Du lịch bụi Quảng Ngãi: phong cảnh đầm An Khê

 

Đầm An Khê là đầm nước tự nhiên lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm trên quốc lộ 1A, ven vùng biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).

Theo các nhà địa chất, đầm An Khê được hình thành trong thời kỳ biển thoái sau biển tiến cực đại Flandrian 6.000 – 7.000 năm và trở thành đầm nước ngọt khoảng từ 3.000 – 4.000 năm trước. Đầm An Khê có nước quanh năm, chiều dài nhất đo được là 3,5 km, chiều rộng nhất chừng 1 km, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4 m. Tuy nằm gần biển, vào mùa mưa, nước trong đầm có độ mặn không đáng kể, nhưng về mùa khô thì đầm An Khê trở thành một đầm nước lợ có độ mặn từ 0,3- 10‰.

Nước đầm An Khê là môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh. Thủy sản sống trong đầm chủ yếu là các loài nước ngọt (cá diếc, cá thác lác, cá bống, cá chép, cá chình, cá trắm cỏ, cá mè, tôm, ốc, cá rô phi…). Đặc biệt ở đây có loài cá úc quý hiếm, tuy nhiên, trong những năm gần đây đã dần trở nên khan hiếm. Nhóm cá biển với số lượng khá thấp sống trong đầm là các loài cá móm, cá đối, cá khế sáu sọc…

Bên cạnh phong cảnh đẹp, đầm An Khê còn là một trong những điều kiện môi sinh quan trọng hình thành nền văn hóa Sa Huỳnh. Châu tuần quanh khu vực đầm An Khê là những di chỉ rất có giá trị của nền văn hóa Sa Huỳnh như: di chỉ Phú Khương, di chỉ Thạnh Đức và di chỉ Long Thạnh.

Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa được xác định ở vào khoảng năm 1000 TCN đến cuối thế kỷ thứ II. Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với Văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Óc Eo, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam thời kỳ đồ sắt.

Văn hóa Sa Huỳnh đư­ợc nhà khảo cổ ng­ười Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 khi ông tìm thấy bên đầm An Khê (một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) một số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc). Người ta gọi di tích khảo cổ đó là Kho Chum Sa Huỳnh (Dépot à Jarres Sa Huỳnh). Các cuộc khai quật vào nhiều năm khác nhau tại di tích gò Ma Vương hay còn gọi là Long Thạnh Đức Phổ nơi được xem là có niên đại sớm nhất của nền văn hóa Sa Huỳnh, đã đem lại những đánh giá xác đáng và quan trọng về nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển văn hóa Sa Huỳnh.

Nền văn hóa Sa Huỳnh đã đư­ợc các nhà khảo cổ trên thế giới nghiên cứu từ đó đến nay và ngày càng sáng tỏ nhiều điều về đời sống của các tộc ngư­ời thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam. Xuất hiện cách nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào thế kỷ thứ I, văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại hơn 5.000 năm kéo dài từ hậu kỳ thời đại đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Với một sức sáng tạo mạnh mẽ và phong phú, Văn hóa Sa Huỳnh càng ngày càng thấy có sự ảnh hưởng và giao lưu với nhiều vùng Đông Nam Á cũng như Trung Hoa cổ xưa và Ấn Độ cổ xưa khi gần đây, Viện Khảo cổ học Quốc gia Đức hợp tác với các nhà khảo cổ học thuộc khoa Lịch sử của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành khảo cứu trong các năm 2004-2005 tại một số vùng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Bước đầu đã xác định được diện mạo một nền văn hóa đặc sắc ở miền Trung, Việt Nam.

Một góc đầm An Khê nhìn từ cầu An Khê trên quốc lộ 1A

Đoạn quốc lộ 1A đối diện đầm An Khê

Một cô đang cắt cỏ cho trâu bò bên đầm

Nếu đến đây vào ngày nắng đẹp, lúc bình minh, có lẽ bạn sẽ chụp được những bức ảnh phong cảnh tuyệt đẹp!

Một góc khác của đầm An Khê (nơi cuối cánh đồng)

Nhà dân địa phương ven đồng ruộng

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *