Long An độc hành: ngược về Mộc Hóa – Vĩnh Hưng (2) – Hết

 

Điểm đến mà mình muốn tham quan vào ngày hôm sau chính là chùa Nổi – Cổ Sơn Tự ở huyện Vĩnh Hưng, Long An. Vì chuyến đi chủ yếu là chụp ảnh phong cảnh, không bị gấp gáp về thời gian, nên sáng hôm đó mình không cần phải dậy sớm (như những chuyến đi thông thường).

>> Long An độc hành: ngược về Mộc Hóa – Vĩnh Hưng (1)

Vậy nên, phải khoảng 6g30′ mình mới xuống trả phòng, rồi hỏi thăm anh tiếp tân về đường đi chùa Nổi. Chùa Nổi là địa danh mình tình cờ đọc được qua việc tra cứu thông tin trên mạng tối hôm qua. Tính mình tò mò, thích những điều lý thú, nên khi đọc được thông tin rằng đó là ngôi chùa nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (được xem là vùng sâu vùng xa trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp) nhưng chưa bao giờ bị ngập nước trong mùa nước nổi, dù là những mùa nước lên gây ngập lụt nặng nề nhất, khi những ngôi nhà xung quanh đã bị ngập hết rồi. Mình nghĩ, nên tới xem ngôi chùa đặc biệt ấy như thế nào.

Đó là một buổi sáng trong lành và tĩnh lặng. Khi đi qua cầu Hùng Vương để ra lại quốc lộ 62, một cảnh tượng thiên nhiên tuyệt đẹp xuất hiện trên trời. Đó là một đám mây lớn bị tản mát ra thành những cụm nhỏ, dàn trải thành những hình thù kỳ lạ. Xen vào đó là những tia nắng đầu ngày đang soi rọi khắp chốn, ánh lên những sắc vàng, hồng, cam đẹp mắt. Ngay bên dưới cầu, đám lục bình xanh rì ken dày trên mặt nước. Dọc theo bờ sông, những ngôi nhà thấp bé vẫn nằm trong bóng tối, xem chừng như còn đang say ngủ.

Ghé ăn sáng với món phở chay gần chợ Kiến Tường, mình lại lên xe đi tiếp.

Đi ngang qua công viên 30/4 của thị xã Kiến Tường

Để đi chùa Nổi, từ trung tâm thị xã Kiến Tường, bạn tìm đường ra quốc lộ 62, đi thẳng về hướng Campuchia, qua cầu Mộc Hóa, gặp một vòng xoay với ngã tư lớn thì quẹo trái vô tỉnh lộ ĐT831. Cứ đi thẳng đường này khoảng 10 km thì gặp một ngã ba, có bảng chỉ dẫn quẹo trái là gặp con sông Vàm Cỏ Tây, đi đò qua sông là tới chùa Nổi.

Trên đường đi, cảnh thôn quê miền Tây hiện lên thật lãng mạn và thanh bình trong nắng sáng cùng những lớp sương mai trắng nhờ nhờ chưa kịp tan.

Một đàn chim nhỏ tung cánh

Xe rẽ vào tỉnh lộ ĐT831

Gặp một đầm súng nhỏ với vài bông súng nở lác đác

Những chú bò chăm chú gặm cỏ

Đồng ruộng xanh rì

Một người phụ nữ đang đi thăm ruộng, khi sương mai còn chưa tan, trong ánh nắng nhẹ nhàng và tươi đẹp

Bảng chỉ dẫn hướng đi chùa Nổi

Quẹo trái thì qua cầu liền (hãy chú ý người phụ nữ mặc áo vàng)

Tranh thủ tự chụp ảnh trên cầu

Con kênh xanh xanh…

Chụp ảnh xong, mình theo hướng chỉ dẫn đi thẳng qua cầu, thì thấy người phụ nữ áo vàng kia đang đi bộ cùng đường. Có lẽ lúc nãy cô đi nhờ xe ai đó. Mình bèn dừng xe, hỏi cô đi đâu, biết cô cũng đi qua sông, ghé chùa, nên mình cho cô quá giang. Hỏi chuyện cô, mình mới biết mùa nước nổi đã qua rồi, và năm nay nước nổi lên rất ít.

Rõ ràng là con người đang ngày càng phải trả giá đắt cho những hành động phá hoại môi trường một cách thiếu ý thức, vì cái gọi là “miếng cơm, manh áo” của mình. Họ tàn phá thiên nhiên, làm thời tiết, khí hậu thay đổi. Rồi chính những điều đó lại ảnh hưởng tới bản thân con người.

Không có mùa nước nổi, đồng ruộng, đất đai sẽ không được thay những chất xấu, không được bồi đắp phù sa, không có tôm cá cho dân đánh bắt,… Một mùa vụ thất thu, sâu bệnh, đói kém đang chờ người nông dân ở phía trước!

Bến đò đi qua sông Vàm Cỏ Tây.

Giá đi đò là 5.000đ/ người và xe máy, cho người đi bộ là 2.000đ, nhưng cho người ngồi sau xe máy chỉ còn 1.000đ. Hình như đây là định mức chung cho các loại đò, phà thì phải!

Người miền Tây đúng là phóng khoáng và thật thà. Khi mình đưa 7.000đ tiền đò, trả luôn cho cô kia, thì anh thu tiền đò hỏi mình có phải đi chung với cô kia không, để thối lại 1.000đ tiền dư. Lúc đi về, bắt chuyến đò khác, mình hết tiền lẻ, đưa tờ 50.000đ, anh lái đò không đủ tiền thối lại, bèn nói mình thôi khỏi trả.

Thật ra, để qua sông còn có một cây cầu nhỏ xinh với kiến trúc giống cầu Mỹ Thuận (nối Tiền Giang và Vĩnh Long), nhưng theo lời dân địa phương thì cầu đã bị đóng cửa để bảo trì. Nhưng đóng cửa, để lâu mà chưa thấy ai bảo trì.

Vậy nên, cách duy nhất đi chùa Nổi vẫn là “qua sông thì phải lụy đò”.

Sông Vàm Cỏ Tây chảy qua tỉnh Long An và Tiền Giang. Sông lấy nước từ sông Tiền và vùng Đồng Tháp Mười rồi hợp lưu với sông Vàm Cỏ Đông tạo thành sông Vàm Cỏ. Thành phố Tân An của tỉnh Long An nằm bên hữu ngạn con sông này” (Theo Wikipedia).

Khúc rộng này rộng chừng 200 m thôi, đứng từ bờ bên này có thể nhìn thấy chùa Nổi ở bên kia sông.

Cổng chính của chùa Nổi

Chùa Nổi, hay chùa Cổ Sơn, Cổ Sơn Tự nằm ở ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Bất cứ năm nào, dù đỉnh lũ có cao đến đâu và người dân trong vùng thường phải dùng ghe, thuyền di chuyển thì tại ngôi chùa Cổ Sơn này, nước cũng chỉ mấp mé tới mép cổng mà thôi. Vì thế, không chỉ nhuốm màu sắc tâm linh huyền bí trong dân gian, thực tế ngôi chùa còn là nơi xưa kia người dân quanh vùng thường tìm về tránh bom, tránh lũ trong mỗi mùa nước đến”.

Tháp thờ Quan Âm bên bờ sông, ngay trước cổng chùa

Được biết, chùa Nổi được xây dựng vào những năm đầu thời vua Gia Long, tức khoảng năm 1820. Truyền rằng, ngôi chùa này trước kia là một gò đất nhô cao hơn so với những khu vực khác. Ngày đó, vùng này còn rất hoang sơ, cây cỏ mọc um tùm. Mùa nước nổi, quanh năm suốt tháng khắp nơi ngập nước nên hàng ngày, đám trẻ con đi chăn trâu, cắt cỏ thường tụ tập ở gò đất này. Chúng lấy đất nặn thành những pho tượng để vui chơi.

Những bậc cha mẹ phụ huynh thấy vậy, sợ con cái mải chơi quên chăn trâu cắt cỏ bèn lén ném những bức tượng đất ấy xuống sông Vàm Cỏ Tây. Thế nhưng, kỳ lạ thay những bức tượng đất ấy lại nổi lên, không chìm như những hòn đất vô tri khác. Thấy có sự lạ, đoán rằng đây là vùng đất thiêng liêng, có linh khí nên mọi người bèn vớt các bức tượng ấy, xếp ngay ngắn lại, lập một cái am nhỏ để thờ cúng, cầu mong sự an lành. Lâu dần, nhiều người biết chuyện đã chung tay góp công sức, của cải để xây chùa.

Tuy nhiên, trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, chùa phần nào bị đổ nát, hư hỏng. Đến năm 1985, chùa mới chính thức được xây dựng lại và có hình dáng kiến trúc gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay. Phải chăng, cũng vì sự tích ấy mà người dân đã đặt thêm cho chùa Cổ Sơn là “chùa Nổi”?

Theo quan sát của chúng tôi, chùa Cổ Sơn đúng là tọa lạc trên một khu đất nhô cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng thực tế, nó cũng không quá cao bởi địa hình vùng đất này là chiêm trũng, đồng đất nối tiếp nhau.” (Biên tập theo danviet)

Mặt trời rọi qua cổng chùa những tia nắng ban mai dìu dịu

Chánh điện đang được xây dựng lại

Có lẽ vì vậy mà không khí đìu hiu phảng phất

“Chùa Nổi này không chỉ nổi tiếng bởi cứ nước lũ lên tới đâu là nổi lên tới đó mà đó còn là nơi các đôi uyên ương tìm đến thề nguyện cùng nhau đến răng long đầu bạc” (Theo nguoiduatin).

Bức tường rào phía trước chùa

Phía trước cổng chùa là một cây cầu đúc nhỏ

Mình thử đi bộ loanh quanh về phía cây cầu bị đóng cửa trùng tu kia

Con đường nhỏ dẫn vào chùa phía bên hông với nhiều cây cảnh xanh tốt

Trong chùa cũng có cả miếu thờ ông Tà

Đối với đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, NeakTa (Ông Tà) là vị thần có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Đây là vị thần gần gũi, dân dã gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng dân cư, là vị thần bảo hộ nhân dân” (Biên tập theo baocantho).

Một đầm sen đã tàn bên cạnh chùa

Đến đây thì chuyến độc hành ngắn của mình gần như sắp kết thúc. Những hình ảnh dưới đây chỉ là chụp ảnh dọc đường cho chặng về.

Đầm sen ở trước một xí nghiệp trên quốc lộ 62, đoạn TP. Tân An

Sông Vàm Cỏ Tây chụp từ cầu Tân An

Cỏ lau phất phơ

Dọc quốc lộ 1 đoạn huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Long An có rất nhiều hàng quán dọc đường bán táo, ổi tươi ngon với giá bình dân.

Ngoài ra, dọc quốc lộ 62 đoạn huyện Mộc Hóa người ta còn bày bán các thức quà quê dân dã như mật ong, bông súng, trái cây vườn nhà, nhìn khá tươi và hấp dẫn. Bạn thích thì đều có thể mua về dùng hoặc làm quà.

Hết!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *