Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

 

Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại tọa lạc tại số 02 đường Y Ngông, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây là một địa danh văn hóa lịch sử lý thú nằm ngay trung tâm Tp. Buôn Ma Thuột.

Truy về nguồn gốc lịch sử, vào thời gian trước năm 1905, khu vực này nguyên là nhà hàng Maison Lefévre. Cho đến năm 1914, Sabatier về làm công sứ tại Đắk Lắk đã chọn địa điểm này để xây dựng công sở và được gọi là tòa Đại lý quận trưởng. Năm 1926, sau khi về thay Công sứ Sabatier, Công sứ Giran đã cho cải tạo và xây dựng lại tòa nhà như hiện nay, được gọi là tòa công sứ (Résidence), dân địa phương gọi là Sang Ae Prong (nhà ông lớn).

Tháng 11/1947 sau khi được chính phủ Pháp bảo lãnh đã đưa ông Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại) về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng. Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc trong khu vực này gần 8 tháng (từ tháng 11/1947 đến khoảng tháng 5/1948). Sau đấy vào những năm 1949 – 1954, hàng năm, Bảo Đại thường tới đây vào đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và đi săn bắn, do đó ngôi nhà này còn có tên là Biệt điện Bảo Đại.

Sau chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975, di tích trở thành trụ sở đầu tiên của Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk – trung tâm chỉ đạo mọi hoạt động, chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh những ngày mới giải phóng. Từ tháng 4/1996 đến tháng 11/2011, tỉnh Đắk Lắk đã sử dụng Biệt điện Bảo Đại làm nơi trưng bày chủ đề văn hóa các dân tộc. Đến tháng 11/2011, Bảo tàng Đắk Lắk đã bàn giao để Ban Quản lý di tích của tỉnh tiếp tục nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Di tích đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách muốn tìm hiểu về vị vua cuối cùng của Việt Nam cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của triều đại phong kiến Việt Nam.

Trước đây, di tích từng mang tên là di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du, nhưng sau đó tuyến đường Nguyễn Du (đoạn đi qua di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du) đã được điều chỉnh thành đường Y Ngông, nên địa chỉ mới của di tích là số 2 Y Ngông. Do đó, từ tháng 12/2020, di tích đã được đổi tên là di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại, phù hợp với tên gọi quen thuộc và thường xuyên đã được nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

Di tích được Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký quyết định xếp hạng di tích Quốc gia vào tháng 01/1994.

Cổng chính của di tích

Du khách nhớ mua vé tham quan nha. Lúc tụi mình đến đây còn khá sớm, trời lại đang mưa gió do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên không thấy ai hỏi han việc mua vé gì hết.

Cây kiểng tạo hình voi đặc trưng cho Ban Mê

Cây long não ngót nghét 100 năm tuổi trong khuôn viên di tích – cây di sản Việt Nam

Thật ra là có 2 cây đối xứng nhau theo hai bên cổng chính, nhưng một cây đã chết, chỉ còn dấu vết đang được trồng lại một cây nào đó mới

Trong khuôn viên di tích còn nhiều loại cây cổ thụ khác, trên cây được gắn mã QR (Quick response code) để du khách tiện tra cứu thông tin chi tiết từng loại cây – một điều rất hiện đại và hay ho!

Mình chụp lại những hình ảnh này để lên án hành động xấu xí khắc lên thân cây vô tội vạ của những người vô ý thức, thiếu hiểu biết. Huống hồ, đây lại là những cây cổ thụ quý giá nằm trong khuôn viên một di tích lịch sử – văn hóa.

Một cổng đá, tác dụng trang trí hay gì đó, mình đoán vậy thôi!

Biệt điện Bảo Đại – khu vực tham quan chính của du khách khi đến với di tích này

Lúc đầu ngôi nhà được dựng lên bằng các vật liệu như gỗ, tranh, tre, nứa… Đến năm 1926, được xây dựng lại bằng gạch, đá, xi măng kiên cố và hoàn thành vào năm 1927 mang tên là tòa công sứ Pháp. Vào năm 1940, ngôi nhà được xây dựng lại theo lối kiến trúc Tây Nguyên kết hợp hiện đại: mái ngói, sàn gỗ, phía dưới là tầng hầm bê tông.

Ngôi nhà mang tông màu vàng sậm chủ đạo gợi nên kiến trúc thực dân Pháp

Xung quanh là nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát

Hổng được vào bên trong xem rồi!

Các khu vực khác có thể tham quan là tòa nhà hành chính, và bảo tàng trưng bày không gian văn hóa cồng chiêng và các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc.

Kiến trúc của khu trưng bày cũng rất ấn tượng, gợi nên hình ảnh nhà dài Tây Nguyên

Mình đến đây sớm quá nên khu vực này chưa mở cửa tham quan

Đoán đây là gốc cây long não thứ 2, đã bị chết

Mưa gió ầm ào

Khuôn viên di tích

Một số cây cổ thụ khác trong khuôn viên

Một tòa nhà cũ gần khu vực trưng bày tham quan

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

*** Ảnh chụp bằng điện thoại trong lúc thời tiết ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên không đẹp, các bạn xem đỡ nha!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *