Du lịch bụi Tây Ninh: hồ Dầu Tiếng và hoàng hôn nhìn từ đường Bờ Hồ

 

Gửi đến độc giả những hình ảnh về hồ Dầu Tiếng, địa phận tỉnh Tây Ninh vào thời khắc buổi trưa và hoàng hôn cuối ngày, nhìn từ đường Bờ Hồ.

Hồ Dầu Tiếng là một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn 3 tỉnh Bình Dương (huyện Dầu Tiếng), Tây Ninh (huyện Dương Minh Châu, huyện Tân Châu), và Bình Phước (huyện Hớn Quản). Hồ được hình thành do chặn dòng thượng nguồn sông Sài Gòn, là hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt hồ lên đến 270 km², ngoài việc điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, nhiệm vụ chính của hồ Dầu Tiếng là tưới tiêu trực tiếp cho trên 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Long An, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khía cạnh du lịch bụi, bạn có thể theo Google Maps để đến được các điểm dừng chân ven hồ Dầu Tiếng, hay kết hợp thêm các điểm tham quan ở xung quanh đó, như: đường Bờ Hồ (đường đê dọc theo hồ thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), ngọn hải đăng hồ Dầu Tiếng (nơi có cây cầu nhỏ xinh dẫn ra một công trình nhỏ mà các bạn trẻ hay gọi là ngôi nhà đèn màu hồng), khu cắm trại công cộng hồ Dầu Tiếng – Camping Hồ Dầu Tiếng, bãi Đá Trứng, đầm bông súng ở cửa đập phụ số 2, làng chài ở ấp B4, xã Phước Minh, Đồng Sến Farmstay (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), suối Trúc, chùa Thái Sơn Núi Cậu, làng tre Phú An, Thủy Hoa Viên – chùa Tây Pháp (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh),…

Nếu là người có tình yêu lớn với nền ẩm thực, bạn có thể thưởng thức các món đặc sản lòng hồ (cá lăng, mắm chua từ cá cơm lòng hồ,…) ở các quán ăn ven hồ. Ăn xong thì có thể tìm các quán cà phê võng mát rượi ngay bên bờ hồ để nghỉ ngơi. Thực sự là những trải nghiệm thú vị và đáng giá!

Trong bài viết này, mời bạn xem qua những bức ảnh ghi lại ở hồ Dầu Tiếng, địa phận huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh vào hai thời điểm trong ngày: buổi trưa, và khoảnh khắc hoàng hôn nhìn từ đường Bờ Hồ.

Đường Bờ Hồ (đường đê) ven hồ Dầu Tiếng ban trưa

Một đàn trâu mải mê gặm cỏ.

Nghe người chủ của đàn trâu nói tổng cộng có hơn trăm con, chia nhau ăn rải rác khắp các đồng cỏ ở xung quanh.

Mê mấy biểu cảm ngờ nghệch, ngây ngô của các em trâu, nghé quá chừng, nên cứ xúm vô chụp ảnh liên tục!

Gần kết thúc năm Tân Sửu, đi chơi gặp cả đàn trâu, âu cũng là một cái duyên, hĩ?

Công trình hồng nhỏ nhỏ ở xa là ngọn hải đăng hồ Dầu Tiếng (ngôi nhà đèn màu hồng), còn công trình mới hơn, cũng màu hồng ở gần có lẽ là điểm tham quan mới nào đó, hoặc là nhà hàng. Tuy nhiên, cả hai công trình này do dịch (COVID-19) nên đang đóng cửa.

Một bến thuyền của ngư dân ngay ven hồ

Đoạn này lục bình xanh rờn khắp mặt hồ. Xa xa là quần thể núi Cậu (Bình Dương). Theo lời người dân địa phương, địa danh núi Cậu bắt nguồn từ việc núi này nối liền với dãy núi Bà ở Tây Ninh, nhưng vì thấp và nhỏ hơn núi Bà nên được gọi là núi Cậu. Quần thể núi Cậu gồm 21 ngọn lớn nhỏ có dạng hình chữ U, tổng diện tích hơn 1.600 ha, cao nhất là núi Cửa Ông cao 295 m so với mực nước biển, núi Ông cao 285 m, núi Tha La cao 198 m, và núi thấp nhất là núi Chúa cao 63 m.

Nghỉ trưa trong một quán cà phê võng ở ven hồ (đối diện đường Bờ Hồ).

Một quán võng khác ở kề đó.

Chiều buông!

Ngước lên là những tán lá tràm keo

Đi chơi xa mà hư giày dọc đường nên mua đại đôi dép nhựa “huyền thoại”.

Trở lại đường đê để đợi ngắm hoàng hôn…

Núi Bà Đen ở hướng đối diện dãy núi Cậu.

Mặt trời dần lặn…

Nhìn lại quần thể núi Cậu bên hồ Dầu Tiếng vào khoảnh khắc cuối ngày.

Và hình ảnh núi Bà Đen ở cuối đường Bờ Hồ…

Đi chơi mùa dịch chỉ nhẹ nhàng trong ngày vậy thôi. Tạm biệt nha, và hẹn gặp lại!

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *