Du lịch bụi Đồng Nai: chơi gì ở cù lao Phố?

 

Bài viết sẽ tổng hợp những địa danh tham quan du lịch tại cù lao Phố (tức phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) của tỉnh Đồng Nai.

Cù lao Phố, hay Đông Phố, Giản Phố, Cù Châu, Nông Nại Đại Phố, là một cù lao được bao bọc bởi hai nhánh của sông Đồng Nai, về hành chính hiện nay là phường Hiệp Hòa, thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Sông Đồng Nai chảy đến một khúc quanh, dân địa phương gọi là sông Hương Phước, thì tự chia ra làm hai nhánh ôm trọn một dải đất sa bồi. Dải đất đó chính là cù lao Phố, nằm ở phía Đông Nam của thành phố Biên Hòa.

Người có công lớn trong việc phát triển vùng cù lao Phố chính là Trần Thượng Xuyên (tự Trần Thắng Tài, năm sinh chưa rõ, mất năm 1720), nguyên là tổng binh ba châu Cao-Lôi-Liêm dưới triều Minh (Trung Quốc), bởi không chịu làm tôi nhà Thanh nên đã dẫn thuộc hạ sang thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần vào năm 1679, và được cho vào đây cư trú.

Ban đầu nhóm người Trần Thượng Xuyên đến vùng Bàn Lân (nay thuộc thành phố Biên Hòa) lập nghiệp. Khi đó, vùng đất này còn là rừng rú hoang sơ. Vốn là người ở vùng Đông Nam Trung Quốc, thạo nghề mua bán và công nghệ, họ đã phát hiện ra cù lao Phố, một bãi sa bồi hoang sơ nằm giữa sông Hương Phước. Tuy nằm cách biển nhưng là nơi sông sâu, nước chảy, có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, xuôi về phía Nam thì có thể ra biển Cần Giờ hay sang tận Cao Miên (Campuchia ngày nay).

Nhờ sự phát hiện vùng đất sa bồi đó, một phần lớn nhóm người Trần Thượng Xuyên đã chuyển từ Bàn Lân đến cù lao Phố. Cùng với nhóm lưu dân người Việt đến trước, Trần Thượng Xuyên và lực lượng của mình đã tiến hành khai khẩn với quy mô lớn. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu ông đã biến vùng đất hoang sơ trở thành một thương cảng, là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định (tức Nam bộ ngày nay). Từ đó kéo theo sự phát triển của những ngành nghề thủ công khác như: nghề dệt chiếu, tơ lụa, làm gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, làm đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo,…

Theo dòng chảy của lịch sử, vùng cù lao Phố dần suy tàn sau 97 năm thịnh vượng (1679-1776), đánh mất vai trò là trung tâm thương mại của Đàng Trong, để lại tiếc nuối cho người đời sau.

Hiện nay, cù lao Phố được thay bằng tên gọi là phường Hiệp Hòa. Nơi đây có thời tiết mát mẻ dễ chịu, không khí bình yên hiền hòa, rất thích hợp cho các chuyến tham quan ngắn từ những khu vực lân cận.

Cầu Hiệp Hòa bắc qua sông Cái của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nối phường Thống Nhất và phường Hiệp Hòa (tức cù lao Phố khi xưa).

Đình Bình Kính – di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở cù lao Phố

Chùa Ông (Thất Phủ Cổ Miếu) hơn 300 năm tuổi trên cù lao

Đại Giác Cổ Tự (chùa Phật Lớn), ngôi chùa cổ trên cù lao Phố gắn với thiên tình sử ngang trái và cảm động của Ngọc Anh – công chúa thứ ba của Nguyễn Ánh, và thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành.

Cầu Ghềnh (hay còn gọi là cầu Gành, cầu Đồng Nai Lớn), là một cầu sắt bắc qua sông Cái, nối phường Bửu Hòa và phường Hiệp Hòa (tức cù lao Phố) của thành phố Biên Hòa, phục vụ cho tuyến đường sắt Bắc – Nam thuộc khu gian Biên Hòa – Dĩ An tại lý trình 1699+860. Đây là cây cầu do người Pháp xây dựng từ năm 1901, khánh thành năm 1904, để dành đi chung cho giao thông đường bộ và đường sắt với hai phần bên hông dành cho xe hai bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Trong suốt hơn 100 năm tồn tại, cầu Ghềnh đã tạo thành dấu ấn đặc biệt cho mảnh đất lịch sử Đồng Nai và trở thành biểu tượng của thành phố Biên Hòa.

Dưới đây là tổng hợp một số địa danh du lịch tham quan tại cù lao Phố, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho độc giả tham khảo:

  • Cầu Ghềnh (cầu Gành, cầu Đồng Nai Lớn)
  • Đại Giác Cổ Tự (chùa Phật Lớn)
  • Hoàng Ân Cổ Tự (chùa Hoàng Ân)
  • Thất Phủ Cổ Miếu (chùa Ông)
  • Chùa Chúc Thọ (chùa Thủ Huồng, chùa Chúc Đảo)
  • Chùa Phước Hội
  • Chùa Phước Long
  • Chùa Tịnh Lâm
  • Chùa Tỉnh Hội
  • Tịnh xá Cao Đài
  • Tịnh xá Thắng Liên Hoa (chùa Bà Trầu)
  • Tịnh xá Ngọc Pháp
  • Đình thần Bình Tự
  • Đình Bình Kính – di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh
  • Đình Bình Quan
  • Đình Bình Hòa
  • Đình Bình Tự
  • Đình Bình Xương
  • Đình Hòa Quới
  • Đình Long Quới
  • Đình Tân Mỹ
  • Đình Tân Giám
  • Đình Hưng Phú
  • Đình Thành Hưng

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *