bản đồ.
Sau khi đổ xăng, tôi coi bản đồ tìm địa chỉ của một ngôi chùa. Tôi muốn ghé một ngôi chùa trước, tranh thủ thời điểm buổi sáng trong không gian Phật giáo thanh tịnh, ngập tràn mùi hương của cỏ hoa, của sương sớm, sẽ cảm thấy thú vị hơn. Nơi tôi chọn là chùa Bồ Đề.
Chùa Bồ Đề nằm không xa Dinh 2 (Dinh Bảo Đại), là một ngôi chùa nhỏ nhưng yên tĩnh và thanh bình, ngụ trên một ngọn đồi cao nhìn ra khung cảnh bao quát xung quanh. Đà Lạt là vùng đất cao nguyên, nhìn đâu cũng toàn thấy đồi, thấy núi, nên có nhiều khu tâm linh được xây dựng trên cao, tách biệt với khu dân cư. Cá nhân tôi cũng thích những ngôi chùa nằm trên đồi hay lưng chừng trên núi. Đến chùa, có cảm giác tự nhiên con người mình nhẹ hẳn đi, vì đã bỏ hết những sân si thói đời mang nặng bên mình dưới chân đồi, chân núi.
Chùa tĩnh lặng quá, không một bóng du khách, chỉ có mình tôi tự nhiên thả những bước chân chậm rãi đi vòng quanh chùa. Có tiếng quét lá loạc xoạc ở đâu đây. Thỉnh thoảng, có chú chim nào đó réo lên một hồi lảnh lót, tạm cắt đứt không gian yên tĩnh tinh khôi này.
Mặc dù thường xuyên đi chùa, cũng hay ghé các nhà thờ, nhưng tôi hầu như hiểu biết rất ít về tôn giáo. Tôi chỉ đến những địa danh đẹp mắt, tìm kiếm sự thanh bình và chiêm ngưỡng cảnh sắc hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên ở nơi ấy, hơn là vì đức tin ở trong lòng, càng không đến một nơi tâm linh để nguyện cầu xin bất kỳ điều gì. Nhưng tôi tâm niệm rằng, tôn giáo, dù khác biệt ở hình thức và tên gọi, nhưng đều có chung một giáo huấn: hướng con người trở về với bản chất thuần hậu, trong sáng, lương thiện của mỗi người. Và chỉ có bản thân chúng ta mới có thể giúp được cho chính mình.
Tôi ngắm nghía mái chùa cong cũ kỹ, bức tường loang lổ những vệt rêu xanh mốc đen. Tôi nhìn những bông hoa, lá cỏ còn đẫm sương đêm, đang rung rinh lay động trong gió. Tôi nhìn cảnh thành phố Đà Lạt từ trên cao, hình ảnh mờ mờ bởi được bao quanh một lớp sương mỏng chờn vờn. Và rồi, nắng bất chợt hiện lên, những tia nắng đầu tiên của một ngày, xua tan không khí ẩm ướt bởi mùa mưa lạnh xứ này.
Nắng lên rồi, tôi nhìn thấy làn sinh khí mới len lỏi trong lòng mình. Tôi đã sẵn sàng cho điểm đến tiếp theo rồi đây. Ấy là đập thủy điện Ankroet.
Đập Ankroet nằm ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm Đà Lạt đâu chừng 16 km. Địa điểm này không phổ biến đối với những du khách thông thường, bởi nó không phải là một điểm đến du lịch, lại còn ở xa trung tâm và đường đi thì tương đối khó. Tuy nhiên, đối với du khách du lịch bụi tự túc, những ai yêu thích thiên nhiên và khám phá, thì đây là một trong những địa danh được yêu thích.
Để đến đập Ankroet, du khách phải đi theo hướng Suối Vàng, nghe tên hơi sờ sợ ha, vì trên đường bạn sẽ gặp những cột mốc chỉ đường đề: đường đi Suối Vàng. Người Việt mình ai mà không biết suối vàng (hoàng tuyền) là nơi nào, ha ha.
Ở thành phố du lịch Đà Lạt nổi tiếng này, các điểm tham quan nằm rải khác khắp nơi trong thành phố và ngoại ô, ở các huyện lân cận của tỉnh Lâm Đồng. Người ta hay chia ra các hướng tham quan khác nhau, trên mỗi hướng, tức mỗi cung đường sẽ tiện cho việc tham quan một số điểm gần kề. Có các hướng chung chung như sau, nếu nắm được những điểm tham quan nào tiện đường đi, thì sẽ dễ dàng hơn cho việc sắp xếp những nơi mà mình muốn tham quan trong ngày, đối với những bạn du lịch bụi tự túc:
1. Nội thành quanh hồ Xuân Hương: hồ Xuân Hương, vườn hoa Thành Phố, quảng trường Lâm Viên, nhà thờ Con Gà, chợ Đà Lạt, cafe Tùng, bức tường vàng tiệm bánh Cối Xay Gió, dốc Nguyệt Vọng Lầu, giáo xứ An Bình, kênh Ba Toa, dốc Nhà Bò,…
2. Hướng đi đèo Prenn: thác Prenn, thác Datanla, đồi Robin cáp treo, KDL Trúc Lâm Viên, thác Pongour, Dalat Milk; Dinh 3 (Dinh Bảo Đại), biệt thự Hằng Nga (Crazy House), hồ Tuyền Lâm, thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Tiệm Cà Phê Nhà Bên Suối, Đường Hầm Đất Sét, Rừng Lá Phong Đà Lạt,…
Tuy nhiên, hiện đèo Prenn đang đóng cửa để sửa chữa, nên nếu muốn tham quan một trong những địa danh này, du khách sẽ phải đi vòng theo lối xa hơn.
3. Hướng đi đồi chè Cầu Đất: ga Đà Lạt, đường ray Trần Quý Cáp, Dinh 2 (Dinh Bảo Đại), Dinh 1 (Dinh Bảo Đại), cafe Mây Lang Thang Acoustic, dốc Đa Quý (dốc mai anh đào Đa Quý), chùa Tàu (Thiên Vương Cổ Sát), chùa Linh Phước (chùa Ve Chai), Thánh Thất Đa Phước, vườn cà chua đen, Trại Mát – Khu quy hoạch Huỳnh Tấn Phát – Xóm Lèo (khu Nhà Đèn), đồi chè Cầu Đất, đèo Dran – cung đường ngắm hoa dã quỳ,…
4. Hướng đi đèo Tà Nung: Lăng Nguyễn Hữu Hào – thân phụ Nam Phương hoàng hậu, làng hoa Vạn Thành, Biệt Thự Giao Hưởng Xanh, trang trại nuôi Dế, nhà máy Dệt Tơ Tằm, Mê Linh Coffee Garden, thác Voi, chùa Linh Ẩn,…
5. Hướng đi Suối Vàng (núi Lang Biang). Cung đường này cùng hướng đi đến đồi Đa Phú, Thung Lũng Vàng, thiền viện Vạn Hạnh, nhà thờ Tùng Lâm, phân viện Sinh Học, đồi Thiên Phúc Đức, các vườn dâu tây, nhà thờ Thánh Mẫu (nhà thờ màu hồng), Thung Lũng Tình Yêu, XQ Sử Quán, khu du lịch (KDL) Lang Biang (Langbiang), Mộng Đào Nguyên, Cây Thông Cô Đơn, Ma Rừng Lữ quán, Làng Cù Lần,…
Quay trở lại với hành trình, từ chùa Bồ Đề, tôi tạm biệt không gian Phật giáo thanh tịnh để đến với những cảnh vật thiên nhiên nơi ngoại ô thành phố được nhìn thấy trên đường đi đến đập Ankroet. Tuyến đường gần hai mươi cây số này có những đoạn đường khá tốt, hai bên toàn là bụi cây dã quỳ, còn gọi là cúc quỳ. Mới tháng 6, dã quỳ chỉ có lá xanh. Thi thoảng mới thấy vài bông hoa vàng rực với những cánh muốt dài lấp ló, chẳng biết là hoa nở sớm của năm nay hay nở trễ từ mùa năm trước nữa.
Tôi nhủ thầm, nếu lại có dịp đến Đà Lạt vào đúng mùa hoa cúc quỳ nở rộ, nhất định tôi sẽ đi lại con đường này. Tưởng tượng ra cảnh hai bên đường vàng rực vì những bông hoa dại hoang hoải, trong lòng tôi không nén nổi cơn phấn khích bất chợt trỗi dậy…
(Còn tiếp)
Chú thích: loạt bài viết này là một ký sự du lịch, cũng thể coi là tạp bút du lịch, tản mạn du lịch hoàn toàn hư cấu, cho nên bạn đừng mất công tìm cái tên “Mây Mùa Hè Homestay” làm gì. Hư cấu mà!
>> Lữ khách độc hành ở Đà Lạt: chuyến đi trong mơ (4)