Thú vị đình Tân An (đình Bến Thế) ở Bình Dương với hai cây đa quấn quanh cổng đền

 

Đình Tân An ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là một di tích lịch sử văn hóa khá độc đáo bởi các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, và đặc biệt dễ nhìn thấy nhất là hai cổng đền được bao phủ bởi bộ rễ xù xì của hai cây đa cổ thụ.

Đình Tân An còn được dân gian gọi quen là đình Bến Thế bởi nằm gần bến sông Bến Thế, bên cạnh đình còn có chợ Bến Thế. Đình tọa lạc tại khu phố 1, thuộc phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Xưa kia đình Tân An còn có tên gọi là Tương An miếu, lý do là một phần hình dáng ban đầu của đình rất đơn giản, chỉ có một gian ngói nhỏ; ngoài ra, trong tiềm thức của dân gian Nam bộ thì quan niệm miếu thường chỉ những gian thờ nhỏ bé nằm cạnh sông, trên các dốc, gò đồi cao hoặc gần trục giao thông thủy bộ hay đường bộ, mục đích để thờ các oan hồn chết bất đắc kỳ tử.

Theo ghi chép, đình Bến Thế được xây dựng vào năm 1820 do nhân dân của 4 xã: Tương Bình (nay là phường Tương Bình Hiệp của thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), Tương An (nay là Tân An), Tương Hòa (nay là Định Hòa) và Cầu Định (nay là Tân Định) để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, với vị trí đình được đặt tại làng Tương An. Khoảng 30 năm sau đó, tổ tiên dòng họ Nguyễn (làm chức Ban biện) đã đứng ra chủ trì xây dựng lại ngôi đình với quy mô lớn, mang hình dáng như ngày nay. Mặt khác, dòng họ Nguyễn là một trong những lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất Tân An khai hoang lập nghiệp và có công trùng tu ngôi đình làng nên được dân làng tôn làm “Tiền hiền – Hậu hiền” và được thờ trong ngôi chánh điện để tỏ lòng thành kính.

Vào năm 1869, vua Tự Đức đã ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Theo sắc phong thì vị thần được thờ chính trong đình là Tiền quân cơ Nguyễn Văn Thành – một vị quan triều đình nhà Nguyễn, đại thần của vua Gia Long.

Về tổng quan kiến trúc, ngôi đình được làm toàn bằng gỗ sao, có lối kiến trúc hình chữ Tam, còn gọi là lối sắp đọi, dân gian gọi là đình ba nóc, theo kiểu xuyên trính, hai mái, hai chái. Mái đình được lợp toàn bộ bằng ngói vây cá qua nhiều năm mưa nắng mái ngói phủ rêu phong trông rất cổ kính. Trên đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, ở các góc mái trang trí hình cá hóa rồng. Nền lát gạch đỏ (gạch tàu) hình lục giác. Toàn bộ ngôi đình có chiều rộng 50 m, dài 70 m, được xây trên diện tích hơn 10.000 m2. Đặc biệt, toàn nội thất trong đình như hiện vật bàn thờ, tủ thờ, tấm hoành, bao lam, cột gỗ, câu đối… đều bằng gỗ quý được các bàn tay nghệ nhân chạm khắc rất tinh xảo với nhiều chủ đề khác nhau.

Hàng năm theo đúng lệ xưa “tam niên đáo lệ Kỳ yên”, vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu tính theo lịch 12 con giáp là những năm đình Tân An đáo lệ tổ chức Kỳ yên trong dịp Hạ điền chạp miễu. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 3 đêm từ 14 đến 16 tháng 11 (âm lịch). Theo lệ xưa, những ngày này là lúc thủy triều dâng cao và theo quan niệm của người dân thì đó là điềm của mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, tiền của dồi dào… Kỳ yên là dịp để những nông dân trước bày tỏ tình cảm của mình với thần linh, sau là dịp gặp mặt nhau bàn luận công việc làm ăn, trao đổi kinh nghiệm, bày tỏ tình cảm.

Đình Tân An đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2014. Ngoài điểm đặc sắc bởi các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, thì đình Tân An quả là một địa danh du lịch tâm linh hiếm có vì vẫn giữ được nét truyền thống cùng vẻ đẹp dân dã, bình dị tiêu biểu cho đình làng miền quê Nam bộ. Điển hình như hai cánh cổng đình xiêu vẹo ở hai con đường đối diện nhau vì bị bộ rễ xù xì của hai cây đa lớn “đớp” lấy. Bên cạnh đó, sân đình rộng rãi, thoáng đãng và bị bao phủ bởi rất nhiều cây to lớn như một khu rừng um tùm giữa vùng đất yên tĩnh. Với không gian cổ kính và xưa cũ như vậy, đình Tân An từng là phim trường cho nhiều bộ phim lấy bối cảnh xưa, như: ván bài lật ngửa, vó ngựa trời Nam, Lục Vân Tiên, đất phương Nam,…

Mời bạn xem qua những hình ảnh về ngôi đình Tân An đặc biệt này!

Cổng chính đình Tân An (đình Bến Thế) nhìn từ ngoài vào

Cổng chính đình Tân An nhìn từ bên trong ra

Một cánh cổng phụ liền kề cổng chính bị bao phủ bởi bộ rễ đa xù xì

Một cổng phụ khác ở con đường đối diện cũng bị bộ rễ đa quấn lấy, ảnh chụp từ trong nhìn ra.

Cánh cổng trên nhìn từ ngoài vào

Cận cảnh rễ đa

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Một cánh cổng phụ khác

Tường bao sân đình

Khu vực chính của đình

Mái ngói cổ kính

Nội quy khu di tích

Bia thông tin sơ lược về đình Tân An

“Lưỡng long đoạt châu” trên mái đình

Đã sang tháng 2 âm lịch mà cây mai trong đền vẫn còn khoe sắc hoa vàng!

Bước vào khu thờ tự bên trong đình

Quang cảnh sân đình

Các cây cổ thụ trong sân như một khu rừng um tùm, rậm rạp

Con đường phía trước cổng chính của đình Tân An

Thêm một số hình ảnh thôn quê Bình Dương trên ghi lại đường đi tới đình:

Một nhà dân gần đình Tân An

Chợ Bến Thế gần đình Bến Thế (đình Tân An)

Đường quê tĩnh lặng

Một cơ sở làm lu, vò

Cây ô môi với những bông hoa hồng phớt xoắn ốc bung nở

Nhà dân có vẻ xưa cổ

Một đàn cò kiếm ăn bằng cách đậu trên những đám lục bình trôi nổi theo dòng nước

Bến sông

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *