Du lịch Đồng Nai: lên chùa Bửu Quang trên núi Gia Lào

 

Chùa Bửu Quang (còn gọi là chùa Gia Lào) nằm trên núi Gia Lào ở độ cao khoảng 600 m là một thắng cảnh du lịch và tâm linh của tỉnh Đồng Nai được đông đảo người dân đến tham quan và chiêm bái.

Núi Gia Lào (còn gọi là núi Gia Ray, núi Chứa Chan) thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2012. Núi Chứa Chan được mệnh danh là “Đệ nhị thiên sơn” bởi đây là ngọn núi cao thứ hai ở miền Nam Việt Nam, sau núi Bà Đen (Đệ nhất thiên sơn). Với độ cao 837 m so với mực nước biển, dáng hình vòng cung gồm ba ngọn đồi liên tiếp nhau giống hình bát úp, thế núi hùng vĩ, cao chót vót; vào buổi sáng, núi rực rỡ xanh dưới ánh nắng nhẹ của mặt trời; lúc chiều tà núi sừng sững âm u trên nền trời trắng xám; vào tháng mười núi mờ ảo trong sương mù cùng với những dải mây trắng lững lờ bay lượn, bao phủ ôm lấy núi, núi Chứa Chan từ lâu đã trở thành một thắng cảnh hấp dẫn ở Đồng Nai.

Cảnh quan thiên nhiên núi Chứa Chan đẹp và thu hút với nhiều dòng suối quanh năm tươi mát ẩn mình dưới những rừng cây bạt ngàn, cùng với những di tích do con người tạo nên như chùa Bửu Quang (chùa Gia Lào), chùa Lâm Sơn, chùa Linh Sơn,…, đặc biệt là tạo hóa thiên nhiên cây đa ba gốc một ngọn,…, tất cả đã tạo thành một quần thể thắng cảnh độc đáo ở miền Đông Nam bộ.

Hãy cùng mình đi đến chùa Bửu Quang nằm ở độ cao 600 m trên núi Gia Lào nha!

Theo Google Maps, chùa Bửu Quang đang được đánh dấu là tạm thời đóng cửa. Mình nghĩ là do Maps chưa kịp cập nhật từ thời cách ly xã hội do COVID-19. Bởi hiện tại, chùa Bửu Quang vẫn đang mở cửa đón khách tham quan. Thường thì chùa sẽ đông khách đến chiêm bái vào dịp cuối tuần, lễ, hội, rằm, mồng 1… Nếu được thì bạn nên chọn đi ngày thường để cảm nhận vẻ thanh tịnh của chùa (như mình là đi vào ngày thứ ba trong tuần).

Nếu tìm kiếm đường đi trên Google Maps mà đánh từ khóa là chùa Bửu Quang (chùa Gia Lào), Google Maps sẽ chỉ bạn đi theo lối tắt nào đó trên núi mà chỉ có… chim mới đi dễ dàng. Theo kinh nghiệm đau thương của mình (từng bị bác Google Maps “chơi” nhiều vố rồi), bạn hãy tìm từ khóa là “Cáp treo núi Chứa Chan”, thì sẽ được chỉ dẫn đi đúng đường.

Từ thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) đi về phía Đồng Nai, sẽ ngang qua thành phố Long Khánh

Theo Google Maps để đến với cáp treo núi Chứa Chan…

… đã thấy được núi Chứa Chan với sương mây lờn vờn trên đỉnh

Một hồi thì bạn thấy mình đang đến cổng khu du lịch (KDL) núi Chứa Chan…

… nơi mà chùa Bửu Quang thuộc quản lý của KDL

Bạn phải mua vé vào cổng KDL là 14.000đ/ người lớn

Tại đây, sau khi gửi xe (nếu có), bạn có hai cách để lên chùa Bửu Quang: một là mua vé cáp treo lên thẳng tới chùa (giá vé tham khảo, khứ hồi: 180.000 đ/ người lớn, 90.000 đ/ trẻ em cao 0,9 m – 1,2 m; nếu đi chiều lên: 110.000 đ/ người lớn, 60.000 đ/ trẻ em cao 0,9 m – 1,2 m; nếu đi chiều xuống: 90.000 đ/ người lớn, 50.000 đ/ trẻ em cao 0,9 m – 1,2 m), hai là đi bộ theo lối những bậc thang để lên chùa.

Tụi mình chọn cách đi bộ!

Vui lắm, lúc tính đi chùa Bửu Quang, mình đọc thông tin “lá cải” ở đâu đó, tưởng chỉ phải leo khoảng gần 400 bậc thang (tức độ cao khoảng 200 m) là tới chùa, nên mới hí hửng đi. Ai ngờ đi xong, mệt quá, về tra lại tài liệu, thấy chùa nằm ở độ cao khoảng 600 m lận. Hức, nếu biết trước là cao vậy, thì mình đã không đi, vì mình vốn rất dở và ngán mấy vụ leo núi, đi đồi, dốc. Nhưng nếu không đi, thì mình không thể biết được là mình vẫn còn sức để leo lên tới đó.

Một lần nữa, mình nghiệm ra, cái tính và cái “nghiệp” của mình, phải là vô tình đẩy bản thân vào nghịch cảnh, thì mình mới biết được những việc mình có thể làm được, mới biết được khả năng mình tới đâu. Mỗi người đều có mỗi cái ngưỡng và giới hạn riêng của bản thân, nhưng chắc hẳn trong chúng ta, mấy ai có thể khẳng định và biết rõ được cái ngưỡng và giới hạn ấy nằm ở mức độ nào, đúng không?

Tụi mình chạy xe xuống cuối đường (đi ngang qua khu vé cáp treo), rồi gửi xe (giá 10.000 đ). Bậc thang dẫn lên núi nằm ở cuối đường, nên nếu bạn đi xe, nên gửi xe ở khu nhà dân làm dịch vụ nơi cuối đường, để lúc ra lấy xe về lại cho gần nha.

Bậc thang dẫn lên núi, hai bên là hàng quán của người dân, nơi bán nước, đồ ăn (chay lẫn mặn), chuối sấy (món này có vẻ như là đặc sản khu này), vòng tay, tượng Phật, nhang đèn, đồ cúng lễ…

Trên đường bạn sẽ đi qua những ngôi chùa, tịnh xá khác thuộc núi Chứa Chan. Nhưng trong đó, chùa Bửu Quang là ngôi chùa nằm ở nơi cao nhất. Trong ảnh là tịnh xá Ngọc Chơn.

Ngang qua chùa Bửu Pháp

Một gian hàng bán bánh kẹo, chuối sấy…

Trên đường bạn cũng sẽ gặp người dân đang quét đường, và xin tiền bạn. Cho hay không là tùy tâm bạn nha. Bạn cũng sẽ bị làm phiền bởi kha khá người bán vé số, người ăn xin… Nghe nói trước đây khu chùa núi này đầy rẫy tệ nạn kiểu như tranh giành khách mua đồ lễ, mà nhiều năm nay đã được chính quyền địa phương dẹp yên và tổ chức lại đâu ra đó rồi.

Ngang qua tháp thờ của hòa thượng Thiện Ý

Dọc đường đi sẽ có những bảng khẩu hiệu khá lý thú, tóm gọn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ý thức du lịch xanh – sạch – lịch sự cho mọi người.

Nắng sớm trên tàng cây

Có nhiều người bán quán ăn là người miền Tây, lên đây lập nghiệp, nên ở đây cũng có nhiều quán bán bánh xèo rau rừng, như ở dọc khắp các ngôi chùa An Giang

Một quán nước ở độ cao khoảng 200 m, một nơi đu đưa võng ngắm cảnh cũng lý thú! Nhưng giá nước ở đây cao gấp đôi so với ở ngoài đó nghen!

Cảnh từ quán nước trên

Một đoạn có mấy cây xương rồng thiệt cao

Trên núi cũng có nuôi gà nữa nè!

Đoạn đường xương rồng này cũng có tầm nhìn thoáng nè

Thấy được cáp treo lên chùa

Thấy cả một ngôi chùa hay tịnh thất nào đó ở đằng xa lưng chừng núi nữa

Một cây rừng cao thiệt cao

Một thùng rác ven đường lên núi

Cảnh dọc đường đi nói chung khá hoang sơ, tĩnh mịch (do không phải dịp cuối tuần hay lễ lạt gì)

Một tiểu cảnh chụp ảnh thu tiền

Một chú chó gặp trên đường lên núi

Ngang qua chùa Quảng Đạo, tới đây thì sắp gặp cây đa ba gốc một ngọn linh thiêng rồi nha

Từ chùa Quảng Đạo có hai ngã rẽ, một đi lên, một đi xuống. Nhớ chọn lối đi xuống để đến với cây đa ba gốc một ngọn, và cũng là hướng lên chùa Bửu Quang.

Đi tiếp một xíu có lối rẽ phải để xuống cây đa, còn nếu đi thẳng là hướng lên chùa Bửu Quang

Cây đa ba gốc một ngọn, tên sao, cây y như vậy: thân có ba gốc (nhánh), và phần trên quấn lại chỉ một ngọn. Từ lâu đây được xem là cây linh thiêng, khiến người dân khắp nơi luôn đổ xô đến đây, nhất là vào những ngày rằm, ngày lễ để cầu mong được “cởi bỏ bệnh tật và xui rủi” khỏi người. Nhưng chẳng biết thực hư thế nào.

Đến được cây đa là coi như đã đi được 2/3 quãng đường rồi nha

Một em mèo trong quán ăn ở gần đó

Đoạn gần lên tới chùa Bửu Quang phải lên một cái dốc thiệt cao, có lẽ lúc nãy phải xuống dốc từ chùa Quảng Đạo để đến được cây đa ba gốc

Lên hết dốc là thấy chùa Bửu Quang hiện ra

Cổng chùa Bửu Quang

Chùa Bửu Quang (hay chùa Gia Lào) do thiền sư Bửu Chơn khai sơn tự tạo vào đầu thế kỷ XX. Chùa lúc đầu chỉ là một cốc nhỏ nằm trong hang đá có hình dáng uốn cong như miệng một con rồng, bà con quanh vùng thường gọi đây là Hàm Rồng.

Kiến trúc chùa Bửu Quang mang nét thô sơ pha lẫn tinh tế của thời xưa nhưng lại tạo nên sự ấn tượng, huyền bí và thâm nghiêm. Chùa Bửu Quang không chỉ là một di tích thiên tạo hiếm có ở vùng Đông Nam bộ mà còn là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và có rất nhiều khách hành hương đến đây vào các dịp rằm, lễ lớn.

Cây cỏ trong chùa Bửu Quang

Một em sâu lông, ọe!

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Một số chậu cây trồng rau trong chùa

Đường lên chánh điện chùa Bửu Quang

Chánh điện chùa Bửu Quang. Mình đọc tài liệu thấy có nói đây là ngôi chùa không nhận tiền cúng dường, nhưng thấy có thùng tam bảo phước điền

Từ chánh điện ngước lên có thể nhìn thấy đỉnh ngọn núi Chứa Chan

Các tháp thờ

Đi thẳng lên cầu thang là ga cáp treo

Chùa Bửu Quang theo phái Phật giáo Bắc tông. Đọc bảng thông tin, và nghe giọng tụng kinh, mình đoán (chỉ là đoán thôi nha), đây là ngôi chùa cho cả tăng lẫn ni.

Chùa Bửu Quang luôn có cơm chay miễn phí dành cho du khách

Các tháp thờ

Những chậu rau được nhà chùa trồng

Thực phẩm được phơi nắng

Từ chùa Bửu Quang, đi thêm một đoạn bậc thang nữa là sẽ đến suối Tôm

… cách đó 150 m (đoán là theo đường chim bay, vì mình nghĩ phải leo lên cao nữa, nhưng chỉ phải leo một đoạn ngắn là tới rồi, nên 150 ở đây không phải chỉ độ cao).

Đường lên suối Tôm

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Một hồ chứa nước nhỏ trên đường lên suối Tôm. Cả ngọn núi này người ta dùng nước từ đầu nguồn, các khe đá chảy ra. Và theo lời người dân nói, thì nước luôn đủ dùng trong cả mùa khô lẫn mùa mưa

Đoạn lên suối Tôm có nhiều cây cối to bự, và cũng rất nhiều muỗi

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Suối Tôm đây nè, có lẽ phải đi vào dịp trung tâm mùa mưa, thì mới có nhiều nước

Chứ thời điểm này suối chỉ là một mạch nước nhỏ len qua những tảng đá thôi

Một điểm thờ cúng ven suối

Tổng thời gian đi bậc thang từ chân núi Chứa Chan lên tới chùa Bửu Quang là khoảng 1 tiếng đồng hồ, dành cho người vừa đi vừa nghỉ, dân văn phòng không tập thể dục sức yếu như mình nha. Các bạn nhớ mang đồ gọn nhẹ, giày thể thao có độ bám tốt, êm và vừa chân. Mũ nón, khăn choàng, nước và đồ ăn vặt là đồ không thể thiếu nếu không muốn tốn nhiều tiền bị “chặt chém”.

Nguyên ngày hôm đó đi bộ tung tăng vài chỗ nữa, được nhiêu đây.

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *