Nếu chỉ có một ngày một đêm ở Hà Tiên…

 

Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, lúc tìm hiểu thông tin làm bài thuyết trình về một địa danh với các địa điểm tham quan du lịch đặc trưng, mình biết tới Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang qua tên gọi “Hà Tiên thập cảnh”. Thập cảnh đó là:

1. Kim Dự lan đào (đảo vàng chắn sóng – núi Pháo Đài)
2. Bình San điệp thúy (núi một màu xanh – núi Bình San)
3. Tiêu Tự thần chung (cảnh chuông chùa tịch mịch – chùa Tam Bảo)
4. Giang Thành dạ cổ (trống đêm Giang Thành – lũy Giang Thành)
5. Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây – núi Thạch Động)
6. Châu Nham lạc lộ (cò đậu Châu Nham – núi Đá Dựng)
7. Đông Hồ ấn nguyệt (trăng soi Đông Hồ – đầm Đông Hồ)
8. Nam Phố trừng ba (bãi Nam sóng lặn, tục danh: Bãi Ớt)
9. Lộc Trĩ thôn cư (xóm Mũi Nai)
10. Lư Khê ngư bạc (Rạch Vượt)

Mình đã muốn có một ngày được đặt chân tới vùng đất này, để xem vùng đất như thế nào mà lại có thể hội tụ nhiều cảnh đẹp nổi tiếng đến vậy.

Rồi cũng đến ngày đó, vì mình làm việc ở Phú Quốc, nên rất tiện để sang Hà Tiên khi chỉ ngồi trên tàu cao tốc chừng 1 giờ 20 phút là đến (Hà Tiên cách Phú Quốc khoảng 45 km). Rủ thêm ba người bạn cùng quê đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, bọn mình có vài tiếng đồng hồ cùng nhau khám phá Hà Tiên.

Trước khi lên đường, mình tra cứu các thông tin về Hà Tiên ở trên mạng, chỉ thấy sơ sài mấy tấm ảnh của các bạn đi du lịch bụi trước viết lại. Lại đọc được bài báo các cảnh đẹp của Hà Tiên xưa nay đã bị thương mại hóa, hoặc xấu đi nhiều, nên mình chuẩn bị tinh thần rằng chuyến đi ngắn này chỉ là dịp hội tụ bạn bè, chứ chẳng mong gì được ngắm cảnh đẹp.

Vì bọn mình đều không xin nghỉ được lâu, thời gian lưu lại Hà Tiên gấp gáp, nên mình chỉ tham quan được núi Đá Dựng, tức “Châu Nham lạc lộ” trong “thập cảnh”. Nhưng đến Hà Tiên rồi, mới thấy, sự chuẩn bị về mặt tinh thần của mình là quá dư thừa. Hà Tiên đẹp, rất đẹp là đằng khác. Và mình nghĩ, trong các địa danh ở Việt Nam, sau Hội An, Hà Nội, Sa Pa, thì Hà Tiên chính là địa danh tiếp theo mà mình rất thích, và nếu có cơ hội, mình sẽ quay lại không chỉ một lần để khám phá.

Bắt đầu từ buổi sáng chủ nhật, 19/05/2013, mình chạy xe máy ra bến tàu Bãi Vòng. Trước đó mình đã mua vé tàu cao tốc Superdong Phú Quốc – Hà Tiên, khởi hành lúc 10:00. Trước đây giờ khởi hành là 08:00, không hiểu tàu đổi giờ từ bao giờ, làm cho thời gian lưu lại Hà Tiên ít lại.

Gởi xe máy ở Nghiệp Đoàn, chỗ này cho phép gởi xe qua đêm bao lâu cũng được, 1 ngày 1 đêm giá 20.000đ. Thấy còn sớm, mình từ từ đi bộ ra chỗ tàu đậu, sẵn chụp ảnh.

Khung cảnh nên thơ không nè?

Trời mưa từ sáng sớm, nhưng lúc này đã tạnh, và nắng lên gay gắt.

Bến đỗ

Chờ ai đợi ai?

Lên tàu. Trước giờ mình mới đi Superdong một lần, và đây là lần thứ hai, nhưng thấy thích Superdong ở chỗ phục vụ niềm nở, và đúng giờ ghi trên vé là tàu tự động khởi hành. Ở đảo buồn, nên khi được đi gặp bạn bè, mình rất hứng khởi. Hứng khởi nhất là lúc tàu sắp cập bến, từ xa đã nhìn thấy đất liền.

Đất liền – Dải núi xanh xanh qua cửa sổ tàu

Gần đến bến tàu Hà Tiên. Qua cửa kính, mình thấy các khu nhà bên bờ với các hình khối được phủ màu sặc sỡ. Cảm giác tươi vui bao trùm.Thấy thích Hà Tiên ngay từ lúc đó.

Lên bờ.

Vì các bạn mình đã đến Hà Tiên từ khuya hôm qua, nên trong lúc chờ các bạn đến đón, mình lại loanh quanh chụp ảnh bến tàu Hà Tiên.

Bến tàu Hà Tiên tuy nhỏ nhưng có phòng vé, có nhà chờ, rất được so với bến tàu Bãi Vòng, vốn là một bến lớn (Phú Quốc có nhiều bến tàu: Bãi Vòng, Thạnh Thới, Hàm Ninh) nhưng chẳng có gì hết, nắng mưa khách đành chịu trận.

Những tòa nhà bên bờ với các khối màu sặc sỡ. Có cảm giác Hà Tiên giống với thủ đô Phnom Penh của nước bạn Campuchia.

Cả màu nước cũng xanh đẹp lạ.

Các bạn mình đã thuê xe máy (200.000 đ/ xe ga, không bao xăng, liên hê: anh Toàn 0939.440.235) đi loanh quanh thị xã từ sáng, giờ mới đến đón mình. May quá, nghe nói lại Hà Tiên mưa từ sáng sớm, khi mình đến bến tàu thì tạnh.

Gần bến tàu là tượng đài Mạc Cửu – Một thương gia người Hoa có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên vào khoảng đầu thế kỷ XVIII ở Việt Nam.

Cổng chào vào thị xã

Bọn mình đi qua cầu Đông Hồ để vào trung tâm thị xã. Nói chung vì ít thời gian nên mình chưa đi được một vòng Hà Tiên xem thế nào, nhưng cũng mường tượng được trung tâm thị xã và bến tàu nằm ở hai bên bờ sông Đông Hồ.

Núi Tô Châu nhìn từ sông Đông Hồ

Lúc này đã quá trưa, bọn mình ghé quán cơm Hiền trên đường Trần Hầu (vừa qua cầu Đông Hồ bên phía tay trái) để ăn cơm. Quán này lớn, được các bạn đi trước gợi ý. Khi đến mình cũng thấy nhiều xe du lịch chở khách du lịch đến đây dùng bữa. Bốn đứa ăn một lẩu canh chua cá bớp với cá (hình như cá bông lau) kho tô, hai thố cơm, trà đá miễn phí, hết 230.000 đ.

Ăn trưa xong, bốn đứa về khách sạn Phương Thủy (do ba bạn kia ở từ khuya –  được nhà xe Kumho giới thiệu), giá phòng ở đây là 300.000 đ/ đêm/ phòng 3 khách. Khách sạn trông mới, phòng ốc cũng ổn, lại nằm ngay chợ Bách Hóa Hà Tiên, ngay chân cầu Đông Hồ.

Ảnh chụp buổi tối cùng ngày

Địa chỉ:
Khách sạn Phương Thủy
TTTM Trần Hầu, P.Bình San, Hà Tiên, Kiên Giang
Email: [email protected]
Điện thoại: 077.3 959 155

À, theo thông tin từ các bạn mình, xe Kumho Sài Gòn – Hà Tiên ghế nằm là 170.000 đ, giường nằm là 200.000 đ, xe chạy khoảng 8 – 9 tiếng thì tới. Tới bến xe thì có xe trung chuyển miễn phí chở tới khách sạn, chiều quay về cũng có xe trung chuyển tới khách sạn rước ra bến xe Hà Tiên. Bạn có thể gọi tổng đài đặt vé qua số 08.3752.7878.

Ba bạn kia vì lúc sáng đi mưa ướt, phần vì điệu nên ai cũng thay áo để buổi chiều đi tham quan chụp ảnh. Chuyện, có “nhiếp ảnh gia” từ Phú Quốc sang mà lị (he he he)!

Khoảng 13g30, cả nhóm xuất phát đi núi Đá Dựng, vì mấy điểm tham quan nổi tiếng như núi Thạch Động, chùa Phù Dung, chùa Phật Đà, chùa tam bảo, lăng Mạc Cửu, các bạn mình đã đi buổi sáng rồi.

Nhóm dọc theo đường sông, vừa vãn cảnh, vừa chụp ảnh.

Cầu Đông Hồ nhìn từ bờ trung tâm thị xã Hà Tiên. Bờ đối diện là bến tàu Hà Tiên.

Thị xã sạch sẽ, không khí thoáng mát sau cơn mưa thiệt là dễ chịu.

Núi Tô Châu, bao gồm hai ngọn là Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu. Ngọn này có lẽ là Tiểu Tô Châu, vì “trên đỉnh Tiểu Tô Châu có rất nhiều chùa chiền, tịnh xá nằm ẩn mình dưới vườn cây trái xum xuê, rợp bóng”

Phố trưa vắng người…

Bạn chở tôi đi, ngồi sau ngắm cảnh, tôi càng lúc càng thấy thích thị xã này. Sạch đẹp, bình yên, nhưng không phải là cuộc sống chậm. Đặc biệt, tôi chưa thấy nơi nào có nhiều phượng như ở Hà Tiên. Đã vào hè nên hoa phượng nở đỏ rực khắp nơi. Tôi nghĩ, nên đặt tên cho Hà Tiên vào hè là thị xã Hoa Phượng Đỏ.

Thị xã yên bình

Những cây phượng ở đây toàn thấp bé, xinh xinh, nhưng hoa nở đỏ ngút trời và cũng chẳng kém rực rỡ chút nào!

Những ngôi nhà màu mè, nhưng vẫn hài hòa với tổng thể

Bến đò Cừ Đứt

Các bức tượng biểu tượng của Hà Tiên kế bến đò Cừ Đứt. Mình nghĩ đây là tượng các nàng tiên, vì tên gọi Hà Tiên là do Mạc Cửu đặt, do tương truyền xưa kia có tiên xuất hiện trên sông Giang Thành.

Trường mầm non Đông Hồ

Nhìn ảnh mà nhớ tới bài hát “Kiên Giang mình đẹp làm sao”: đất cũng đẹp, sao đâu đâu cũng đẹp…

Những khối màu tươi vui

Sông nước Hà Tiên

Cận cảnh Tiểu Tô Châu

Chụp ảnh kỷ niệm với bạn P.D

Trời bắt đầu đẹp rồi đó!

Đất và nước Hà Tiên

Cái ngọn núi nhỏ xíu ở cuối đường là Thạch Động.

“Thạch Động thôn vân”, trong đó “có một ngách hang ăn sâu xuống lòng đất, khiến không biết từ bao giờ ngách hang sâu này cùng với những vân đá tượng hình cô gái lờ mờ trên vách đứng, đã hình thành nên câu truyện cổ tích Thạch Sanh chém chằn“. Tin rằng, nếu có dịp quay lại Hà Tiên, mình sẽ đi những nơi chưa được đi cho thỏa mới được!

Một góc kênh bình yên

Hà Tiên liền kề Campuchia (qua cửa khẩu Xà Xía), nên khung cảnh ở đây có nét tương đồng với xứ Cam.

Thốt nốt và Thạch Động

Cận cảnh Thạch Động

Núi Đá Dựng nằm cách Thạch Động không xa. Tóm lại, những điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Tiên đều gần gần nhau.

Đường đến núi Đá Dựng

Cảnh quê yên bình

Cận cảnh một ngọn thốt nốt.

Đây có lẽ là núi Bình San, kế bên Thạch Động và Đá Dựng

Cả nhóm dừng xe chụp ảnh với mấy cây thốt nốt.

Núi Đá Dựng đã xuất hiện

Lại hoa phượng đỏ rực trên núi

Vé vào điểm tham quan núi Đá Dựng là 5000 đ/ người.

Núi Đá Dựng có tên chữ là Châu Nham Sơn, tên cổ là núi Bạch Tháp, thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, cách biên giới Việt Nam – Campuchia chừng 4km. Đường dẫn lên 14 hang động của Đá Dựng dài 3.149 mét“.

Sơ đồ tham quan các hang ở núi Đá Dựng

Cảnh từ trên núi thiệt là đẹp, nhất là cái hồ nước gì ở phía xa xa với mặt nước phẳng lặng và nước có màu xanh lam tuyệt đẹp.

Vì có ít thời gian nên bọn mình cố gắng đi nhanh, chỉ dừng lại ở các hang đẹp. Có thể nói, chuyến đi lần này giống như cưỡi… tên lửa xem hoa vậy!

Hang Lê Công Gia. Chịu, không tìm được thông tin tại sao lại có cái tên này.

Dây leo trong rừng

Lối thiên thai chăng?

Phượng rơi, phượng rơi đầy…

Hồ nước xanh lam tuyệt đẹp chụp qua kẽ phượng

“Tôn Ngộ Không” và ba yêu nhền nhện (he he)

Nếu có nhiều thời gian, mình nghĩ sẽ khám phá được nhiều điều hay ở mỗi hang. Chỉ có đến một cảnh trong “thập cảnh” mà Hà Tiên đã để lại nhiều hình ảnh đẹp trong mắt du khách, nên mình nghĩ, nếu đi nhiều điểm, chắc sẽ có nhiều hình ảnh và câu chuyện thú vị hơn nữa.

Đa số các hang lớn đều có đặt bàn thờ Phật.

Cảnh đẹp từ trên cao

Một góc ảnh đẹp

Bọn mình thắc mắc không biết mấy khoảnh đất bên dưới có được dùng để trồng lúa hay không, vì nhìn nó khô hạn quá.

Bạn mình nói ngôi nhà ngói đỏ bên dưới là một sòng bài của Campuchia. Và vì thế, ở khúc này, các nhà mạng thi nhau nhắn tin, đại loại sim của quý khách đã được tự động chuyển vùng quốc tế.

Cả đám dân văn phòng lâu lâu được dịp leo núi mệt đứt hơi.

Hang khổ qua, với các phiến đá giống vỏ trái khổ qua. Ở ngoài nhìn đẹp hơn trong ảnh nhiều.

Cảnh đẹp chưa nè?

Tấm này cũng đẹp héng?

Trong hang Bồng Lai. Ảnh: Thế Việt Nguyễn

Vậy là kết thúc một vòng núi Đá Dựng rồi đó.

Ôm (vỏ) bom mừng xuống núi thành công.

À, ngay chân núi có các hàng quán bán nước và trái thốt nốt, các bạn nên uống thử, cũng rất ngon, 10.000 đ/ ly. Ở đây còn có người bán xoài Campuchia, bọn mình mua nhiều nên mua được với giá 4.000 đ/ kí, tưởng rẻ rồi, ai ngờ, lúc trả xe máy, anh cho thuê xe máy nói 3 kí chỉ 10.000 đ. Mà xoài ngon nghen, dòn, ngọt, có điều trái hơi nhỏ.

Tiếp theo, nhóm đi biển Mũi Nai tắm. Để đến biển, phải vào địa phận khu du lịch biển Mũi Nai với vé cổng 5.000 đ/ người.

Chưa thấy biển ở đâu xấu như ở đây. Nước và cát đen thui, hàng quán ngay sát biển, trông dơ dơ…

Tuy nhiên, đã đến đây rồi, phải tận dụng thời gian nô đùa thỏa thuê chứ.

Cùng nhảy nào! Ảnh: Thế Việt Nguyễn

Khoảng 18g, bọn mình phải quay về để trả xe theo thỏa thuận. Sau khi thay nhau sử dụng phòng tắm, cả nhóm ra khu ăn uống đối diện khách sạn ăn tối. Đồ ăn ở đây và giá cả ở mức tạm chấp nhận được (mì xào, cơm chiên đồng giá: 35.000 đ/ phần).

Sau đó, mấy chị em phụ nữ đi chợ đêm. So với những gì đọc được trên mạng, chợ đêm Hà Tiên giờ khác xa, không sôi động lắm, các hàng quán cũng không theo trật tự nào, mà sắp xếp lộn xộn, cũng chẳng có gì đặc biệt để mua, ngoại trừ việc bọn mình tìm mua được hai trái sầu riêng Campuchia ăn khá ngon với giá 30.000 đ/ kí.

Sau đó, ba bạn kia chia tay mình, lên chuyến xe đêm về lại TP. Hồ Chí Minh.

Mình ở lại một đêm, sáng ra bến tàu sớm về lại Phú Quốc. Trước đó đã kịp dạo chợ lần nữa chụp mấy tấm ảnh.

Chợ cá, kế chợ Bách Hóa Hà Tiên

Chợ Bách Hóa Hà Tiên, sao đã “chợ” lại còn “bách hóa”?

Bến tàu Hà Tiên, hình ảnh tươi đẹp cuối cùng về thị xã đáng mến này.

Chú thích: Những chữ in nghiêng trong ngoặc kép được trích dẫn từ nhiều nguồn trên internet, chưa xin phép tác giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *