Thanh bình thiền viện Chơn Không ở thành phố biển Vũng Tàu

 

Thiền viện Chơn Không là một chốn Phật giáo thanh bình với khung cảnh núi non, cây cối, biển xanh tĩnh lặng ở thành phố Vũng Tàu xinh đẹp.

Thiền viện Chơn Không, hay tu viện Chơn Không, thiền viện Chân Không nằm ở số 36/11 đường Vi Ba, thuộc phường 6, thành phố biển Vũng Tàu. Thiền viện Chơn Không theo Phật giáo Thiền Tông – thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng là cội nguồn phục hồi thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam bởi hòa thượng Thích Thanh Từ.

Thiền sư Thích Thanh Từ, tên khai sinh Trần Hữu Phước (24/07/1924), quê tỉnh Vĩnh Long, xuất gia năm 1949. Ông là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, là nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Năm 1971, ông đã thành lập tu viện Chơn Không và mở khóa tu thiền đầu tiên, khôi phục lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Bài thơ thiền “Mộng” nổi tiếng do hòa thượng Thích Thanh Từ sáng tác vào năm 1980 tại tu viện Chơn Không:

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

Thiền Viện Chơn Không được xây dựng vào năm 1971, tọa lạc ở độ cao 80 m so với mực nước biển trên triền núi Lớn (núi Tương Kỳ). Ngôi thiền viện nổi bật trên khung cảnh núi non thơ mộng với quần thể các công trình như tháp tổ, chánh điện, tháp chuông, thiền đường, khu tăng, khu ni, nhà khách…

Cổng vào thiền viện Chơn Không trên núi Lớn của thành phố Vũng Tàu

Nếu đi bằng xe máy, bạn có thể gửi xe ở trước cổng trong nhà dân

Hoặc chạy thẳng vô cổng theo con đường bên tay phải, ngang qua viện ni là đến được sân thiền viện luôn, gửi xe miễn phí.

Viện ni của thiền viện Chơn Không

Nếu từ cổng thiền viện, đi theo con đường bên tay trái là đường tam cấp cho người đi bộ dẫn lên chánh điện

Đường bậc tam cấp mát mẻ, dễ đi với những cây hoa sứ trắng thơm mát, dễ chịu

Từ lối tam cấp, trước khi gặp khu vực chánh điện là một hồ nước nhỏ với tượng sư tử và bàn tay nâng đóa hoa sen

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Lối lên dành cho xe máy, xe hơi và bãi gửi xe của thiền viện ở gần đó

Những cành sứ trơ trụi vươn dài trong mùa khô Đông Nam bộ

Bia lịch sử thiền viện

Tòa tháp trước chánh điện

Thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp nhìn từ sân chánh điện

Gác nghỉ chân

Tháp chuông

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Chánh điện

Kiến trúc đơn sơ nhưng tĩnh tại, uy nghiêm thường thấy của các thiền viện theo phái Trúc Lâm

Bên trong chánh điện

Tượng Đức Phật tay cầm hoa, miệng mỉm cười trong tích “niêm hoa vi tiếu”

Niêm hoa vi tiếu, có nghĩa là: cầm hoa mỉm cười, là một giai thoại thiền, được trích ra trong cuốn “Đại Phạm Thiên Vương vấn Phật Quyết Nghi Kinh”, ghi lại sự kiện Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni (Đức Thế Tôn) đưa cành hoa lên khai thị, tôn giả Ca Diếp phá nhan mỉm cười.

Rằng một ngày nọ, trên núi Linh Thứu (Gṛdhrakūṭa, thánh địa của Phật giáo ở Ấn Độ), trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Thế Tôn không tuyên thuyết pháp thoại như mọi ngày, mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác chẳng ai hiểu gì, duy chỉ có đại trưởng lão Ma-ha Ca-diếp (Mahākāśyapa) là mỉm cười.

Đức Phật liền tuyên bố với các thầy tì kheo: “Ta có chính pháp vô thượng trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tì kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh”. Từ câu nói này, chư vị Thiền sư tiền bối đã diễn đạt thành: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay ta phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp”.

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Hành lang chánh điện

Phật đài đang dần hoàn thành ở đằng sau chánh điện. Phật đài nằm ở lưng chừng núi, xung quanh thoáng đãng nên có thể nhìn thấy từ xa ở các điểm cao ráo, rộng rãi của thành phố Vũng Tàu.

Cũng trên núi Lớn là khu du lịch Hồ Mây nằm ở độ cao 210 m so với mực nước biển, có cáp treo đi lên.

Thiền phái Trúc Lâm (Trúc Lâm Yên Tử) là một dòng thiền của Việt Nam do vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, tổ thứ 2 của dòng thiền này.

Vào đầu thời Trần, thiền sư Hiện Quang thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông ẩn tu khổ hạnh tại núi Yên Tử, sư được xem là tổ thứ nhất của phái Yên Tử. Sau khi Thiền sư Hiện Quang thị tịch, đệ tử là thiền sư Đạo Viên kế thừa. Vua Trần Thái Tông từng có thời gian lên núi và học đạo với thiền sư Đạo Viên và phong hiệu cho sư là Trúc Lâm Quốc sư.

Thiền phái Trúc Lâm có 3 thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa, và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ). Thiền phái này được xem là tiếp nối nhưng là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỷ XII, đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi, cùng với sự pha trộn ảnh hưởng của Tông Lâm Tế. Với việc lập ra phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển và được sự bảo hộ mạnh mẽ của triều đình nhà Trần. Đến cuối nhà Trần, sự phát triển mạnh của Nho giáo dần lấn át Phật giáo. Một số nhà Nho nổi tiếng như Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh thường nhắm vào tệ nạn của một số tăng sĩ đương thời để đả kích Phật giáo. Và đặc biệt, sau khi Nhà Trần bị diệt vong, nhà Hồ lên ngôi, rồi đến khi quân Minh sang xâm lược, tịch thu, vơ vét các tài nguyên cũng như các tác phẩm văn hóa, sách vở thì đất nước lâm vào nguy nan. Các sử liệu liên quan đến Phật giáo, Thiền Tông Việt Nam, thiền phái Trúc Lâm đều bị quân Minh tịch thu và đem về nước, khiến cho sử liệu của Việt Nam bị hạn chế, nghèo nàn.

Lúc đó, thiền phái Trúc Lâm mất chỗ đứng và các thiền sư của tông này đã ẩn cư trên núi hiểm, rừng sâu, chủ yếu địa bàn núi Yên Tử, tiếp tục giữ gìn và lưu truyền tinh thần tu học, khiến cho Thiền Tông Việt Nam bị chìm nghỉm trong một thời gian dài, ít người biết đến. Vì thế trong giai đoạn mấy trăm năm sau nhà Trần, hầu như các sử liệu ghi chép về các thiền sư trong truyền thừa Trúc Lâm, cũng như các tác phẩm đều không có. Điều duy nhất mà hiện nay chúng ta biết đó là tên các thiền sư trong hệ thống truyền thừa 15 đời sau đệ tam tổ Huyền Quang trong quyển “Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Lục”.

Đến thời Lê Trung Hưng, hòa thượng Chân Nguyên Tuệ Đăng thuộc pháp tự Tông Lâm Tế đã có công rất lớn trong việc lưu giữ các tác phẩm quan trọng liên quan đến thiền phái Trúc Lâm, Tam Tổ Trúc Lâm. Sư sưu tầm, hiệu đính, khắc bạn và cho lưu hành các tác phẩm này. Ngoài ra còn có ông Ngô Thì Nhậm sưu tập và biên soạn cuốn “Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh”.

Hiện đại, có Hòa Thượng Thích Thanh Từ là người chủ trương khôi phục và truyền bá tinh thần thiền học của thiền phái Trúc Lâm. Sư sưu tập và dịch thuật, giảng giải nhiều tác phẩm liên quan đến Thiền Tông nói chung và thiền phái Trúc Lâm nói riêng. Từ Nam chí Bắc, cho đến hải ngoại đã có nhiều thiền viện do sư và các đệ tử sáng lập mang tên là thiền viện Trúc Lâm và tại đây đều có thờ Tam Tổ Trúc Lâm. Tuy nhiên, đường lối tu tập thiền của Hoà Thượng Thanh Từ không phải là thuần túy về Thiền Tông mà theo lối Thiền-giáo song tu, và có tiếp thu thêm đường lối Thiền Tri Vọng của thiền sư Khuê Phong Tông Mật – tổ thứ 5 Tông Hoa Nghiêm, hay Lục Diệu Pháp Môn của Thiên Thai Tông.

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *