Tiếng địa phương ở Bình Định

 

Bình Định là một tỉnh nhỏ thuộc vùng Nam Trung bộ của Việt Nam. Tỉnh này chạy dọc theo quốc lộ 1A, với 10 huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.

Về tiếng địa phương, ý kiến chủ quan của người viết thấy là có hai chất giọng (nói) của người địa phương ở tỉnh Bình Định. Nếu đi theo hướng từ Bắc vào Nam, thì huyện Hoài Nhơn là huyện đầu tiên của tỉnh, giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Người dân ở đây có giọng nói khác với các huyện khác của tỉnh Bình Định. Giọng nói ở đây khá thẳng, và dễ nghe, không “eo éo” như giọng danh hài Hoài Linh (khi nhắc đến giọng Bình Định nói chung thì người ta hay nghĩ đến chất giọng phải “eo éo”, thánh thót khó nghe đó). Còn ở các huyện, thị xã khác, và cả thành phố Quy Nhơn, người địa phương sẽ có chất giọng khá rắn, nặng và mạnh, nghe như kiểu tiếng kim loại hay thủy tinh vỡ va vào nhau loảng xoảng, hay dễ hình dung hơn, là giọng treble nhiều hơn bass.

Ngoài ra, trong nhiều thôn, xã khác nhau của huyện Hoài Nhơn thì người dân lại có giọng nói và cách dùng từ ngữ (tiếng địa phương) khác với người dân ở thị trấn Bồng Sơn của huyện. Hay giữa các huyện, thị xã, thành phố lại sẽ có những từ địa phương riêng. Nói vậy để thấy cái sự phong phong phú trong tiếng địa phương của các tỉnh thành Việt Nam nói chung.

Cầu Bồng Sơn cũ, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Dưới đây là tập hợp một số giọng địa phương, tiếng địa phương nói chung mà người dân trong tỉnh Bình Định hay sử dụng. Có những từ, tiếng chỉ xuất hiện ở một số thôn, xã, huyện trong tỉnh. Có những từ, tiếng mà cả dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, một phần Quảng Ngãi (hoặc nhiều tỉnh thành khác) đều sử dụng. Nếu mình nhớ ra thì sẽ dần cập nhật thêm.

1. Những tiếng có vần “ê” thì nói thành vần “ơ”: quê hương -> quơ hương, xê ra -> xơ ra,…
2. Những tiếng có vần “e” thì nói thành vần “ia”: ăn me -> ăn mia, coi chừng xe -> coi chừng xia, bị té -> bị tía, đi về -> đi dìa,…
Những tiếng có vần “em” thì nói thành vần “im”: ăn kem -> ăn kim, anh yêu em -> anh yêu im,…
3. Những tiếng có vần “ôi” thì nói thành vần “âu”: biết rồi -> biết rầu, ăn xôi -> ăn xâu, cái chổi -> cái chẩu,…
4. Những tiếng có vần “ăm” thì nói thành vần “em”: số năm (5) -> số nem, cà lăm -> cà lem, cây tăm -> cây tem,…
Những tiếng có vần “ăp” thì nói thành vần “ep”: ăn bắp -> ăn bép, sắp sửa -> sép sửa,…
5. Những tiếng có vần “ay” thì nói thành vần “ê”: cay quá -> kê quá, tụi bay -> tụi bê, may mắn -> mê mắn, máy bay -> mế bê,…
6. Những tiếng có vần “ai” thì nói thành vần “ay”: đánh bài -> đánh bày,…
7. Những tiếng có vần “a” thì nói thành “e…a” (“e” rồi tới “a” kéo dài): ba -> be…a, xa -> xe…a,…
8. Những tiếng có vần “ơi” thì nói thành “â…i”: tới chưa -> tấ…i chưa, đi chơi -> đi châ…i,…
9. Những tiếng có vần “ươi” thì nói thành “ư”: số mười -> số mừ, mắc cười -> mắc cừ,…
10. Phỉnh: giỡn, lừa, gạt (kiểu trêu đùa cho vui mà không có ác ý). Ví dụ: nó phỉnh mày đó!
11. Lủm: ăn (không thường xuyên sử dụng, vì mang ý nghĩa không được lịch sự)
12. Dẫy na: vậy à, thế à, thế hả, vậy hả, vậy sao,…
13. Ở quảy: ở quải (ở ngoài đó)
14. Màu đà: màu nâu
15. Cái bót: cái bàn chải (đánh răng/ giặt đồ)
16. Bà Nàng: mặt trăng
17. Kho lạt: nấu canh
18. Ăn lạt: ăn chay
19. Đậu non: tàu hũ nước đường, tào phớ
20. Chả ram: chả giò, nem rán
21. Nẫu: (có nghĩa là) người ta. Ví dụ: “kệ nẫu” tức là “kệ người ta” (xứ Nẫu là chỉ chung cho hai tỉnh Bình Định và Phú Yên).
22. Cái thẩu: cái hũ, cái bình

*** Bài viết mang tính chất tham khảo, có thể có sai sót.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *