Tổng hợp những ngôi chợ thú vị ở thành phố Hồ Chí Minh

 

Trong hạn chế của bài viết này, cùng điểm qua một số ngôi chợ lý thú và đặc sắc của thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) nghen!

Các bạn có đồng ý rằng, để hiểu rõ hơn về nét văn hóa, phong tục tập quán, hay xem xét tình hình kinh tế, mức sống và sự an cư của bộ phận người dân tại một địa phương nào đó, cách nhanh nhất và tốt nhất là hãy tìm đến những ngôi chợ? Thật vậy, cảnh buôn bán tấp nập nhộn nhịp hay vắng vẻ đìu hiu của một ngôi chợ địa phương sẽ phản ánh rõ nét tình hình kinh tế của khu vực, đồng thời, những phong tục tập quán, lề thói văn hóa, lối sống, ngôn ngữ vùng miền,…, tất cả đều sẽ phơi bày trước mắt.

Trong hạn chế của bài viết này, mời bạn cùng điểm qua một số ngôi chợ thú vị và độc đáo ở Sài Gòn. Nếu có dịp thì mời bạn ghé thăm, vừa tham quan mua sắm, vừa thưởng thức món ăn đường phố hấp dẫn, vừa có cơ hội học hỏi và khám phá những điều hay mới lạ.

1. Chợ Bến Thành

Nhắc đến Sài Gòn, không thể không nhắc đến chợ Bến Thành – ngôi chợ biểu tượng không chính thức của thành phố. Và không chỉ đóng vai trò là một ngôi chợ, đây còn là một kiến trúc cổ kính giữa trung tâm thành phố, chất chứa bao dấu ấn của lịch sử và thời gian.

Được khởi công xây dựng từ năm 1912, chợ Bến Thành của hiện tại nằm giữa các con đường Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh – Lê Thánh Tôn – Công Trường Quách Thị Trang, thuộc phường Bến Thành, quận 1. Cổng chính của chợ Bến Thành, nơi nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang với biểu tượng ngôi tháp đồng hồ ba mặt, còn được gọi là Cửa Nam. 3 cổng chính còn lại là Cửa Đông (trên đường Phan Bội Châu), Cửa Tây (đường Phan Chu Trinh), vừa Cửa Bắc (đường Lê Thánh Tôn). Ngoài ra, chợ Bến Thành còn có 12 cửa phụ tỏa ra nhiều hướng.

Với diện tích trên 13.000 m2, chợ Bến Thành chủ yếu bán các mặt hàng quần áo, vải sơi, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, thực phẩm tươi sống, trái cây và hoa tươi. Ngoài ra, chợ còn nức tiếng bởi một số món ăn ngon như: cơm tấm, bún mắm, bún bò Huế, bún riêu, bún mọc, bánh canh cua, bánh bèo Huế, gỏi cuốn, chè,…

Ngày nay, ngoài công năng họp chợ buôn bán (vào ban ngày chợ họp bên trong, còn buổi tối có chợ đêm Bến Thành ở khu vực phía ngoài), chợ Bến Thành là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và phải tham quan (must-see) dành cho du khách khi đến với Sài Gòn.

2. Chợ Tân Định

Chợ Tân Định nằm ở số 336 đường Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1. Được coi là ngôi chợ cổ kính từ thời Pháp thuộc khi được hình thành vào năm 1926, chợ Tân Định vẫn giữ được những nét độc đáo và vị trí độc tôn của ngôi chợ nơi trung tâm của một thành phố có mật độ dân số đông đúc và mức sống khá cao.

3. Chợ Dân Sinh

Chợ Dân Sinh nằm ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh với 4 con đường bao quanh là đường Yersin, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ, và Ký Con, quận 1, với tổng diện tích đất rộng hơn 5.000 m2. Tiền thân của chợ Dân Sinh là khu dân cư Kim Chung sầm uất. Đến năm 1954, chợ Kim Chung đổi tên thành chợ Dân Sinh.

Đây được xem là ngôi chợ cơ khí giữa lòng Sài Gòn. Cư dân Sài Gòn thì thường gọi chợ Dân Sinh là chợ lạc-xoong, bởi ngôi chợ này bán hầu như không thiếu thứ gì, như các loại sản phẩm phục vụ sản xuất và tiêu dùng như hàng điện tử, gia dụng, thiết bị bảo hành, bảo trì và phụ tùng ô tô – mô tô: gạt nước, kính chiếu hậu, nẹp ngang xe, biển số; thiết bị điện; công cụ cầm tay bằng điện; máy bơm nước; xe nâng, xe đẩy, thiết bị nâng chuyển và thiết bị công nghiệp khác,…

Những người ưa thích du lịch thể thao mạo hiểm khám phá thiên nhiên thường tìm đến chợ Dân Sinh để mua các món “đồ chơi” như: bình bi-đông, đồ nấu ăn quân đội, dao đi rừng,… Còn đối với du khách nước ngoài, chợ Dân Sinh rất đặc biệt mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác chính là những món kỷ vật chiến tranh.

4. Chợ Cũ Tôn Thất Đạm

Chợ Cũ Tôn Thất Đạm nằm trên đường Tôn Thất Đạm, thuộc phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem là ngôi “chợ nhà giàu” sầm uất giữa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, chính quyền đang có phương án sẽ giải tỏa chợ trong năm 2022 này.

5. Chợ Bình Tây (chợ Lớn)

Chợ Bình Tây thuộc quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Chợ tọa lạc trong khu vực Chợ Lớn (khu có nhiều cộng đồng người Hoa sinh sống, gồm toàn bộ quận 5, quận 6 và một phần quận 11) nên chính bản thân nó cũng thường được gọi không chính thức là chợ Lớn. Chợ Bình Tây nằm trong khuôn viên rộng 25.000 m2, nằm giữa 4 tuyến đường là đường Tháp Mười – Lê Tấn Kế – Phan Văn Khỏe – Trần Bình. Chợ có mặt bằng hình chữ nhật, gồm 12 cổng (cả chính lẫn phụ).

Chợ Bình Tây do một thương gia người Hoa là Quách Đàm (còn gọi là Thông Hiệp) bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1928 rồi tặng cho chính quyền thành phố lúc bấy giờ, khánh thành năm 1930. Đổi lại, ông chỉ xin xây dựng thêm mấy dãy nhà phố xung quanh chợ và đặt tượng mình giữa chợ khi mất. Phố và nhà lồng chợ do nhà thầu danh tiếng – Công ty Tàu Cuốc (công ty Xáng) Đông Dương xây dựng. Chợ Bình Tây được xây dựng mang phong cách kiến trúc Á Đông nhưng ứng dụng những kỹ thuật hiện đại phương Tây đương thời, được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn.

Chợ Bình Tây là đầu mối sỉ hàng hóa lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Hàng hóa ở đây được đưa đi phân phối khắp nơi trong cả nước, thậm chí bán sỉ sang thị trường Campuchia và nhiều nước khác. Vào năm 2015, chợ Bình Tây được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày nay, du khách tham quan khu phố Hoa của Sài Gòn thường không thể bỏ qua chợ Bình Tây (mà mọi người vẫn quen gọi là chợ Lớn). Cùng giống như đã đến quận 1 thì nên ghé thăm chợ Bến Thành vậy!

6. Chợ Thiếc

Chợ Thiếc có cổng chính nằm trên đường Phó Cơ Điều, thuộc phường 6, quận 11, là một ngôi chợ khá thú vị của Sài Gòn bởi chuyên bán vàng cho khách bình dân, nhất là vào các ngày vía Thần Tài (mồng 10 âm lịch hàng tháng). Ngoài ra, đây cũng là một ngôi chợ nhỏ nổi tiếng của khu phố người Hoa tại Sài Gòn vì có khu ẩm thực đường phố nhộn nhịp với các món hấp dẫn như: súp cua, mì xá xíu, hoành thánh, chè Hoa, cà phê vợt,…

7. Chợ Phùng Hưng (chợ Thủ Đô, chợ dù)

Chợ Phùng Hưng nằm trên đường Phùng Hưng, thuộc phường 14, quận 5, trong khu phố Hoa của thành phố Hồ Chí Minh. Do nằm cạnh rạp hát Thủ Đô trên đường Châu Văn Liêm, nên chợ còn được gọi là chợ Thủ Đô, hay “chợ nhà giàu” vì giá cả khá đắt đỏ so với các chợ khác. Và nếu đứng ở trên một chung cư cũ kỹ quanh chợ nhìn xuống, chỉ thấy toàn dù là dù, những chiếc dù che nắng mưa tối màu rất đồng bộ, nên giới chuyên chụp ảnh đường phố Sài Gòn còn gọi vui đây là “chợ dù”.

Chợ Phùng Hưng là một địa điểm không thể thiếu dành cho dân yêu thích nhiếp ảnh để có những bộ ảnh chân dung hay ảnh đời thường, đường phố “để đời”. Sự lộn xộn, ồn ã của một khu chợ trong khu phố người Hoa sầm uất, những ngôi nhà dân xung quanh chợ cũng cũ cũ, in dấu thời gian, là những “chất liệu” sáng tác nghệ thuật tuyệt vời.

Bên cạnh đó, đến chợ Phùng Hưng tầm chiều tối, đi vào khu ẩm thực của chợ, du khách sẽ không cưỡng nổi những món ăn đường phố đặc sắc và hấp dẫn của nơi này: há cảo, phá lấu, hàu chiên trứng, xôi, chè,… Đặc biệt, quán cà phê vợt nổi tiếng trong khu phố người Hoa – cà phê vợt Ba Lù cũng nằm trong ngôi chợ này (nghỉ bán sau 17g).

8. Chợ Xóm Vôi

Chợ Xóm Vôi nằm trên đường Trang Tử, thuộc phường 14, quận 5, cũng trong khu phố Hoa, thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây bán rất nhiều loại trái cây tươi ngon.

9. Thương xá Đồng Khánh (chợ vải Soái Kình Lâm)

Thương xá Đồng Khánh, hay còn gọi là chợ Soái Kình Lâm, nằm trên đường Trần Hưng Đạo B, thuộc phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Nơi này được xem là ngôi chợ bán vải lâu đời và rẻ nhất ở Sài Gòn.

Một ngày dạo bước trong khu phố người Hoa tại quận 5, du khách không thể không lang thang đến chợ vải Soái Kình Lâm để hòa nhịp vào dòng người buôn bán tấp nập…

10. Chợ Đại Quang Minh

Chợ hay thương xá Đại Quang Minh nằm tại khu phố người Hoa của Sài Gòn, ở số 31-33-35 đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5. Đây là ngôi chợ hàng đầu về các nguyên phụ liệu may mặc, phụ kiện handmade,…

11. Chợ Kim Biên

Chợ Kim Biên tọa lạc tại số 37 đường Vạn Tượng, phường 13, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Chợ Kim Biên được thành lập vào khoảng năm 1960, chuyên đầu mối các hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm. Ngoài ra, ở đây cũng có bán các linh kiện máy móc điện tử hay mặt hàng thời trang.

12. Chợ Xã Tây

Chợ Xã Tây nằm ở số 36 đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là một ngôi chợ nhỏ địa phương cũ kỹ và xinh xắn, một kho “chất liệu sáng tác” cho những ai yêu nghệ thuật nhiếp ảnh đường phố khi ghé qua khu phố người Hoa của Sài Gòn.

13. Chợ Hà Tôn Quyền (chợ vật tư Hà Tôn Quyền, chợ sắt Hà Tôn Quyền)

Chợ Hà Tôn Quyền nằm trên đường Hà Tôn Quyền, thuộc phường 15, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chợ này còn được gọi bằng cái tên dân dã là chợ vật tư, hay chợ sắt Hà Tôn Quyền bởi chợ chuyên kinh doanh sắt, thép, đồng, nhôm,…

À, con đường Hà Tôn Quyền còn được gọi là con đường sủi cảo bởi ở đây có nhiều quán sủi cảo, há cảo lúc nào cũng đông khách.

14. Chợ Vườn Chuối

Chợ Vườn Chuối nằm ở số 428 Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Chợ có bán đầy đủ các mặt hàng, từ quần áo, vải vóc cho đến đồ ăn, mỗi khu được phân chia khá hợp lý.

15. Chợ Bàn Cờ

Chợ Bàn Cờ nằm ở số 664 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đây từ lâu là một nơi lui tới ưa thích của dân ghiền đồ si (đồ đã qua sử dụng). Ngoài ra, chợ cũng có bán nhiều món ngon như: gỏi cuốn, phở chua, mì sườn kho, bún bì, cháo Tiều,…

16. Chợ Bà Chiểu

Chợ Bà Chiểu là một chợ lớn toạ lạc tại khu vực trung tâm quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, với cổng chính nằm trên đường Phan Đăng Lưu. Chợ được xây dựng từ năm 1942 bởi ông Trần Văn Chơi (biệt danh là ông Tư Chơi), với tổng diện tích 8.465 m2, mãi cho đến năm 1987 thì được nâng cấp và sửa chữa. Chợ Bà Chiểu được chia làm 8 khu chính, bố trí cho gần 800 hộ kinh doanh 40 ngành hàng. Nơi đây bày bán mọi loại sản phẩm từ đồ gia dụng, quần áo, giày dép, nón lá tới nhu yếu phẩm hàng ngày và đặc biệt là đồ si.

Vào ban đêm, khu chợ đêm Bà Chiểu được bày bán bên ngoài cũng thu hút khá nhiều khách hàng bởi các mặt hàng quần áo, giày dép,…

17. Chợ Bà Hoa

Chợ Bà Hoa nằm trên đường Trần Mai Ninh, thuộc phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là ngôi chợ được mệnh danh “Quảng Nam thu nhỏ” giữa lòng Sài Gòn, bởi chợ bán rất nhiều đặc sản của Quảng Nam như: bánh đập, mì Quảng, chả bò, mắm nêm,…

Về chiều tối, khu ẩm thực của chợ Bà Hoa trở nên xôm tụ và đông vui hơn hẳn bởi các món ngon hấp dẫn được bày bán như: ốc, bánh xèo, bánh bèo, bánh bột lọc,…

18. Chợ Tân Bình

Nếu tìm một nơi để lấy quần áo sỉ về bán, mời bạn đến với chợ Tân Bình. Chợ thuộc địa phận phường 8, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Chợ có 9 cửa, gồm 4 cửa lớn và 5 cửa nhỏ, trong đó, cửa chính nằm trên đường Lý Thường Kiệt, với tổng diện tích 22.800 m2.

Ngoài ra, chợ Tân Bình còn nổi tiếng ở Sài Gòn bởi chuyên bán sỉ lẻ các loại vải vóc, trang phục và phụ kiện đám cưới.

19. Chợ Phạm Văn Hai

Chợ Phạm Văn Hai tọa lạc trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, với tổng diện tích khoảng 11.288 m2. Chợ được biết đến như là “thiên đường thời trang” dành riêng cho phái đẹp, với các mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng đa dạng, phong phú, chất lượng vừa phải cùng một mức giá dễ chịu.

Bên cạnh đó, chợ Phạm Văn Hai có riêng một khu chuyên bán thực phẩm Hàn Quốc, nên được gọi là “góc chợ Hàn Quốc”. Khu vực xung quanh chợ Phạm Văn Hai – đường Phạm Văn Hai cũng khá nổi tiếng với người Sài Gòn bởi các dịch vụ liên quan tới cưới hỏi như: studio trang điểm chụp ảnh cưới, cho thuê đồ cưới,…

20. Chợ Hạnh Thông Tây

Chợ Hạnh Thông Tây tọa lạc trên đường Quang Trung, thuộc địa phận quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài họp chợ ban ngày trong các sạp hàng, khu chợ đêm Hạnh Thông Tây bên ngoài khá hấp dẫn người đi mua sắm, chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng, công nhân bởi các mặt hàng quần áo thời trang, giày dép, mũ nón, túi xách,…

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *