Danh sách những ngôi chùa Hoa đẹp ở thành phố Hồ Chí Minh

 

Ở khía cạnh du lịch tâm linh thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), không thể không kể đến những ngôi chùa, đền người Hoa đã góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa đặc trưng cho thành phố…

Tại sài Gòn hiện nay, người Việt gốc Hoa chiếm khoảng chừng 10% dân số của thành phố, chủ yếu sống tập trung ở quận 5, quận 6, quận 8, quận 10 và quận 11.

Sử sách ghi chép lại, người Hoa đến khu vực Đàng Trong sau khi nhà Thanh lật đổ hoàn toàn nhà Minh vào năm 1644. Những người ra đi thuộc thành phần “phản Thanh phục Minh”, cùng với những người bị triều đình nhà Thanh đàn áp. Họ được Chúa Nguyễn đồng ý cho cư trú tại khu vực Cù Lao Phố (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) và Đông Phố, và một số địa điểm khác ở Nam bộ. Người Hoa đã lập chợ, buôn bán, hình thành nên phố xá đông đúc ở đây. Vào năm 1778, quân Tây Sơn đã đàn áp những người Hoa ở Cù Lao Phố do họ đã ủng hộ Nguyễn Ánh, sau đó, việc đàn áp lại diễn ra vào năm 1782. Do đó, người Hoa từ Cù Lao Phố đã chuyển đến khu vực Chợ Lớn (thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) mà họ gọi là “Đề Ngạn”.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, việc buôn bán của người Hoa phát đạt do họ có quan hệ tốt với giới cầm quyền Pháp tại Đông Dương, nổi bật nhất là Quách Đàm – một nhà buôn người Hoa xây Chợ Lớn. Trong thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, cộng đồng người Hoa có quan hệ tốt với chính quyền và thường ủng hộ tài chính trong các kỳ tranh cử. Năm 1979, chiến tranh Việt-Trung 1979 nổ ra tại biên giới nổ ra cùng với chính sách cải tạo kinh tế tại Việt Nam. Lo ngại bị trả thù và bị thiệt hại kinh tế, nhiều người gốc Hoa đã vượt biên, làm thuyền nhân đến các nước trong khu vực Đông Nam Á. Kể từ khi Việt Nam cải cách mở cửa từ năm 1986, cộng đồng người Hoa đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, thương mại.

Ngày nay, cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bán buôn, sản xuất hàng tiêu dùng quy mô vừa và nhỏ, chiếm lĩnh một số lĩnh vực bán sỉ quan trọng như hàng kim khí, điện máy, vàng, vải… Một số doanh nghiệp do người Hoa nổi tiếng có thể kể đến tại Việt Nam như: công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (thương hiệu Biti’s), công ty thời trang Thái Tuấn, công ty thực phẩm Kinh Đô…

Người Việt gốc Hoa tại Sài Gòn chủ yếu là người gốc Quảng Đông (bao gồm Triều Châu), Phúc Kiến, Khách Gia và Hải Nam. Ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Quảng Đông. Dù định cư đã qua nhiều đời, người Việt gốc Hoa vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, giữ được các phong tục tập quán truyền thống, cũng như vẫn sử dụng tiếng Hoa làm ngôn ngữ chính thức trong các giao dịch nội bộ.

Trong khía cạnh văn hóa tâm linh, không thể không nhắc đến những ngôi chùa, đền của người Hoa tại Sài Gòn, góp phần không nhỏ vào sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa, lịch sử thành phố.

Một góc chùa Sùng Chính (chùa Phật Bốn Mặt) ở quận 8

Cánh cửa dán giấy đỏ đặc trưng bên trong chùa người Hoa ở quận 5

Một trong những nhân vật mà chùa người Hoa thường thờ cúng là Quan Công (hay Quan Thánh đế quân) – một nhân vật thời Tam Quốc tài đức vẹn toàn – cùng với ngựa Xích Thố, chiến mã của ông.

Những tờ giấy dán thẳng hàng trên tường, bên trên ghi tên những nhà hảo tâm đóng góp cho chùa.

Nhang vòng cùng những lời chúc ghi trên tờ giấy treo kèm cũng là một phong tục đặc trưng cho những người đi viếng chùa trong chùa người Hoa.

Mời bạn điểm qua danh sách tổng hợp một số ngôi chùa, đền, miếu người Hoa nổi tiếng, phổ biến và đẹp thu hút tại Sài Gòn như dưới đây:

  • Chùa Vạn Phật
  • Chùa Bà Thiên Hậu (chùa Bà Chợ Lớn, hội quán Tuệ Thành)
  • Chùa Bà Hải Nam (hội quán Quỳnh Phủ)
  • Chùa Ông (miếu Quan Đế, hội quán Nghĩa An, Nghĩa An Hội Quán)
  • Chùa Ông Bổn (miếu Nhị Phủ, hội quán Nhị Phủ)
  • Chùa Sùng Chính (chùa Phật Bốn Mặt, hội quán Từ Thiện)
  • Chùa Minh Hương Gia Thạnh (đình Minh Hương Gia Thạnh)
  • Chùa Tam Sơn (hội quán Tam Sơn)
  • Chùa Quan Âm (quận 12)
  • Chùa Minh Hương (miếu An Hòa, hội quán Phước An)
  • Hội quán Hà Chương (hội quán Chương Châu, chùa Ông Hược, chùa Bà Hà Chương)
  • Hội quán Ôn Lăng (chùa Ôn Lăng, chùa Ông Lào, chùa Quan Âm)
  • Huê Nghiêm Giảng Tự
  • Thảo Đường Thiền Tự
  • Chùa Khánh Vân Nam Viện (Khánh Vân Nam Viện Đạo Quán)
  • Phụng Sơn Tự (chùa Ông quận 1)
  • Hội quán Quảng Triệu (chùa Bà quận 1, miếu Bà Thiên Hậu quận 1, chùa Bà Bến Chương Dương)
  • Miếu Bà Tao Đàn
  • Chùa Phật Bà Quan Âm (Hộ Quốc Quan Âm Tự, Quan Âm Hộ Quốc Miếu, miếu Quan Âm, chùa Bà Tân Phú)
  • Miếu Bà Bình Long
  • Miếu Nổi (Phù Châu Miếu)
  • Miếu Sa Tân (Sa Tân Miếu)

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *