Những chiếc xe Jeepney xinh đẹp ở Philippines

 

Nếu có dịp du lịch Philippines, bạn sẽ ấn tượng với những chiếc Jeepney – loại xe buýt cỡ nhỏ được trang trí đầy màu sắc, vốn là phương tiện công cộng phổ biến tại đảo quốc này.

Tên gọi ”Jeepney” được ghép từ hai từ ”Jeep” – một loại xe của quân đội Mỹ, và ”Jitney” – nghĩa là xe buýt rẻ tiền. Cũng có ý kiến cho rằng tên gọi “Jeepney” được ghép từ ”Jeep” và ”knee” (đầu gối) vì các hành khách trên xe phải ngồi chạm đầu gối vào nhau.

Khi quân đội Mỹ bắt đầu rời khỏi Philippines vào cuối thế chiến thứ II, hàng trăm chiếc xe Jeep dư ra đã được bán hoặc tặng lại cho người Philippines. Các chiếc xe đã bị tháo dỡ và thay đổi cho phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc mục đích thương mại: mái xe bằng kim loại đã được thêm vào để che nắng; thân xe bên ngoài và trong được trang trí với các màu sắc sống động; phần ghế phía sau được cấu hình lại thành hai băng ghế dài song song…

Kích thước, chiều dài và số lượng hành khách trên xe đã tăng lên theo sự phát triển qua nhiều năm. Từ những chiếc Jeepney ban đầu là các xe Jeep quân sự của hãng Willys và Ford được tân trang lại, Jeepney hiện đại ngày nay được sản xuất với việc thêm một vài động cơ bổ sung với phụ tùng của Nhật Bản.

Thương hiệu thực sự đồng nghĩa với loại xe Jeepney là Sarao – công ty bắt đầu sản xuất Jeepney đầu tiên vào năm 1953 và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Trước khi các nhà sản xuất sân sau phát triển, Sarao Motors và Francisco Motors – cả hai đều là các doanh nghiệp ở Las Piñas – là những nhà sản xuất Jeepney lớn nhất. Lúc cao điểm, tỷ lệ số xe Jeepney của Sarao lăn bánh trên đường phố Manila đông hơn những nhà sản xuất khác gấp gần 7 lần.

Jeepney không có máy lạnh, gợi nhớ một loại xe đời cũ – xe lam ở Việt Nam

Jeepney nhanh chóng trở thành một phương tiện giao thông công cộng phổ biến và không tốn kém trong bối cảnh sau cuộc đại chiến thế giới II. Nhận thức được sự ứng dụng rộng rãi của loại hình giao thông công cộng này, chính phủ Philippines đã bắt đầu điều chỉnh việc sử dụng chúng: lái xe phải có giấy phép chuyên ngành, các tuyến đường phải cố định và giá vé phải hợp lý. Tuy nhiên, có một số tuyến xe được khai thác bất hợp pháp. Chúng được gọi chính thức là các tuyến xe “colorum” do đặc điểm màu sắc của các xe này chỉ ra đây là xe tư nhân, không phải xe công cộng. Ngoài mục đích công cộng, Jeepney được sử dụng như phương tiện giao thông riêng tư. Nếu là xe riêng, xe Jeepney sẽ được gắn thêm cửa sau và có thêm biển ghi rõ ”xe riêng tư” ở phía sau.

Gần 70 năm qua đi, những chiếc xe Jeepney đã được xem là biểu tượng văn hóa của thủ đô Manila nói riêng và quốc đảo Philippines nói chung. Ấy chính là nhờ sắc màu và những hình vẽ nghệ thuật được trang trí bên ngoài xe. Có những chiếc Jeepney chỉ đơn thuần được sơn phết màu mè, nhưng cũng có những chiếc Jeepney được kỳ công vẽ lên những vật dụng, mặt người, hình ảnh kỳ quái, thậm chí là đề tên các thương hiệu từ nhiều ngành nghề trên thế giới.

Tuy nhiên, có lẽ loại xe đã trở thành biểu tượng này thật đáng tiếc sẽ không còn tồn tại lâu dài nữa. Có thông tin cho rằng chính phủ Philippines sẽ sớm loại bỏ hoàn toàn những chiếc Jeepney đã quá 15 năm tuổi vì không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và an toàn cho hành khách. Thay vào đó là những chiếc xe buýt nhỏ được sản xuất đại trà với công nghệ hiện đại, có trang bị máy điều hòa không khí, chỗ ngồi riêng rộng rãi.

Cùng xem một đoạn phim ngắn được ghi lại khi tác giả đã yên vị bên trong một chiếc Jeepney nghen!

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *