Di tích lịch sử cầu Gãy Sông Bé, Bình Dương

 

Cầu Sông Bé nối liền hai xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Trong chiến tranh, đây là con đường huyết mạch giao thông của ngụy quyền Sài Gòn. Cầu bị Mỹ đánh sập vào năm 1975, và cho đến nay chứng tích vẫn còn, được người dân quen gọi là cầu Gãy.

Từ thành phố Hồ Chí Minh bạn có thể theo quốc lộ 13 về trung tâm TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), rồi theo đường ĐT741 khoảng hơn 35 km, hướng về Bình Phước. Qua huyện Phú Giáo, qua cầu Phước Hòa, nhìn bên tay phải sẽ thấy cầu Gãy với phần giữa bị sập. Để đến gần hơn cầu Gãy, bạn đừng qua cầu Phước Hòa, mà trước đó, bên tay phải, ngay cánh rừng cao su sẽ có con đường mòn nhỏ đủ cho xe máy chạy vô.

Cầu Sông Bé được Pháp xây dựng những năm 1925-1926 khi thành lập Sở cao su Phước Hòa. Việc xây cầu nhằm khai thác thuộc địa, cũng như mở rộng những đồn điền cao su tại Phú Giáo, Phước Long…, đồng thời cũng là đầu tư cho tuyến đường huyết mạch lên Tây Nguyên.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đêm 27, rạng sáng ngày 28-4-1975, lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo đã diệt địch và cắt đứt toàn bộ đồn bót trên 2 xã Bình Mỹ và Bình Cơ dọc trục lộ 16, mở đường cho 2 cánh của Quân đoàn 1 đánh qua phía tây (nam Bến Cát) xuống Dĩ An, Lái Thiêu. Để tránh bị truy kích, tên chỉ huy trung đội biệt kích ngụy tại Phước Vĩnh đã cho đặt mìn phá hủy cầu sông Bé. Cuộc chiến kéo dài đến trưa 30-4-1975 thì huyện Phú Giáo hoàn toàn được giải phóng.

Cầu Sông Bé mới được xây dựng lại tvà đổi tên thành cầu Phước Hòa. Tuy nhiên, cây cầu cũ vẫn còn được giữ lại như một chiến tích bi hùng“.

(Biên tập theo baobinhduong.vn)

Cầu Gãy hiện tại từng xuất hiện trong phim Tèo Em với cảnh diễn viên Thái Hòa phi “xe bay” qua cầu. Hiện nay, cầu Gãy trở thành một điểm  chụp ảnh độc đáo hay điểm dừng chân của các bạn trẻ trong hành trình ngang qua địa phận huyện Phú Giáo – Bình Dương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *