Du lịch Gò Công Tiền Giang: di tích lăng mộ và đền thờ Trương Công Định (đền thờ Trương Định)

 

Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Công Định (đền thờ Trương Định) nằm ở số 1 đường Phan Đình Phùng, thuộc phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Trương Định (tên đầy đủ là Trương Công Định) sinh năm 1820, ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi). Trước đây, ông theo cha vào Gia Định, sau về Gò Công khai hoang, lập đồn điền. Vào năm 1859, khi quân Pháp xâm chiếm Gia Định, tại Gò Công, ông đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, làm nức lòng quân dân và được suy tôn là “Bình Tây Đại Nguyên Soái”. Năm 1864, giặc Pháp được nội gián chỉ điểm đã đánh úp căn cứ “Đám lá tối trời” của quân dân Trương Định. Ông đã anh dũng chiến đấu và cuối cùng tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc.

Giặc Pháp đã mang thi hài của ông về bêu tại chợ Thuận Ngãi (Gò Công). 3 ngày sau chúng mới cho bà Trần Thị Sanh (vợ lẽ Trương Định) lãnh về chôn tạm trên đất họ Trần của bà. Đến năm 1873, bà Sanh đã làm đơn xin quan chủ tỉnh cho xây lại mộ chồng. Lăng mộ thời ấy được xây đúng quy cách thời Nguyễn, có câu đối liễn, văn bia (chữ nho) ca ngợi công tích Trương Định. Nhà cầm quyền Pháp biết được, bèn ra lệnh đục bỏ hết chữ nho và khuôn lăng bằng đá hoa cương. Sang năm sau, bà Sanh lại làm đơn xin trùng tu lại mộ, lại cho khắc văn bia ca ngợi công lao của ông, lại bị Nha Nội chính Pháp biết và bị đục bỏ hết các chữ nho khắc trên lăng mộ Trương Định.

Phần lăng mộ Trương Định đã phải trải qua nhiều lần tôn tạo, tu sửa bởi người nhà ông và nhân dân trong vùng mới được thành hình toàn vẹn như ngày nay. Di tích hiện tại đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1987, gồm hai phần: phần lăng mộ và đền thờ. Trong khu vực đền thờ hiện có trưng bày một quyển sách độc mộc về tiểu sử của Trương Định, được ghi nhận là Kỷ lục Việt Nam bởi giá trị lịch sử cũng như kỹ thuật tạo ra quyển sách này.

Tại Tiền Giang, ngoài di tích lăng mộ và đền thờ Trương Công Định ở thị xã Gò Công, còn có đền thờ của ông nằm ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, cũng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2004.

Hằng năm, lễ tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Bình Tây Đại Nguyên Soái được nhân dân Gò Công tổ chức long trọng vào ngày 19 vào 20 tháng 8 âm lịch.

Ý kiến cá nhân của An: bản thân ngôi đền nhỏ này không có kiến trúc hay trang trí gì đặc biệt, nhưng phải khi đọc và tìm hiểu về lịch sử của Trương Công Định, về những câu chuyện liên quan, thì mới cảm nhận được ý nghĩa và giá trị của khu di tích.

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *