Có một nơi gọi là Người Giữ Rừng – Bến Tre…

 

Từ chợ Đê Đông của xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, ngồi tắc ráng chừng 30 phút, bạn sẽ đến được một nơi hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi đây chỉ có một vùng nước lợ mênh mông, có những rừng đước, rừng dừa nước xanh mướt mát rì rào cùng gió biển. Ở đó có đại bản doanh của Người Giữ Rừng – Bến Tre.

Trong bài viết kể về chuyến đi ngắn một ngày một đêm trải nghiệm du lịch sinh thái được tổ chức bởi Người Giữ Rừng – Bến Tre này, trước tiên, mời bạn xem qua đoạn phim ngắn dưới đây.

Xin dành ít thời gian để nói về Người Giữ Rừng. Với cái tên mộc mạc này thì đọc sao, hiểu nghĩa vậy. Cả khu vực nước lợ là rừng ngập mặn phòng hộ, được nhà nước cho người dân địa phương thuê lại để nuôi trồng, thu hoạch thủy hải sản, trong môi trường hoàn toàn tự nhiên: không thức ăn công nghiệp, không chất tăng trưởng, chất bảo quản… Họ chỉ được phép động đến nguồn thủy hải sản thiên nhiên sẵn có, còn cây rừng thì không, vì như đã nói, đây là rừng phòng hộ có tác dụng bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, hạn chế xâm nhập mặn, chắn cát…

Đại bản doanh của Người Giữ Rừng nằm trong khu vực ấy. Bắt đầu từ việc kinh doanh thủy hải sản, người mua thắc mắc về nguồn hàng, và muốn xem tận mắt nơi nguồn hàng được khai thác như thế nào, từ đó, người chủ đã sáng lập ra Người Giữ Rừng – Bến Tre như một hướng phát triển thêm về du lịch sinh thái, chuyên tổ chức những chuyến trải nghiệm khám phá rừng ngập mặn hoang sơ, bắt và thưởng thức thủy hải sản sẵn có, qua đêm trên võng tại lán trại trong rừng…

À, vì đây là khu vực rừng phòng hộ, liên quan đặc biệt tới vấn đề an ninh, nên du khách nước ngoài chưa được phép vào đây.

Bến thuyền đối diện chợ Đê Đông trên tỉnh lộ 883, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, Bến Tre, nơi văn phòng tại đất liền của Người Giữ Rừng cách đó không xa

Văn phòng Người Giữ Rừng – Công ty cổ phần AnFOODS – điểm hẹn đón các nhóm khách

Bến thuyền đưa khách vào đại bản doanh ngay đằng sau văn phòng. Du khách đi xe máy có thể gởi xe tại văn phòng luôn. Trong ảnh là tắc ráng (hay vỏ lãi) máy, tốc độ tối đa có thể đạt 60 km/ giờ.

Từ đây đã có thể nhìn thấy rừng đước lớp lớp xanh ngút ngát…

Cầu ao xuống thuyền, nơi thực hiện những bức ảnh “sống ảo” cũng được lắm! Ảnh: Trần Đỗ Trang.

Ngồi tắc ráng đi vào đại bản doanh, đi qua những chòi lá – nơi có nhiều “người giữ rừng” trông coi.

Đã đến đại bản doanh của Người Giữ Rừng – Bến Tre

Một cây cầu tre lắc lẻo xinh xinh

Nhóm mình không có nhiều thời gian, nên khi đến đây thì đã vào cuối chiều. Nhưng nhờ vậy mà lại bắt được khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp và bình yên!

Xung quanh toàn là vùng nước lợ, ngày lên xuống hai lần. Lúc này nước đang xuống từ từ.

Trong này không có nước ngọt, nên cũng hạn chế việc tắm rửa, vì người ta phải vận chuyển từng bình nước ngọt ở bên ngoài vô. Mà thôi kệ, đã vào rừng thì cũng nên thuận theo tự nhiên, thứ mà người Việt mình hay chống chế là “ở dơ sống lâu”. Vậy nên nếu bạn muốn tham gia chuyến đi như thế này, không cần mang theo nhiều quần áo để thay đâu nha. Người Giữ Rừng cũng có trang bị bộ trang phục bà ba nâu sòng, để du khách thực sự có trải nghiệm làm người địa phương. Mà những người “sống ảo” như mình thì thích kiểu hóa thân như vầy lắm nè!

Ảnh: Trần Đỗ Trang

Bữa tối dành cho người không ăn chay là các loại thủy hải sản địa phương

Và phần ăn chay của mình cùng một bạn trong nhóm (báo gấp gáp nên mâm cơm đơn sơ, tuy nhiên, đồ ăn cực kỳ ngon và hợp khẩu vị chung).

Và không thiếu cung cách của người miền Tây: bữa ăn phải có rượu. Nhưng đây không phải là rượu thường.

Rượu Áp Xanh (Absinthe – tiếng Pháp, hoặc Green Fairy – tiếng Anh) bắt nguồn từ bang Neuchâtel tại Thụy Sĩ vào cuối thế kỷ XVIII, và tại Pháp vào cuối thế kỷ XIX – đầu thể kỷ XX. Từ Pháp, rượu du nhập vào Việt Nam ta như một thứ thức uống thượng hạng dùng để tiến vua.

Rượu Áp Xanh được nấu từ loại nếp ngon của địa phương, kết hợp với thang thuốc nhà nghề và bí mật kiểu “cha truyền con nối”, nôm na gồm có hồi, quế, cam thảo… Nét đặc trưng là khi ngâm cùng thang thuốc bí truyền rượu sẽ chuyển sang màu xanh, uống có mùi vị thơm nồng, để càng lâu rượu càng thơm ngon.

Hiện nay, tại Việt Nam chỉ còn hai vùng là còn nấu rượu Áp Xanh, một là ở làng Phước Hội (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), và hai là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại Bến Tre, cũng chỉ còn đâu chừng ba nhà còn nấu loại rượu này. Và cũng ở Bến Tre, người ta không uống rượu Áp Xanh nguyên chất, mà sẽ pha loãng ra với nước dừa tại địa phương. Rượu nhẹ nhưng say lúc nào chẳng hay.

(Thông tin tổng hợp và biên tập từ nhiều nguồn trên Internet)

Chương trình buổi tối có thả đèn hoa đăng từ người bạn lãng tử đi chung nhóm với mình, sau đó là ngắm trăng 19 âm lịch và đi ngủ. Tất cả những hoạt động đó đều có sự góp mặt của những người bạn nhỏ – “đặc sản rừng”: muỗi. Tuy không bằng lời ca “muỗi kêu như sáo thổi”, nhưng chắc chắn là những du khách tiểu thư công tử nghe kể mà muốn bỏ chạy mất dép.

Qua đêm tại lán có hai lựa chọn: ngủ võng hoặc nệm (có mền đầy đủ). Đúng là ở trong này phải dùng loại võng chuyên dụng: cực kỳ dày và có mùng ở trên thì mới chống lại đội quân muỗi được.

Nước ngọt hiếm nên nhà vệ sinh sử dụng nước lợ tại chỗ nha. Ở rừng mà!

Lim dim trong tiếng sóng nhẹ vỗ ì oạp vào rừng đước, vào chân cột, thì trời cũng vừa sáng. Cả nhóm loay hoay thức dậy và chào đón ngày mới bằng tiết mục ngắm bình minh.

Bạn nhìn thấy đó, bình yên là đây chứ đâu?

Ảnh: Lê Nguyễn Quốc Việt

Mặt trời nhô lên rồi kìa!

Chào ngày mới!

Ảnh: Trần Đỗ Trang

Sau khi vệ sinh cá nhân, Người Giữ Rừng sẽ đãi bạn bằng món cháo tôm ngon lành

Hay các loại bánh địa phương chay mặn đều dùng được: bánh bò, bánh khoai mì, bánh da lợn, bánh chuối…

Và tiếp theo là chương trình chèo xuồng tham quan rừng ngập mặn. Mọi hoạt động luôn có hướng dẫn viên đi cùng.

“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/ Sau hàng dừa nước mái nhà ai”, đây là thứ tự mở đất của vùng ngập mặn miền Tây Nam bộ. Những rễ phụ chi chít mà bạn thấy trong ảnh là của cây mắm nha.

Đước – được xem là vệ sỹ của rừng ngập mặn, thì mọc sau hàng mắm

Hướng dẫn viên sẽ giới thiệu rất nhiều thứ liên quan tới những gì mà bạn nhìn thấy trong rừng. Vậy nên mới nói, học hỏi từ thiên nhiên và thực tế luôn là những bài học thú vị và sâu sắc, nhớ lâu. Chẳng hạn như trái đước khi già sẽ nảy mầm ngay từ lúc còn đang lơ lửng trên cây. Khi rụng xuống, trái trôi theo dòng nước đi khắp nơi cho đến khi gặp nơi bùn lầy, gặp điều kiện thuận lợi sẽ bắt đầu mọc rễ và phát triển, rồi lan rộng thành rừng.

Cây bần trong lời ca “bông bần rụng trắng bờ sông”…

Bần ổi, trái xanh chua thì chấm muối ăn sống, hay chấm kèm mắm cá sặc, mắm rô, mắm lóc, mắm tép… Trái chín thì có thể đem nấu canh chua hoặc kho với cá…

Còn đây là rừng dừa nước

Nước lúc này đang xuống, ngày lên xuống hai lần (trưa và khuya). Vì nước lợ nên không có mùa nước nổi như miệt sông Cửu Long.

Một điều mình rất thích ở đây là do ít khách nên mọi thứ còn hoang sơ, tĩnh lặng, chưa bị xâm hại nhiều. Hi vọng Người Giữ Rừng có thể làm được chuyện vừa phát triển mô hình du lịch sinh thái, vừa bảo tồn, gìn giữ cảnh quan môi trường.

Còn đây là “cây giá cô đơn” của rừng ngập mặn Bình Đại. Không phải giá mình làm rau ăn đâu nghen!

Tiết mục tiếp theo là lên bờ đi dạo rừng dừa nước, và hái dừa ăn tại chỗ nha

Dừa nước ăn ngon nhất là lúc này đây: chẻ ra thì ở giữa cơm dừa có một lỗ nhỏ, chứa nước. Như vậy thì cơm dừa sẽ dẻo, mềm, ăn ngọt ngon cực kỳ!

Nếu không có ai hái, dừa sẽ tự động rụng dần

Chỉ còn trơ cuống như thế này

Để sinh tồn, dừa nước nếu bị rơi xuống nước, nó sẽ vừa trôi nổi vừa nảy mầm, khi gặp đất và điều kiện thuận lợi thì phát triển thành cây.

Trái gì đó

Một tổ kiến

Nhóm quay về lại lán đại bản doanh nghỉ ngơi, ăn trưa trước khi về.

Đi ngang qua một đập nước nhỏ, nơi những con hàu tự nhiên bám vào tường xi măng và sinh trưởng.

Một chú cua hay còng gì đó

Trưa, nước cạn rồi. Những tấm lưới trong ảnh là do những người giữ rừng giăng và rải sò để chúng sinh trưởng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên.

Và những ổ còng, ba khía hiện ra

Ba khía quá trời luôn, đáng chú ý bởi chiếc càng quá khổ so với thân mình

Bữa cơm chia tay thiệt là hấp dẫn

Nếu bạn muốn trải nghiệm một chuyến đi thật sự hòa mình vào không gian trong rừng ngập mặn Bình Đại, thì đây, thông tin liên hệ nha:

Fanpage: Người Giữ Rừng
Ms. Ngọc Hiện (đồng sáng lập): 0911 322 767

Nếu bạn có nhu cầu mua thủy sản nước lợ và hải sản, vận chuyển về Sài Gòn, thì có thể liên hệ trang Hương Vị Miền Quê.

Một số lưu ý:

1. Chuyến du lịch này rơi vào vùng thiếu thốn nước ngọt, muỗi nhiều, ăn ngủ dân dã hoang sơ, xung quanh bốn bề là nước – tự cung tự cấp, sóng điện thoại ở đại bản doanh thì có nhưng hơi yếu, điện dùng từ năng lượng mặt trời nên cũng hạn chế, do đó, cần cân nhắc kỹ khi đăng ký tour.

2. Từ trung tâm. Sài Gòn xuống tới văn phòng Người Giữ Rừng – Bến Tre ở ĐT883 là khoảng 130 km, đi xe máy mất từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ.

3. Đại bản doanh đón được khoảng tối đa 30 khách (nếu chịu khó ngủ xếp lớp như cá mòi). Đoàn đẹp nhất là khoảng 6-8 người.

4. Vui lòng không xả rác bừa bãi hay có những hành vi phá hoại, ảnh hưởng tới môi trường.

Chúc các bạn có những trải nghiệm thật đẹp cùng thiên nhiên. Đi đi, để thấy Việt Nam mình đẹp lắm, để biết yêu môi trường và thiên nhiên hơn! Yêu rồi, mới có ý thức giữ gìn và phát huy nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *