Biên Hòa – Cù lao Phố: hồn xưa thấp thoáng

 

Thành phố Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai là một nơi rất đáng để khám phá theo kiến thức lịch sử – văn hóa. Dẫu hiện tại, Biên Hòa đã là một đô thị hiện đại, tương đối sầm uất (do chỉ cách Sài Gòn chừng 30 km), nhưng thành phố này vẫn còn rất nhiều địa danh, di tích lịch sử tồn tại từ thời xưa, chỉ là không tránh khỏi việc có thay đổi theo dòng biến chuyển của thời gian.

Cách không xa trung tâm thành phố Biên Hòa, cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa) chính là một địa danh điển hình. Nơi đây từng là thương cảng sầm uất của cả vùng Gia Định (tức Nam bộ ngày nay) trong thế kỷ XVII – XVIII, nên ít nhiều nơi này vẫn còn giữ được những di tích cổ, những nét văn hóa. Linh hồn và cốt cách của những người từng có công mở cõi dường như vẫn còn thấp thoáng đâu đây, ở xứ cù lao này…

Hướng dẫn đường đi cù lao Phố

Từ quốc lộ 1K Sài Gòn – Biên Hòa, đi thẳng đến cầu Hóa An, vừa qua khỏi cầu Hóa An thì quẹo phải.

Vừa qua cầu Hóa An, bạn có thể quẹo phải vào đường Cách Mạng Tháng Tám liền (đường chỉ dẫn màu đen), hoặc chạy ngược lại xuống một chút, vô con đường công viên dọc sông Biên Hòa – đường Nguyễn Văn Trị. Đi đường thứ hai thì vòng vèo hơn tí, nhưng cảnh thì đẹp, con đường lại có nhiều cây xanh mát.

Đường Nguyễn Văn Trị – thành phố Biên Hòa

Ở đây cũng có xích lô, tự nhiên nhìn thấy cảnh này là thấy cái gì đó xưa xưa, cổ cổ, hay hay á!

Công viên Nguyễn Văn Trị dọc theo sông Biên Hòa (thực ra là sông Đồng Nai)

Buổi tối, con đường này sẽ trở thành phố đi bộ, chợ đêm đủ hết…

Đình Tân Lân, một trong những di tích lịch sử xưa cũ còn lại ở Biên Hòa cũng nằm trên con đường Nguyễn Văn Trị này.

Chợ Biên Hòa cũng nằm ở đây

Nếu bạn chọn đường màu đen thì vẫn cứ chạy thẳng, còn đường tím thì cuối đường quẹo phải, từ đây 2 đường đen hay tím gì cũng sẽ đi chung nhau.

Cuối đường Nguyễn Văn Trị là giáo xứ Biên Hòa, nếu bạn chọn đường tím thì rẽ phải tại đây

Tiếp tục chạy theo đường Cách Mạng Tháng Tám

Nếu cứ chạy thẳng hết đường Cách Mạng Tháng Tám thì bạn sẽ đi qua cầu Ghềnh – cây cầu xưa cũ dùng cho cả ô tô nhỏ, xe hai bánh lẫn xe lửa, giống như cầu Bình Lợi nối hai quận Bình Thạnh và Thủ Đức của Sài Gòn vậy. Còn không, đi tới ngã ba Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Thành Phương thì bạn rẽ trái, đi theo đường xanh (sẽ qua đường ray xe lửa) để đi cây cầu mới bằng bê tông là cầu Hiệp Hòa, qua cầu là tới xã Hiệp Hòa, tức cù lao Phố.

Đường Nguyễn Thành Phương

Cầu Hiệp Hòa

Cầu Ghềnh nhìn từ cầu Hiệp Hòa

Xuống chân cầu Hiệp Hòa là bạn sẽ thấy bản chỉ dẫn đường đi các di tích ở cù lao Phố

Cù lao Phố chỉ có mấy con đường chính và các di tích cũng tập trung không xa xung quanh đó. Có ba di tích chính là chùa Đại Giác, chùa Ông và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.

Đường đi lên cầu Bửu Hòa

Đất cù lao còn khá trống, trước kia người ta thường trồng cây ăn trái, bây giờ thì đã bớt diện tích trồng trọt lại, để làm các quán cà phê, nhà hàng sinh thái. Chỗ này nghe nói gần tết người ta cũng trồng bông nhiều, nhưng giờ gần tết rồi mà mình chưa thấy có dấu hiệu làng hoa đường hoa gì cả.

Trên cầu Bửu Hòa

Quán cà phê ven sông

Cầu Ghềnh nhìn từ cầu Bửu Hòa, phía bên trái ngay chân cầu chính là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh – vị tướng mở cõi Nam Bộ với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định vào năm 1698.

Sông này gọi là sông Hương Phước (thuộc sông Đồng Nai)

Cù lao nằm giữa sông nên khí hậu mát mẻ vô cùng

Dải đất xanh xanh

Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật chùa Đại Giác

Theo tài liệu còn lưu tại Giáo hội Phật giáo Thành phố Biên Hòa, thì vào giữa thế kỷ XVII có ba nhà sư thuộc phái Lâm Tế tông, từ miền Trung đến Đồng Nai hoằng hóa đạo Phật. Nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử đến vùng đất ven sông Đồng Nai (nay là xã Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) dựng lên chùa Long Thiền (1664); nhà sư Thành Trí theo đoàn di dân làm nghề khai thác đá lên vùng núi Bửu Long cùng người Hoa ở đây dựng lên Chùa Bửu Phong (1679), còn nhà sư Thành Đẳng, cùng một số người chèo ghe, thuyền đến cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) khẩn hoang và dựng lên chùa Đại Giác (1665).

Chùa Đại Giác cũng gắn với câu chuyện tình cảm giữa một thiền sư và một công chúa nhà Nguyễn.

Tấm bình phong cổ còn sót lại ở trước chùa

Lược kể theo sách Thiền sư Việt Nam, rằng “thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt không rõ năm sinh, là nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong Quốc sư. Với kiến thức Phật học uyên bác ông được vời về Huế để giảng kinh cho hoàng tộc…”

“… Tại kinh đô, Thái trưởng công chúa Long Thành, chị ruột chúa Nguyễn Phúc Ánh và là bác ruột của vua Minh Mạng, trong những ngày theo học đạo, đã thầm yêu nhà sư…”

“… Năm 1821, Hoà thượng Phật Ý-Linh Nhạc viên tịch, thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt trở về chùa Từ Ân (Gia Định) chịu tang sư phụ rồi ở lại luôn. Những tưởng tránh được nghiệp duyên, nào ngờ vị Hoàng cô trên tìm đến tận nơi…”

“… Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt quyết định nhập thất hai năm ở chùa Đại Giác để không gặp mặt. Nhưng vì Hoàng cô cứ nài nỉ xin được nắm tay ông trước khi trở về Huế, và bà đã toại nguyện…”

“… Nhưng đêm ấy, nhà sư tự thiêu sau khi ghi lại bài kệ trên vách để bày tỏ tấm lòng của mình…”

“… Mấy ngày sau, Hoàng cô cũng uống độc dược quyên sinh tại chùa Đại Giác vào ngày mùng 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1823)”

Chùa Đại Giác cùng với chùa Bửu Phong và chùa Long Thiền là ba công trình kiến trúc tôn giáo Việt, được khởi dựng sớm nhất ở Đồng Nai và là chứng tích cho bước đường Nam tiến ở nửa đầu thế kỷ XVII của ba nhà sư thuộc dòng Lâm Tế ở Đàng Trong.

Kiến trúc chùa khá đơn giản, cho cảm giác của một ngôi nhà đơn sơ ở vùng nông thôn Việt Nam

Chùa Ông cù lao Phố (Thất Phủ Cổ Miếu, hay còn gọi là miếu Quan Đế, miếu Quan Thánh Đế) theo kiến trúc của người Hoa

Vị thần được thờ chính ở đây là Quan Công – tượng trưng cho trung, hiếu, tiết, nghĩa… Chùa được dựng vào năm 1684, gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi vùng đất Biên Hòa.

Cảnh thân quen và bình yên giữa cù lao

Nếu bạn có một buổi nhàn nhã không biết làm gì, thì hãy làm một vòng qua cù lao Phố, tham quan hết các di tích, ăn mấy món chay ở các quán gần chùa Đại Giác, rồi tìm đến một quán cà phê ven sông, ngồi hóng gió, nhìn thời gian chầm chậm trôi qua, để thấy lòng mình thư thái hơn, biết trân trọng các giá trị xưa cũ, biết yêu thêm cuộc sống này hơn.

Ảnh chụp, vẫn như cũ, bằng máy ảnh Canon 500D và ống kính cố định – lens fix Canon 50mm f1.8. Chỉnh sửa bằng phần mềm Photos sẵn có của Windows 10, thêm chữ bằng chương trình Paint. Mình tình cờ biết tới phần mềm này trong lúc máy tính cá nhân của mình bị hư, nhờ vậy mà phát hiện ra cách chỉnh ảnh này vừa nhanh, vừa có nhiều bộ màu cho ra chất ảnh như chụp bằng máy phim vậy. Vô cùng thích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *