Lên “Cổng Trời” An Toàn với cung đường đẹp nhất tỉnh Bình Định

 

An Toàn là một xã trong tổng cộng 10 xã và thị trấn của huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định. Xã An Toàn nằm ở độ cao 1.200 m nên được ví von là “Cổng Trời” của Bình Định. Để đến được đây, bạn sẽ đi qua cung đường được xem là đẹp nhất tỉnh Bình Định, dành cho những ai yêu thích cung đường đèo uốn lượn và nhiếp ảnh…

Đi qua cung đường đồi núi – đèo dốc với chiều dài khoảng 30 km, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh núi non – rừng thẳm – sông suối, ngẩn ngơ với cảnh cỏ cây hoa lá rừng, đắm chìm trong tiếng chim ca ríu rít, ve kêu âm vang và hòa mình cùng đất trời đại ngàn bao la. Bên cạnh đó, bạn còn được quan sát và tìm hiểu đời sống của người dân tộc thiểu số trong vùng.

An Toàn cách trung tâm thị trấn Bồng Sơn khoảng 55 km, cách cổng chào huyện An Lão trên tỉnh lộ 629 khoảng 40 km. Từ cổng chào này, bạn đi về hướng Tây, tới nghĩa trang liệt sỹ xã An Hòa thì quẹo trái, đi qua chợ Xuân Phong thì có con đường bê tông nhỏ bên tay trái, bạn cứ theo đó chạy thẳng vào thì sẽ đến được “Cổng Trời” An Toàn.

Cổng chào huyện An Lão trên tỉnh lộ 629

Đi về hướng Tây gặp nghĩa trang liệt sỹ xã An Hòa thì…

… quẹo trái ở ngã ba này

Đi qua cầu Bến Nhơn

Sông suối tại huyện An Lão có đặc điểm ngắn, dốc nên thường chảy xiết vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô.

Những đứa trẻ tắm suối

Đường dốc quanh co khúc khuỷu

An Lão cũng là vùng trồng nhiều cau

Cảnh quê bình yên

Người bạn đồng hành là “con ngựa già chưa kham” có tuổi đời bằng nửa tuổi mình. Trong ảnh là cột cây số chỉ dẫn An Toàn cách 31 km.

Đường dốc, nhỏ hẹp và vẫn có xe máy qua lại thường xuyên, thỉnh thoảng lại có xe tải chở gỗ, xe phục vụ cho nhà máy thủy điện Nước Xáng lên xuống, nên bạn cần chuẩn bị một chiếc xe máy thật tốt, đổ đầy xăng trước khi rẽ vào con đường bê tông từ chợ Xuân Phong, và một bản lĩnh chạy xe thật cứng cựa!

Từ con đường dốc, bạn sẽ quan sát được cảnh rừng núi bên dưới

Nơi chỉ có thiên nhiên và bạn

Quê hương mình đẹp vậy
Cần gì phải đi xa
Cần đi xa lắm chớ
Đi xa, mới nhớ nhà!

Bên dưới là một dòng suối đá, đoán rằng nguồn của nó là một trong hai thác K50 sông Nga hoặc thác Đá Ghe

Một thửa ruộng bậc thang lẩn khuất

Huyện An Lão có 3 nhóm dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn là Bahnar, Hrê, và Chăm.

Một khu dân cư nằm dưới thung lũng

“Một mảnh tình riêng ta với ta”

Phản chiếu

Thảm hoa ngũ sắc (còn gọi là hoa cứt lợn)

Rừng đang mùa hoa mua

“Hoa mua ai bán mà mua”

Qua những con đường đèo dốc quanh co, qua mấy cái núi, mấy con sông, con suối, chục cây cầu, vài chục cánh đồng, mới đi tới được đây!

Đã thấy nhà của dân tộc miền núi hiện ra

Cảnh sắc mang âm hưởng Tây Nguyên, vì giáp ranh mà lại!

Ủy ban Nhân dân xã An Toàn

Những ngôi nhà sàn xinh xinh

Đây cũng là khu vực mà lâm tặc hoành hành, nên trước khi đến được trung tâm xã An Toàn, bạn sẽ phải đi qua một trạm kiểm soát của kiểm lâm

Những nơi có dân cư thì sẽ thấy… phân trâu bò đầy đường

Lùa trâu đi ăn

Những “ngôi nhà” trên gọi là chòi lúa, nơi đựng các thực phẩm nông nghiệp: lúa, gạo, khoai, bắp…

Nhớ có lần về quê, đi lòng vòng chụp toàn ảnh đồng ruộng, rừng dừa, nhà tranh mái ngói, đem đăng báo mạng. Một chị đồng nghiệp xem xong, bảo, ui dân ở đó sao khổ thế. Còn mình lại chỉ thấy sự bình yên, thanh tịnh trong khung cảnh. Mà ý đồ khi chụp ảnh của mình, cũng chỉ là như vậy.

“Cảnh chuyển từ tâm”. Trong lòng người nghĩ gì, sẽ thấy điều đó từ môi trường bên ngoài. Nếu ta luôn nghĩ và nhìn mọi việc ở góc độ lạc quan, tốt đẹp, sẽ thấy cuộc sống này dễ dàng hơn rất nhiều. Cũng đừng có đem lối nghĩ của ta mà áp đặt lên cuộc sống của người khác. Chẳng hạn như sự tranh cãi về cuộc sống thiếu thốn điều kiện vật chất của người dân vùng sâu vùng xa là khổ, là khó. Phải xem lại, chắc gì người ta đã thấy vậy?

Cầu sông Côn

Dòng nước mùa khô nhìn hiền hòa vậy, nhưng vào mùa mưa thì sẽ thành lũ chảy xiết, cản trở và gây nguy hiểm giao thông

Lại những chòi lúa

Trường tiểu học An Toàn

Ngôi nhà bỏ hoang cho khung cảnh đầy chất thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *