Vẻ đẹp hoài cổ của đình thần Khánh Hậu ở thành phố Tân An, tỉnh Long An

 

Đình thần Khánh Hậu thuộc phường Khánh Hậu, thành phố Tân An là một ngôi đình làng cổ của tỉnh Long An, miền Tây Nam bộ Việt Nam.

Đình thần Khánh Hậu (đình Khánh Hậu) được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX, thờ Thành Hoàng bổn cảnh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân nơi đây. Trước năm 1917, đình thuộc làng Tường Khánh nên còn có tên gọi là đình Tường Khánh. Sau đó, thôn Tường Khánh và Nhơn Hậu xác nhập lại thành làng Khánh Hậu, đình được đổi tên thành đình Khánh Hậu cho tới ngày hôm nay.

Đình Khánh Hậu hiện nay còn lưu 6 sắc phong thần của vua Thiệu Trị và vua Tự Đức phong tặng vào các năm 1845, 1850. Sắc được viết trên giấy kim tiền, màu vàng có hình rồng – mây (long – vân), là hiện vật quý có niên đại từ nửa đầu thế kỷ XIX. Vào năm 1945, đình Khánh Hậu còn là địa điểm hoạt động của lực lượng Thanh niên Tiền phong ở Tân An trong cuộc chiến giành chính quyền. Năm 2010, đình Khánh Hậu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

Đình Khánh Hậu có kiến trúc gồm hai phần chính: ngôi chính và ngôi phụ – nhà tiền vãng. Ngôi chính được xây dựng theo hình chữ tam với vật liệu cột chính bằng gỗ, vách xi măng và lợp ngói âm dương, trên có đắp đề tài lưỡng long chầu nguyệt. Bên trong là Võ Ca có ba gian – nơi diễn hát bội và cúng thần, tiếp nối là chánh điện xung quanh có tường bao bọc. Ngôi phụ – nhà tiền vãng được xây dựng bên trái ngôi chính điện theo kiểu kiến trúc nhà rội (nọc ngựa) để thờ tự những người đi trước đã có công khai cơ mở cõi, có bàn thờ Tiên sư – bậc thầy dạy nghề cho dân chúng trong làng từ buổi đầu lập làng cho đến nay, kể cả nghề làm hương chức trong làng.

Cùng An xem qua vài hình ảnh hoài cổ của đình thần Khánh Hậu:

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *