Chùa An Phú (chùa Miểng Sành) ở quận 8, thành phố Hồ Chí Minh

 

Chùa An Phú (còn gọi là chùa Miểng Sành) theo Phật giáo phát triển (Phật giáo Bắc tông, Phật giáo đại thừa) tọa lạc ở số 24 đường Phạm Hùng, phường 10, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn).

Chùa An Phú đã trải qua nhiều đợt trùng tu từ năm 1960 cho đến khi có được diện mạo khang trang như ngày hôm nay. Chùa Miểng Sành chính là một công trình kiến trúc mang tính dân gian với hầu như toàn bộ ngôi chùa đều được dán bằng các mảnh sành, mảnh sứ phế liệu được thu mua từ nhiều nơi với những đề tài chính là của nhà Phật như: tượng Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, chữ vạn, hoa sen…

Chùa An Phú cũng là ngôi chùa được xác lập nhiều kỷ lục trong sách Kỷ lục Việt Nam như: chùa được tạo tác bằng miểng sành nhiều nhất Việt Nam (năm 2007), Thượng tọa Thích Hiển Chơn – Phó Trụ trì chùa An Phú – là kỷ lục gia thực hiện cặp nến (đèn cầy, đèn sáp) cao và nặng nhất Việt Nam (2006). Nếu đến chùa An Phú, bạn sẽ nhìn thấy hai cặp nến được đặt ở điện Phật, trong đó cặp nến cũ nặng hơn 1.800 kg, cao 3,4 m, trên thân được chạm trổ hình rồng uốn quanh từ chân đến đỉnh, dưới đế khắc hình 5 con rồng nhỏ rất đẹp, gọi là “Ngũ Long Chầu Đăng”; cặp nến mới cũng được chạm rồng có trọng lượng 2.100 kg, cao 3,83 m, hiện vẫn chưa gỡ bao bì bên ngoài.

Chùa Miểng Sành chia ra thành hai khu vực chính: khu vực thờ phụng gồm: Đại Giác điện, Tổ Sư; và khu vực giảng đường Từ Bạch, tăng phòng, khách đường… Cổng tam quan chùa được xây theo lối cổ lầu, trên thờ tượng Tam Thế Phật. Sân trước chùa có nhiều công trình kiến trúc như: đài Di Lặc; đài Quan Âm; lầu Linh Sơn Thánh Mẫu,… Ngôi chính điện là một bảo tháp hình chữ nhật, tượng trưng núi Tu Di, các tầng mái có các chim thần nâng đỡ.

Tổng quan thiết kế chùa An Phú (chùa Miểng Sành)

Các mảnh sành, sứ được ốp trên tường, cột…

Cặp nến (mới) đã được ghi tên trong sách Kỷ lục Việt Nam

Cặp nến cũ

Tượng Phật Quan Âm cũng được trang hoàng phù hợp với phông nền của những mảnh sành, sứ

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

*** Ảnh được chụp bằng điện thoại iPhone 7 thông qua ứng dụng chụp ảnh (app) Foodie. Theo mình thì phải chụp cận cảnh và chi tiết thì mới cảm nhận được nét đẹp của chùa An Phú. Vì quả thật, không gian chùa không lớn trong khi có quá nhiều chi tiết thiết kế và trang trí, tượng Phật, khối nhà, tháp,… đặt cạnh nhau, cảm giác choáng ngợp và hơi bí bách.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *