Nơi bọn mình tình cờ mò đến là con đường vào làng người Raglai ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Bọn mình định đi một con suối nghe nói là đẹp hơn suối Nước Ngọt, nhưng đi nhầm đường (cũng trên cung đường đi Vĩnh Hy – Bình Tiên thì quẹo trái), và gặp được cái hồ và đập chứa nước ngọt (để phục vụ sinh hoạt cho dân trong vùng). Hồ này cũng có tên là hồ Nước Ngọt.
Đường rất khó đi, nhỏ, ngoằn ngoèo, đất đỏ mù mịt cùng sỏi đá gập ghềnh, lại lên dốc, xuống dốc. Bọn mình đi tìm suối nên đã mò lên tận trên ngọn núi, đến khi không chạy xe được nữa.
Cây cối cứ như thế này, kết quả của việc không có mưa nhiều tháng trời
Lên đỉnh ngọn núi (nói núi thì hơi thấp, mà nói đồi thì hơi cao) thì hết đi được, gặp vài người (không biết có phải người Raglai hay không), đang cột và chở củi xuống.
Bọn mình để xe đó và thử đi vào trong tìm suối
Bỏ xe dưới một cái cây gì trái như trái chùm ruột, nhưng ăn thử thì rất chát
Khung cảnh khô hạn, nắng nóng nhưng vẫn đầy chất thơ
Cây gì đang trổ lá xanh non
Đi mãi thì hết đường, gặp một ngôi nhà chơ vơ giữa rừng núi. Trước nhà, bò nhởn nhơ gặm cỏ khi cái nắng trưa càng lúc càng khốc liệt.
Nhìn cảnh này, mình chợt nghĩ đến bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sỹ Trần Tiến. Trong một clip xem được trên youtube, chú Tiến kể rằng, đại loại khi đi tìm một loại nhạc cụ mới để sang Pháp giới thiệu nhạc cụ độc đáo, chú đã đến vùng đất Ninh Thuận, đi bộ rất xa, leo lên núi, vào rừng, rồi thấy một ngôi nhà giữa khung cảnh thanh vắng, trên núi cao. Dê trắng thì được thả bên cạnh. Ngôi nhà có đôi vợ chồng, hai đứa con, và người chồng thì đang chơi một loại nhạc cụ lạ. Chú cứ đứng lặng im mà nghe, nghe xong thì tiến tới làm quen, và ngỏ ý mua lại loại nhạc cụ có tên Chapi kia. Người chồng nghe xong lời yêu cầu đó thì trả lời: Nếu anh thích thì tôi tặng, chứ tôi bán làm gì, đã lâu rồi chúng tôi không dùng đến tiền. Chú Tiến nhìn quanh nhà, ruộng lúa bên cạnh, dê gà bên cạnh, đúng là đâu cần gì nữa. Mà nhìn trong nhà, cũng không thấy sự xuất hiện của bất cứ món đồ bằng kim khí nào. Trong lòng chú tự nhiên nghĩ, khi nào mình mới sống được cuộc đời như thế này?
Và bài hát “Giấc mơ Chapi” ra đời như thế.
“Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai
Ơi Raglai, những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn Chapi
Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi
Tôi yêu Chapi không còn cô đơn, không buồn, không vui
Tôi nghe Chapi chợt thấy nao lòng
Về một giấc mơ… ôi Chapi”
Trở lại với hành trình nhỏ, vì không thấy suối, trời lại nắng nóng, tôi đề nghị quay ra, đến cái hồ lúc nãy nhìn thấy trên đường đi để ngồi chơi cho mát.
Một chú dê gặp trên đường. Hồ nước xanh đã hiện ra xa xa, nhìn là thấy mát hẳn.
Tôi nhìn hồ, và tưởng tượng rằng mình đang ở Tây Tạng, vì đã từng nhìn những bức ảnh về hồ nước, trời xanh, mây trắng bay trên Internet.
Một khối đá ở giữa hồ nhìn xa hơi giống chú chim cánh cụt
Một vài loài cây vẫn còn xanh tươi
Quởn quởn…
Thật là tuyệt vời. Làng mạc thanh bình. Lại có dê, chim cánh cụt đá.