Tổ Đình Tôn Thạnh (chùa Tôn Thạnh) ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

 

Tổ Đình Tôn Thạnh hay chùa Tôn Thạnh là một ngôi chùa theo Phật giáo phát triển (Phật giáo Bắc tông, Phật giáo đại thừa) thuộc địa phận ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là ngôi chùa cổ khá nổi tiếng trong lịch sử và văn học, là nơi mà Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn, một chí sĩ yêu nước của Việt Nam đã từng viết nên những áng văn bất hủ cho nền văn học nước nhà.

Theo sử liệu, Tổ Đình Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ xưa nhất tỉnh Long An. Chùa ban đầu có tên là Lan Nhã, do thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm 1808. Năm 1845, thiền sư Viên Ngộ thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình đem lại điều lành cho chúng sinh, người dân quanh vùng đã gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ, hay chùa Ông Ngộ, chùa Lão Ngộ.

Trong thời gian 3 năm (1859 – 1861), nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi viết văn và bốc thuốc trị bệnh cứu người. Tại đây, ông đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Hiện dấu tích về chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm đã được lưu lại ngay trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh qua hai tấm bia, tấm thứ nhất lưu lại dấu tích của Nguyễn Đình Chiểu được dựng vào năm 1973, tấm thứ hai trích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được lập năm 1998.

Qua nhiều lần trùng tu, chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn vẹn nguyên dáng hình xưa, tuy nhiên, chùa vẫn giữ được vẻ cổ xưa và thanh tịnh. Tổ Đình Tôn Thạnh ngày nay nằm trong một khu vực rộng lớn có tổng diện tích trên 30.000 m2, tổng thể kiến trúc bao gồm: tiền điện, chánh điện, nhà giảng, hành lang phía Đông, hành lang phía Tây,… Trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ có giá trị nghệ thuật mang phong cách thế kỷ XIX.

Tổ Đình Tôn Thạnh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997. Hiện tại, chùa Tôn Thạnh là một địa danh du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử đối với người dân quanh vùng.

Từ tỉnh lộ 15, trên con đường nhỏ dẫn vào chùa có cổng dựng năm 1960 đề tên chùa Tôn Thạnh. Bên phải con đường trong khuôn viên chùa có hai tấm bia, tấm thứ nhất xây dựng năm 1973 lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tấm thứ hai xây dựng năm 1998 trích bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trong vườn còn có tháp ba tầng hình lục giác cao 4,5 mét của tổ sư Viên Ngộ (viên tịch năm Thiệu Trị thứ 5 (1845)), xây dựng năm 1846, trùng tu năm 1959, tầng trên cùng chạm nổi dòng chữ “Nam mô A di đà Phật” và tháp tổ Tắc Thành hình vuông, ba tầng, cao 3 mét.

Về đường đi, bạn cứ theo Google Maps là được. Nếu đi từ trung tâm Sài Gòn, tiện nhất là theo đường quận 5, sang quận 8, ra quốc lộ 50 là tới được địa phận Cần Giuộc của tỉnh Long An.

Cổng tam quan Tổ Đình Tôn Thạnh

Hồ nước thả cá trong khuôn viên chùa. Để xe tự do.

Cây sa la trong chùa đang ra lá non

Hoa sa la

Một trong hai tấm bia lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Đình Quan Âm

Tượng Đức Địa Tạng lộ thiên

Tháp ba tầng hình lục giác thờ Tổ sư Viên Ngộ

Các tượng Phật khác

Chánh điện chùa Tôn Thạnh

Nét cổ kính, rêu phong của mái ngói, rường, cột vẫn còn được lưu giữ sau hơn 200 năm

Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí” – bộ sách dư địa chí Việt Nam được viết bằng chữ Hán do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức, thì chùa Tôn Thạnh trông “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” nổi tiếng ở đất Gia Định xưa.

Hành lang chánh điện

Các tháp thờ khác trong chùa

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *