Đánh giá nhanh máy ảnh không gương lật (mirrorless) Fujifilm X-A10

 

Máy ảnh không gương lật (mirrorless) Fujifilm XA-10 kèm ống kính (lens kit) 16-50 mm được sản xuất từ tháng 12/2016, được cho là lựa chọn đáng giá trong dòng máy nghiệp dư. Trong bài viết này, An sẽ gửi vài lời đánh giá nhanh Fujifilm XA-10 qua trải nghiệm thực tế 1,5 năm của An.

Nếu theo dõi blog của An đủ lâu, bạn sẽ biết An là người thích chụp ảnh theo phong cách tự nhiên, và chủ yếu chụp ảnh trong quá trình du lịch. Do đó, An chỉ chú trọng chụp ảnh về phong cảnh, thiên nhiên cỏ cây hoa lá, ảnh đời thường (hay đời sống, streetlife).

An cũng không phải là người chạy theo công nghệ hay vật chất nói chung (một phần do tính cách cá nhân, mà cũng là bởi vì… không có khả năng tài chính để làm những thứ phù du phù phiếm hư ảo đó, he he!!!), nên mỗi khi An mua máy ảnh thì là bởi vì máy ảnh cũ đã hư hỏng, không còn giá trị hữu ích giúp An đạt được mục đích về sở thích chụp ảnh của mình. Chiếc máy ảnh không gương lật (mirrorless) Fujifilm XA-10 kèm ống kính (lens kit) 16-50 mm này tuy sản xuất đã lâu, nhưng An chỉ mới mua lại (mua hàng cũ á, đồ second-hand á) và sử dụng từ tháng 10/2020 cho đến khi viết bài này.

Như đã nói trên, mục đích sử dụng máy ảnh của An là chủ yếu chụp ảnh trong quá trình du lịch, nên khi tìm mua máy, An muốn có một chiếc máy gọn nhẹ (trước đó An dùng em Canon 500D, tuy là dòng máy bán chuyên nhưng cũng khá to và khá nặng), đầy đủ chức năng chụp ảnh và quay phim (thực ra chế độ quay phim thì An ít dùng máy ảnh để quay, mà dùng điện thoại nhiều hơn). An cũng chỉ tìm chiếc máy có khả năng chụp đa dạng thể loại, đặc biệt là ảnh phong cảnh, đời thường, nên cũng chỉ xài ống kính đi kèm thân máy. Lúc tìm mua máy, lướt lướt dạo dạo các hội nhóm bán máy đã qua sử dụng, thì thấy chiếc Fujifilm XA-10 màu hồng nhẹ nhàng (gam pastel) này, gam màu mà An thích. Đó lại là dòng máy mà lúc mới ra, An từng đọc thông tin và bị thu hút bởi kiểu dáng hoài cổ (kiểu vintage, retro á), xinh xinh.

Sau đó, An hẹn gặp người bán xem máy qua. Thật ra, An không rành về máy móc điện tử gì đâu. Xem cho có lệ, coi “ngoại hình” máy có ổn không, trầy xước te tua quá không (vì máy xài rồi mà!), ống kính có bị rễ tre hay không, chụp thử xem có được không. Xem là chốt hạ lấy máy luôn. An mua cũ lúc đó tầm 4 triệu, trong khi giá bán máy mới năm 2019 khoảng 5,7 triệu. Máy cũ An mua có đầy đủ ống kính đi cùng (lens kit) 16-50 mm, cáp sạc, thẻ nhớ, loa che nắng (lens hood), túi xách đựng máy. Nên An nghĩ giá vậy cũng ổn!

Máy ảnh không gương lật (mirrorless) Fujifilm XA-10 kèm ống kính (lens kit) 16-50 mm

Rất hên là tuy mua máy cũ, từ người chủ không quen biết, nhưng máy xài rất ổn cho tới thời điểm này. Và sau 1,5 năm dùng qua Fujifilm XA-10, An có vài lời đánh giá dựa trên trải nghiệm thực tế như sau (An không phải dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nên nếu có gì sai trái, dùng sai từ, kiến thức sai, thì nếu bạn nào đọc được mà có sự hiểu biết, hãy nhắc nhở giùm An nghen!):

Ưu điểm:

1. Cực kỳ gọn nhẹ. An thích gọn nhẹ vì An hay đi du lịch bụi, cần hành lý gọn nhẹ. Mà nếu có bay thì cũng chỉ dùng hành lý đi kèm gói gọn 7 kg nên hành lý càng gọn nhẹ càng tốt. Mà máy ảnh nhỏ thì có thể dễ dàng bỏ ba lô hay túi xách đeo bên mình, người ngoài không biết mình mang theo máy ảnh, vừa tránh gây chú ý (nhất là bọn tội phạm), vừa có thể nhanh chóng lấy máy ra “tác nghiệp” mà ít gây khó chịu hơn là dùng máy lớn cồng kềnh. Chiếc Fujifilm XA-10 này có cân nặng chỉ hơn 300 gr (bao gồm cả pin và thẻ nhớ), nếu tính thêm ống kính thì chắc chỉ nặng hơn nửa kg thôi!

Bên cạnh đó, so với dòng máy ảnh bán chuyên (thứ mà nhiều bạn vẫn gọi là máy cơ) thì chức năng chụp ảnh của dòng máy không gương lật (mirrorless) như Fujifilm XA-10 có chức năng chụp ảnh tương đương. Vì sử dụng công nghệ không gương lật nên thân máy mới được gọn nhẹ như vậy!

2. “Ngoại hình” đẹp kiểu nữ tính. Bất cứ ai nhìn thấy chiếc Fujifilm XA-10 màu cẩm hường nhẹ nhàng thanh thoát của An cũng khen đẹp hết á. Thậm chí có lần An đi chùa, có sư nhìn thấy cũng buột miệng khen máy đẹp mà!

3. Ống kính đi kèm thân máy 16-50 mm đáp ứng vừa đủ nhu cầu chụp ảnh đa dạng của An, từ ảnh phong cảnh cho tới thiên nhiên, ảnh kiến trúc cho tới ảnh đời thường, ẩm thực, hay cả chân dung.

4. Chất lượng ảnh của Fujifilm XA-10 khá tốt. Ảnh có sự sắc nét rõ ràng như dòng máy Nikon chuyên trị phong cảnh, nhưng màu sắc vẫn mượt mà nhẹ nhàng như dòng Canon chuyên trị chân dung. Khi sử dụng chế độ phóng lớn hết cỡ (zoom xa) từ ống kính 16-50 mm thì ảnh cho ra vẫn khá rõ nét, không bị nhiễu hạt, nhòe nhoẹt.

5. Máy Fujifilm XA-10 có cảm biến 16MP (megapixel, thường gọi là 16 chấm, tức 16 triệu điểm ảnh). Với cảm biến này thì khi cần phóng ảnh khổ lớn ra, ảnh vẫn cho chất lượng hoàn hảo. Dù rằng bản thân An thì chỉ dùng ảnh cho việc viết blog, đăng Instagram hay Facebook, nên cũng không cần đến máy quá nhiều chấm. Nhưng cái lợi của máy ảnh có cảm biến lớn là khi cần, ta có thể cắt xén ảnh, lược bỏ những chi tiết không cần thiết, chỉ giữ lại những gì quan trọng, thì phần ảnh giữ lại đó, vẫn có kích thước lớn với chất lượng ổn.

6. Độ nhạy sáng – ISO (International Organisation for Standardisation – Tổ chức Chuẩn hóa Quốc tế) của Fujifilm XA-10 rất cao, từ 100 cho đến 25600, nên có thể cho ra ảnh có chất lượng chấp nhận được trong điều kiện trời rất tối (thiếu sáng), khi cài đặt ISO cao.

7. Vì thuộc dòng máy Fujifilm, máy ảnh Fujifilm XA-10 có các chế độ giả lập màu phim (film simulation) khá hay ho. Kiểu như các ứng dụng (app) chỉnh sửa ảnh trên điện thoại, loại có sẵn lớp chỉnh màu khi ta bỏ ảnh gốc vào á!

8. Và đây là điểm An thích nhất ở Fujifilm XA-10, đó chính là tích hợp Wifi (kiểu mạng nội bộ của máy). Qua đó, ta có thể kết nối máy ảnh và điện thoại lại với nhau thông qua ứng dụng Cam Remote của Fujifilm (app tải và cài vô điện thoại). Với chức năng này, An thường sử dụng để bấm tự chụp ảnh khi đi du lịch một mình, sau khi đặt máy ảnh hẹn giờ, thì chỉ cần bấm chụp bằng điện thoại. Và chụp xong, thì có thể chép ảnh từ máy ảnh qua điện thoại, gửi cho người khác hay đăng trên mạng liền (nếu muốn).

Hình như chức năng này, một số dòng máy ảnh khác có thể thực hiện được thông qua loại thẻ nhớ đặc biệt, nhưng An không rành lắm!

Nhược điểm:

1. So với dòng máy có gương lật (mà mọi người vẫn hay gọi là máy cơ á), thì em Fujifilm X-A10 này không được ở khoản bấm chụp rất chậm, kiểu không nhạy á. Khi bấm phải mạnh và vững tay và giữ hơi lâu một xíu, nếu không giữ vững máy, mà bấm chụp xong thả ra liền, thì ảnh sẽ chưa “dính”, hoặc sẽ bị mờ, nhòe, nhất là khi chụp ở chế độ M (manual), trong điều kiện thiếu sáng, hoặc chụp vật chuyển động.

2. Dòng máy Fujifilm X-A10 tuy là có các màu phim kiểu hoài cổ, xưa cũ khá hay, nhưng đó vừa là ưu thế, cũng lại là nhược điểm, không thể cho ra những bức ảnh có màu sắc chân thực, kiểu nhìn ngoài sao thì ảnh vậy.

3. Máy Fujifilm X-A10 không thể chụp được những bức ảnh chân dung đẹp mắt, hút hồn, nếu so với Canon 500D mà mình từng dùng. Với ống kính 16-50 mm đi kèm thì khi sử dụng chế độ zoom hết cỡ vẫn không thể nào xóa phông tốt được, không tạo được chiều sâu của bức ảnh.

4. Chế độ lấy nét khi sử dụng zoom xa với ống kính 16-50 mm cũng rất khó để bắt nét vào chủ thể, mà thường bị out nét (không nét vào chủ thể), đặc biệt là khi cần chụp cận cảnh hoa lá cỏ.

Vì An chỉ dùng máy ảnh Fujifilm X-A10 với ống kính cơ bản 16-50 mm, chưa sử dụng cùng các ống kính chuyên dụng như ống chụp chân dung, chụp cận (macro), hay chụp xa (tele), nên không biết chất lượng ảnh cho từng chủ đề qua Fujifilm X-A10 có ổn hay không. Nếu có cơ hội, mình cũng muốn thử.

Trên đây là những đánh giá nhanh, sơ lược về chiếc máy ảnh Fujifilm X-A10 cùng ống kính 16-50 mm. An nghĩ, với mức giá rất ổn, kiểu dáng đẹp, dễ sử dụng, dùng cho nhiều thể loại ảnh, thì đây là chiếc máy ảnh nên mua dành cho những bạn không chuyên nhưng có nhu cầu chụp ảnh nhiều khi đi du lịch.

Dưới đây là một số ảnh An chụp bằng máy ảnh Fujifilm X-A10 với ống kính cơ bản 16-50 mm:

Chế độ M (manual mode), giả lập màu phim Provia, f/10 (aperture, khẩu độ), 1/25 sec. (second – giây, chỉ tốc độ), ISO-200 (độ nhạy sáng)

Chế độ M, giả lập màu phim Provia, f/22, 42.88 sec., ISO-200

Chế độ M, giả lập màu phim Velvia, f/6.4, 1/13 sec., ISO-800

Chế độ M, giả lập màu phim Velvia, f/10, 1/250 sec., ISO-200

Chế độ M, giả lập màu phim Velvia, f/8, 1/8 sec., ISO-200

Chế độ M, giả lập màu phim Provia, f/8, 1/400 sec., ISO-400

Chế độ chân dung (portrait mode), giả lập màu phim Provia, f/5.3, 1/350 sec., ISO-400

À, mình mới biết thêm có một ứng dụng điện thoại (app) Fuji X Weekly – Film Recipes, bao gồm nhiều công thức các loại màu phim cho phép chỉnh ngay trên máy ảnh trước khi bấm máy, xài miễn phí (chỉ trừ một vài công thức là có tính phí; nhưng các công thức miễn phí cũng đa dạng và đủ ưng ý rồi). Có điều khi chỉnh nên chuyển sang ngôn ngữ tiếng Anh cho dễ cài đặt. Đa số các công thức này dành cho dòng Fujifilm TX, trong khi mình đang dùng loại X-A10 cực kỳ rẻ tiền, thuộc loại cổ lỗ của Fuji mirrorless. Nhưng không sao, một số tính năng khi chỉnh không có thì bỏ qua, có gì xài nấy, cũng ra các tông màu khác nhau, đỡ phải chụp xong rồi mới xài thêm 7749 app chỉnh ảnh khác, làm giảm đi chất lượng ảnh.

Tuỳ vào mắt nghệ thuật của mỗi người, tuỳ vào thời tiết, khung cảnh, điểm đến, chủ thể, chủ đề, và cả tâm trạng, sở thích cá nhân nữa, mà người dùng Fuji X Weekly có thể chọn các công thức khác nhau. Lại cũng có thể tự mình biến thêm từ các công thức chỉnh màu có sẵn. Như đã chia sẻ nhiều lần, mình chơi ảnh theo kiểu “con nhà nghèo”, không dựa vào các loại “đồ chơi” tốn kém, mà theo kiểu tận dụng tối đa những gì đang có. Bởi theo mình, điều làm nên một bức ảnh đẹp không phải là từ máy ảnh đắt tiền, không phải bằng những kỹ thuật cao siêu, chỉnh sửa be bét sai lệch sự thật, mà là vì câu chuyện, nội dung ẩn giấu sau bức ảnh. Và trên hết, có thể một bức ảnh chẳng có chủ đề gì cả, nhưng nếu nó mang lại những cảm xúc đặc biệt khó quên cho người xem, thì đó đã là một thành công lớn của người cầm máy rồi.

Ở đây có bạn nào cũng đã và đang xài Fuji, nếu có trải nghiệm hay ho, hay các bí kíp, cao kiến gì khác, mời bạn chia sẻ với nha!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *